Thuốc Tanox có thành phần chính là Niclosamide, là thuốc điều trị nhiễm sán các loại. Nắm rõ các thông tin cơ bản của thuốc Tanox và sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân điều trị an toàn và hiệu quả.
1. Tanox là thuốc gì?
Tanox là thuốc gì? Thuốc Tanox được bào chế dưới dạng viên nén nhai và đóng gói hộp 2 vỉ x 2 viên. Thành phần chính của thuốc gồm:
- Hoạt chất: Niclosamide 500mg
- Tá dược vừa đủ 1 viên
Niclosamide là một dẫn xuất từ salicylanilid có clor, được sử dụng để điều trị trong trường hợp nhiễm sán các loại như sán dây lợn (Taenia solium), sán dây cá (Diphyllobothrium latum), sán dây bò (Taenia saginata),) sán dây lùn (Hymenolepis nana).
Thuốc có nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, hiệu quả, ít gây độc nên được dùng phổ biến. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuốc là không có tác dụng với ấu trùng sán dây lợn. Nhiễm ấu trùng sán dây lợn là bệnh rất nguy hiểm, vì kém đáp ứng với hóa trị liệu. Do đó, trong trường hợp nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm ấu trùng sán dây lợn thì Praziquantel thường được lựa chọn đầu tiên.
Hoạt chất Niclosamide tiêu diệt sán bằng cách tác dụng trực tiếp lên đầu sán. Thông qua việc ức chế hình thành adenosin triphosphat (ATP) ở ty lạp thể, thuốc can thiệp vào sự chuyển hóa năng lượng của sán và ức chế sự thu nhận glucose của những con ký sinh trùng này làm đầu sán và các đoạn liền kề bị chết. Sau khi chết, sán bị tống ra ngoài theo phân, có thể thấy cả con hoặc nhiều đoạn nhỏ. Vì vậy, sau 2 giờ uống thuốc, người bệnh có thể uống 1 liều thuốc nhuận tràng để tống hết những con sán đã chết và phòng ngừa khả năng trứng di chuyển lên dạ dày.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Tanox
2.1.Chỉ định của thuốc Tanox
Dùng thuốc Tanox để điều trị sán trong các trường hợp sau:
- Nhiễm các loại sán dây gồm : sán bò, sán lùn, sán cá.
- Nhiễm sán lợn, tuy nhiên không diệt được trứng của loại sán này. Do đó, nếu bệnh nhân có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn nên dùng Praziquantel.
2.2.Chống chỉ định sử dụng thuốc Tanox
- Người dị ứng quá mẫn với Niclosamide hoặc các thành phần của thuốc Tanox.
3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Tanox
3.1.Cách sử dụng
Thuốc Tanox được sử dụng bằng cách nhai trực tiếp. Bệnh nhân nhai kỹ viên thuốc Tanox rồi nuốt với một ít nước, thường dùng thuốc sau bữa ăn sáng.
Đối với trẻ nhỏ, để sử dụng thuốc phải nghiền kỹ viên thuốc Tanox rồi trộn với một ít nước để cho trẻ uống. Việc nghiền thuốc giúp thuốc xuống tới ruột dưới dạng bột và để tăng tính hiệu quả thì hỗn dịch này pha càng đậm đặc càng tốt, từ đó làm tăng tác dụng khi thuốc tiếp xúc trực tiếp với sán.
3.2. Liều dùng
Nhiễm sán dây lợn
- Liều duy nhất 2 g sau bữa ăn sáng, dùng cùng lúc 4 viên.
- Ngoài ra, cần uống thêm 1 thuốc chống nôn trước khi điều trị bằng Niclosamide và 1 thuốc nhuận tràng sau khi dùng thuốc Tanox 2 giờ để phòng nhiễm ấu trùng sán dây lợn.
Sán dây bò, sán dây cá
- Dùng 2 viên/lần x 2 lần/ngày, liều đầu dùng ngay sau bữa sáng và liều sau cách 1 giờ sau đó.
- Trường hợp bệnh nhân thường xuyên bị táo bón thì nên uống 1 liều thuốc nhuận tràng vào buổi chiều hôm trước ngày dùng thuốc Tanox.
Sán dây lùn
- Liều khởi đầu 2 g trong ngày đầu tiên
- Sau đó giảm xuống còn 1 g/ngày
- Người bệnh dùng thuốc trong 6 ngày liên tục.
Liều dùng cho trẻ em
- Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: liều dùng bằng 1/2 liều người lớn.
- Trẻ em dưới 2 tuổi: sử dụng liều bằng 1/4 liều người lớn.
Lưu ý: Vì sán dây lùn thường sống trong niêm mạc đường ruột nên để tăng hiệu quả dùng thuốc Tanox, người bệnh nên uống nhiều dịch chua từ các loại quả lúc dùng thuốc để tạo thuận lợi giúp cho việc tiếp xúc giữa thuốc và sán được nhiều hơn. Nếu đầu sán còn sống sót thì chỉ sau 14 ngày nó đã phát triển thành sán trưởng thành và chỉ 10 ngày sau đó có thể tìm thấy trứng sán trong phân.
Do có sự phân giải của enzyme nên sau một thời gian dùng thuốc có thể không nhận ra được đầu sán ở phân, sau đó là các đoạn sán hoặc trứng sán, kể cả có dùng thuốc tẩy. Sau 3 tháng nếu phát hiện những đoạn sán mới hoặc trứng trong phân thì tức là người bệnh đã bị tái nhiễm với T. saginata hoặc T. solium.
4. Lưu ý khi sử dụng Tanox
4.1.Tác dụng phụ của thuốc Tanox
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Tanox là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ban da, ngứa. Ít khi nhận thấy các trường hợp phản ứng phản vệ như phù mạch, nổi mày đay, vì thuốc ít hấp thu vào cơ thể.
Một số lưu ý khi dùng thuốc Tanox:
- Cần phải làm càng nhanh càng tốt việc tống các đoạn sán chứa đầy trứng sán trưởng thành ra ngoài để phòng tái nhiễm và tăng hiệu quả điều trị.
- Khi tẩy trứng ra ngoài, tuyệt đối không được để trứng dính vào tay, miệng vì sẽ dẫn đến bệnh ấu trùng sán lợn, đây là một bệnh hết sức nguy hiểm, vì không đáp ứng với hóa trị liệu.
- Phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu chỉ ra Niclosamide không gây đột biến, làm quái thai hoặc gây độc cho thai. Vì vậy, trường hợp nhiễm sán phải điều trị không chậm trễ do nguy cơ bệnh ấu trùng sán dây lợn rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
- Phụ nữ cho con bú: Niclosamide chưa được xác định mức độ bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên thuốc hấp thu vào cơ thể rất ít. Vì vậy, trường hợp bà mẹ có con đang cho bú bị nhiễm sán nên tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc sử dụng thuốc Tanox.
- Thận trọng ở người lái xe hoặc vận hành máy móc trong quá trình điều trị thuốc Tanox.
5. Tương tác thuốc Tanox
Thuốc Tanox có thể xảy ra tương tác với rượu. Rượu làm tăng sự hấp thu của Niclosamide có trong thuốc. Vì vậy, người bệnh không uống rượu trong khi điều trị nhiễm sán bằng Tanox.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thành phần, cách sử dụng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Tanox. Bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu còn thắc mắc và tuân theo đúng chỉ định, liều dùng để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.