Thuốc Midacemid được dùng trong điều trị tăng huyết áp và suy tim ứ huyết. Midacemid có thành phần chính là Quinapril - QPL và Hydroclorothiazid- HCT.
1. Thuốc Midacemid là thuốc gì?
Thuốc Midacemid thuộc nhóm thuốc tim mạch. Midacemid được bào chế dưới dạng viên nén tròn bao phim màu trắng, hai mặt lồi và bề mặt viên thuốc nhẵn bóng lành lặn, được đóng theo hộp 1 túi x 3 vỉ x 10 viên bao phim.
Thuốc Midacemid có 2 loại:
- Midacemid 10/12,5 có chứa: Quinapril - QPL 10mg, Hydroclorothiazid- HCT hàm lượng 12,5mg và các tá dược khác: Lactose, magnesi carbonat, crospovidon, povidon, magnesi stearat, HPMC, PEG 6000, Tio2, talc.
- Midacemid 20/12,5 có chứa: Quinapril - QPL 20mg, Hydroclorothiazid- HCT hàm lượng 12,5mg và các tá dược khác: Lactose, magnesi carbonat, crospovidon, povidon, magnesi stearat, HPMC, PEG 6000, Tio2, talc.
2. Thuốc Midacemid có tác dụng gì?
Thuốc Midacemid với thành phần gồm quinapril (thuộc nhóm thuốc ức chế ACE - ức chế enzym chuyển angiotensin - thuốc ức chế men chuyển) và hydroclorothiazid (thuộc nhóm thuốc lợi tiểu) được sử dụng trong các trường hợp:
- Điều trị tăng huyết áp vô căn ở mọi mức độ, có thể dùng thuốc đơn độc hoặc dùng cùng với thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta.
- Suy tim ứ huyết dùng kết hợp với thuốc lợi tiểu hoặc glucoside tim
3. Liều lượng - Cách dùng thuốc Midacemid
Thuốc Midacemid dùng theo sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh uống thuốc cùng bữa ăn hoặc không cùng bữa ăn, nên uống thuốc vào khoảng thời gian nhất định mỗi ngày, không bẻ viên thuốc Midacemid để chia nhỏ liều.
Liều dùng thuốc Midacemid tham khảo như sau:
- Điều trị tăng huyết áp: 10mg Midacemid x 1 lần/ngày, duy trì 20 – 40mg Midacemid/ngày, chia làm 1 - 2 lần, có thể 80mg Midacemid/ngày.
- Dùng kèm lợi tiểu: 5mg Midacemid, sau đó chỉnh liều.
- Suy thận: chỉnh liều Midacemid theo ClCr. Người lớn tuổi: 5mg Midacemid x 1 lần/ngày.
- Suy tim ứ huyết: 5mg Midacemid x 1 lần/ngày, sau đó chỉnh liều (có thể 40mg Midacemid /ngày), chia làm 2 lần với lợi tiểu hay glycoside tim; duy trì: 10 – 20mg Midacemid /ngày.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Midacemid
Thuốc Midacemid không dùng trong các trường hợp:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng với quinapril, các thuốc cùng nhóm với quinapril như enalapril, captopril..., các thiazid và các thuốc khác là dẫn xuất của sulfonamid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc Midacemid.
- Không được sử dụng thuốc Midacemid ở người bệnh đái tháo đường có tăng huyết áp hoặc suy thận.
- Người bệnh có tiền sử bị phù mạch liên quan đến điều trị bằng thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin.
- Người đang mang thai.
- Người cho con bú
- Trẻ em
- Không dùng thuốc Midacemid cho người bệnh nghi ngờ hoặc mắc bệnh mạch thận như hẹp động mạch thận hai bên hoặc hẹp động mạch thận ở thận độc nhất, người ghép thận, bệnh mạch ngoại biên hoặc vữa xơ động mạch toàn thân, người ghép thận.
- Không dùng thuốc Midacemid ở những người bệnh mắc: bệnh gút, chứng vô niệu, tăng acid uric huyết, bệnh Addison, chứng tăng calci huyết, suy gan/thận nặng.
5. Tương tác thuốc Midacemid
Nên tránh sử dụng chung thuốc Midacemid với các thuốc sau:
- Thuốc lợi tiểu giữ kali, Chất bổ sung kali hoặc các chất thay thế mudi kali.
- Thuốc Lithi điều trị trầm cảm, hưng cảm.
- Các thuốc tác động lên hệ Renin - Angiotensin (RAS).
- Thuốc Tetracylin, các thuốc khác có tương tác với magnesi.
- Các thuốc kháng viêm không steroid như: aspirin, ibuprofen...
- Thuốc ức chế mTOR điều trị ung thư thận như temsirolimus.
- Thuốc natri_aurothiomalate.
- Alopurinol, procainamid, corticoid các chất kìm hãm tế bào hoặc các chất ức chế tủy xương.
- Cồn, các narcotic, các barbiturat.
- Thuốc trị đái tháo đường (các thuốc uống và insulin).
- Nhựa cholestyramin và colestipol.
- Corticosteroid, ACTH.
- Glycosid digitalis.
- Amin tăng huyết áp
- Thuốc giãn cơ vân ( tubocurarin).
- Thuốc trị bệnh gút ( allopurinol).
- Các muối canxi.
- Các chất chẹn beta và diazoxid, amantadin, các chất kháng tiết cholin (như atropin, beperiden), các thuốc có độc tính trên tế bào (như cyclophosphamid, methotrexat).
6. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Midacemid
Thuốc Midacemid thường được dung nạp tốt. Trong các nghiên cứu lâm sàng tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Midacemid thường nhẹ, thoáng qua.
Thường gặp
- Ho khan kéo dài: Thường xảy ra trong tuần điều trị Midacemid, kéo dài suốt thời gian điều trị và mất đi trong vòng vài ngày sau khi ngừng thuốc Midacemid.
- Nhức đầu.
- Tăng nitrogen ure máu (BUN) và creatinin.
- Tăng kali máu.
Ít gặp
- Tim mạch: Hạ huyết áp thường gặp ở những người bệnh giảm natri hoặc giảm thế tích máu, người suy tim sung huyết, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
- Thần kinh: Ngủ gà, mất ngủ, ngất, kích động, trầm cảm, dị cảm
- Tiêu hóa: Buồn nôn, đầy hơi, loạn vị giác, khô miệng và họng, tiêu chảy/táo bón.
- Da: Ban da, ngứa da.
- Sinh dục: Liệt dương.
- Cơ xương: Đau cơ, đau khớp,đau lưng.
- Mắt: Rối loạn thị giác, nhìn mờ, giảm thị lực.
- Sốt, phù, mệt, suy nhược, toát mồ hôi,viêm họng, rụng tóc.
Hiếm gặp
- Tim mạch: Phù mạch, đau tức ngực thường kèm theo hạ huyết áp nghiêm trọng, hạ huyết áp thế đứng, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, sốc tim.
- Tiêu hóa: Xuất huyết đường tiêu hóa, viêm tụy.
- Gan: Tăng enzym gan, viêm gan, vàng da ứ mật, hoại tử gan bạo phát.
- Da: Viêm da và đa cơ, viêm da tróc vảy, mẫn cảm ánh sáng.
- Tiết niệu: Suy thận cấp, làm gia tăng bệnh suy thận.
- Hô hấp: Bệnh phổi thâm nhiễm bạch cầu ưa eosin.
- Huyết học: Giảm bạch cầu trung tính hoặc chứng mắt bạch cầu hạt (sốt, rét run), giảm tiểu cầu, thiếu máu tan máu.
- Chuyển hóa: Nhịp tim không đều, tăng kali huyết nặng.
- Phản ứng kháng thể kháng nhân(-), nhạy cảm với ánh sáng, sốt, đau lưng.
7. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Midacemid
Thận trọng dùng thuốc Midacemid cho người bệnh bị suy thận, người bệnh đang dùng Quinapril và thuốc lợi tiểu giữ Kali, người bệnh phẫu thuật gây mê.
Khi dùng thuốc Midacemid nên theo dõi bạch cầu khi có bệnh tạo keo hoặc bệnh thận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.