Công dụng thuốc Telma 80

Thuốc Telma 80 được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp vô căn ở người trưởng thành... Vậy liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Telma 80 là gì, mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Telma 80 có tác dụng gì?

Thuốc Telma 80 chứa hoạt chất Telmisartan 80mg được bào chế dưới dạng viên nén. Telma 80 được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp vô căn ở người trưởng thành.

2. Cơ chế tác dụng của thuốc

Telmisartan là hoạt chất thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II, thuốc gắn kết chọn lọc trên thụ thể AT1. Sự gắn kết này kéo dài và không cho thấy có ái lực với thụ thể khác, kể cả AT2.

Telmisartan tác dụng làm giảm Aldosterone máu, thuốc không ức chế Renin huyết tương, không chẹn các kênh ion, không ức chế men chuyển Angiotensin nên thuốc không có tác dụng phụ gây ra bởi Bradykinin.

Ở người bệnh tăng huyết áp, Telmisartan tác dụng hiệu quả giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương mà không gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Khi ngưng điều trị bằng thuốc, huyết áp sẽ dần trở lại giá trị ban đầu mà không có tình trạng tăng huyết áp dội ngược. Điều trị với Telmisartan đã được chứng minh trên lâm sàng là giảm trọng lượng cơ thất trái và chỉ số cơ thất trái ở người bệnh tăng huyết áp có phì đại thất trái.

3. Liều dùng của thuốc Telma 80

Telma 80 thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh. Thuốc có thể được uống cùng hoặc không cùng với thức ăn (thức ăn không ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc).

Một số khuyến cáo về liều thuốc Telma 80 như sau:

  • Người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo là 40mg/lần/ngày, trường hợp huyết áp chưa đạt được mục tiêu có thể tăng liều dùng lên 80mg/ngày. Ngoài ra, thuốc có thể dùng kết hợp với nhóm thuốc lợi tiểu Thiazid như Hydrochlorothiazid. Khi cần tăng liều thuốc cần lưu ý tác dụng hạ huyết áp tối đa của thuốc đạt được sau 4 – 8 tuần điều trị;
  • Phòng ngừa bệnh lý tim mạch: Liều thuốc khuyến cáo là 80mg/lần/ngày. Lưu ý khi bắt đầu điều trị với Telmisartan nhằm giảm bệnh lý tim mạch cần theo dõi huyết áp, trường hợp cần thiết nên hiệu chỉnh liều để đạt được huyết áp thấp hơn;
  • Người bệnh suy thận: Người bệnh suy thận nặng hoặc chạy thận nhân tạo khuyến cáo nên dùng liều 20mg/lần/ngày. Đối với người bệnh suy thận nhẹ đến trung bình không cần hiệu chỉnh liều thuốc;
  • Người bệnh suy gan: Chống chỉ định sử dụng thuốc Telma 80 ở người bệnh suy gan nặng. Đối với người bệnh suy gan nhẹ đến trung bình, liều thuốc khuyến cáo không quá 40mg/lần/ngày;
  • Người bệnh cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc ở người cao tuổi;
  • Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi: Hiện chưa có báo cáo cụ thể về an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc Telma 80 ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, vì vậy khuyến cáo không sử dụng thuốc ở đối tượng này.

4. Tác dụng phụ của thuốc Telma 80

Thuốc Telma 80 có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

Ít gặp:

  • Toàn thân: Đau đầu, hạ huyết áp quá mức, mệt mỏi, chóng mặt (đặc biệt là ở người bệnh mất dịch như đang dùng liều cao thuốc lợi tiểu), phù mạch, phù chân tay, tiết nhiều mồ hôi, nhìn mờ;
  • Trên hệ thần kinh trung ương: Lo lắng, tình trạng kích động, chóng mặt;
  • Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, khô miệng, đau bụng, khó tiêu, trào ngược acid, chán ăn, đầy hơi, tiêu chảy;
  • Trên hệ tiết niệu: Tăng creatin và ure huyết, giảm chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Trên đường hô hấp: Viêm xoang, viêm họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, triệu chứng giống cúm (sốt, ho, sung huyết, đau tai, chảy nước mũi, sung huyết mũi, hắt hơi, đau họng);
  • Trên xương khớp: Đau và co thắt cơ, đau lưng, triệu chứng giống viêm gân;
  • Trên chuyển hóa: Tăng Kali huyết.

Hiếm gặp:

  • Toàn thân: Phù mạch;
  • Trên mắt: Rối loạn thị giác;
  • Trên tim mạch: Giảm huyết áp quá mức, ngất, nhịp tim nhanh;
  • Trên tiêu hóa: Chảy máu dạ dày – ruột, khó chịu dạ dày, khô miệng, chứng loạn vị giác;
  • Trên da – mô mềm: Ban da, mày đay, ngứa;
  • Trên gan: Tăng enzym gan;
  • Trên máu – hệ bạch huyết: Giảm bạch cầu trung tính, giảm hemoglobin, nhiễm khuẩn huyết có thể gây tử vong;
  • Trên hệ chuyển hóa: Tăng cholesterol huyết, tăng acid uric huyết;
  • Trên hệ thần kinh: Buồn ngủ;
  • Trên hệ cơ – xương khớp: Đau tứ chi, đau khớp, đau gân.

Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Telma 80.

5. Chống chỉ định của thuốc Telma 80

Chống chỉ định sử dụng thuốc Telma 80 trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với Telmisartan hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Telma 80;
  • Phụ nữ đang mang thai ba tháng giữa và ba tháng cuối thai kỳ;
  • Người bệnh rối loạn tắc nghẽn đường mật;
  • Người bệnh suy gan nặng;
  • Chống chỉ định sử dụng đồng thời thuốc Telma 80 với sản phẩm có chứa Aliskiren ở người bệnh suy thận hoặc đái tháo đường.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Telma 80

  • Không sử dụng thuốc Telma 80 ở người bệnh ứ mật, rối loạn tắc nghẽn đường mật và người bệnh suy gan nặng, vì hoạt chất Telmisartan được thải trừ qua mật. Độ thanh thải gan ở người bệnh suy gan bị giảm đi khi điều trị bằng thuốc Telmisartan.
  • Người bệnh bị hẹp động mạch thận 2 bên hoặc 1 bên khi điều trị bằng Telmisartan có nguy cơ cao hạ huyết áp và suy thận nặng hơn.
  • Người bệnh điều trị bằng thuốc Telma 80 cần theo dõi định kỳ nồng độ creatinin và kali huyết thanh, đặc biệt là ở người bệnh suy giảm chức năng thận.
  • Hạ huyết áp có triệu chứng, đặc biệt là sau khi dùng liều thuốc Telma 80 đầu tiên có thể xảy ra ở người bệnh bị suy giảm thể tích (tiêu chảy, giảm thể tích và natri huyết do nôn, thẩm tách, điều trị bằng thuốc lợi tiểu kéo dài, chế độ ăn hạn chế muối). Người bệnh cần được điều chỉnh rối loạn mất nước trước khi điều trị bằng thuốc Telma 80.
  • Thuốc Telma 80 làm giảm bớt tình trạng mất Kali do thuốc lợi tiểu gây ra. Các thuốc lợi tiểu giữ Kali như Eplerenon, Spironolacton, Triamteren, Amilorid... nếu sử dụng đồng thời với Telma có giúp tăng tác dụng hiệp đồng, tuy nhiên người bệnh cần được theo dõi nồng độ Kali huyết thanh thường xuyên.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Khuyến cáo không sử dụng thuốc Telma 80 ở phụ nữ đang mang thai.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa chứng minh được khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Telmisartan. Vì vậy cần ngưng sử dụng thuốc khi cho con bú hoặc ngưng cho con bú khi điều trị bằng thuốc Telma 80.

7. Tương tác thuốc

  • Tương tác với các thuốc chống tăng huyết áp khác: Tác động hạ huyết áp của Telma 80 tăng lên khi dùng kèm với thuốc điều trị tăng huyết áp khác. Chống chỉ định sử dụng đồng thời Aliskiren và Telma 80 ở người bệnh suy thận hoặc đái tháo đường.
  • Thuốc giảm đau – kháng viêm không steroid (NSAID): Các NSAID làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II. Ở một số người bệnh có chức năng thận bị tổn hại, sử dụng kết hợp Telmisartan và thuốc NSAID có thể dẫn đến sự suy giảm hơn nữa chức năng thận, bao gồm cả nguy cơ suy thận cấp tính. Vì vậy việc sử dụng kết hợp các thuốc trên cần được thận trọng, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Thuốc lợi tiểu quai hoặc lợi tiểu thiazid: Điều trị bằng thuốc lợi tiểu liều cao như Hydrochlorotiazid và Furosemid có thể dẫn đến mất dịch, nguy cơ hạ huyết áp khi bắt đầu điều trị bằng Telmisartan. Cần xem xét thận trọng khi phối hợp sử dụng các thuốc này với nhau.
  • Sử dụng đồng thời Digoxin và Telmisartan làm tăng nồng độ trong huyết tương của Digoxin. Vì vậy cần theo dõi nồng độ của Digoxin máu khi bắt đầu điều trị, hiệu chỉnh hoặc ngưng dùng thuốc Telma 80 để tránh nguy cơ quá liều thuốc Digoxin.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Telma 80, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Telma 80.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Telma 80, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Telma 80 là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe