Thuốc Tanafetus thường được kê đơn sử dụng để điều trị cơn ho do cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản,.. đồng thời mang lại tác dụng long đờm hiệu quả. Trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân cần thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị mà bác sĩ khuyến nghị.
1. Tanafetus là thuốc gì?
Thuốc Tanafetus thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp. Tanafetus thường được dùng để làm giảm cơn ho, mang lại tác dụng long đờm và giảm các triệu chứng ho do cảm cúm, lao, cảm lạnh, viêm phổi,...
Hiện nay, thuốc Tanafetus được bào chế dưới dạng viên nén và đóng gói theo quy cách hộp 25 vỉ x 4 viên. Trong mỗi viên nén Tanafetus bao gồm sự kết hợp của các thành phần hoạt chất sau:
- Hoạt chất chính: Dextromethorphan HBr (10mg), Clorpheniramin maleat (1mg), Ammonium chloride (50mg), Natri citrat (133mg) và Glycerin guaiacolat (50mg).
- Các tá dược vừa đủ: Tinh bột sắn, Lactose, Magnesium stearate, bột Talc, PVP.K30 và màu patente (xanh).
2. Công dụng của thuốc Tanafetus
Mỗi hoạt chất trong thuốc Tanafetus giữ vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Khi kết hợp chung trong cùng một công thức có thể mang lại hiệu quả điều trị giảm ho, long đờm và đẩy lùi nhanh chóng các triệu chứng ho do cảm lạnh, viêm phổi,...
2.1 Chỉ định dùng thuốc Tanafetus
Thuốc Tanafetus thường được kê đơn dùng để điều trị cho những trường hợp dưới đây:
- Điều trị giảm cơn ho và long đờm hiệu quả.
- Điều trị cho các tình trạng ho do viêm phổi, cảm cúm, cảm lạnh, lao, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản.
- Điều trị cơn ho do hít phải chất kích ứng hoặc màng phổi bị kích ứng.
2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Tanafetus
Không sử dụng thuốc Tanafetus cho các trường hợp sau khi chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc:
- Bệnh nhân quá mẫn hoặc bị dị ứng với bất kỳ thành phần dược chất nào trong thuốc.
- Người đang mắc cơn hen cấp tính.
- Người có các triệu chứng của tình trạng phì đại tuyến tiền liệt.
- Người bị tắc cổ bàng quang, chít hẹp hoặc tắc môn vị - tá tràng, loét dạ dày.
- Người đang mắc bệnh Glaucoma góc hẹp.
- Phụ nữ đang nuôi con bú, trẻ bị sinh thiếu tháng và trẻ sơ sinh.
- Người đang sử dụng các thuốc ức chế Monoamine oxidase (MAO) trong vòng 14 ngày.
- Trẻ em < 2 tuổi.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Tanafetus hiệu quả
Thuốc Tanafetus được chỉ định điều trị giảm ho, long đàm cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi với liều khuyến cáo từ 1 – 2 viên / lần, mỗi liều cách nhau 6 – 8 giờ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để dùng thuốc Tanafetus hiệu quả và hạn chế nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, bệnh nhân cần dùng thuốc theo đúng liều lượng khuyến cáo, tránh tự ý điều chỉnh tăng / giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc trước thời hạn.
Thuốc Tanafetus được bào chế dưới dạng viên nén, do đó bệnh nhân có thể dùng thuốc bằng đường uống. Khi uống, nên nuốt nguyên viên thuốc, tránh nhai hoặc nghiền nát thuốc. Ngoài ra, không nên uống Tanafetus cùng với các loại nước khác như nước ngọt, nước có gas, cồn, cà phê,...
4. Cần làm gì khi uống quá liều thuốc Tanafetus?
Việc sử dụng quá liều thuốc Tanafetus có thể gây ra các tác dụng bất lợi cho sức khỏe cũng như quá trình điều trị của người bệnh, cụ thể:
- Quá liều Dextromethorphan: Gây ra các triệu chứng như buồn ngủ, buồn nôn, ói mửa, nhìn mờ, bí tiểu tiện, rung giật nhãn cầu, ảo giác, co giật và suy hô hấp. Để xử trí tình trạng quá liều Dextromethorphan HBr, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm tĩnh mạch thuốc Naloxon 2mg cho bệnh nhân và dùng nhắc lại nếu cần tới tổng liều 10mg.
- Quá liều Clorpheniramin maleat: Gây ra các triệu chứng như cơn động kinh, an thần, kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương, chống tiết Acetylcholin. Để xử trí tình trạng quá liều Clorpheniramin maleat, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng và một số liệu pháp hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.
5. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Tanafetus
Dưới đây là những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc Tanafetus: Mệt mỏi, nhịp tim nhanh, chóng mặt, buồn nôn, da đỏ bừng, buồn nôn (thường gặp); nổi mề đay (ít gặp) và ngoại ban. Khô miệng, an thần hoặc ngủ gà (thường gặp); buồn nôn hoặc chóng mặt.
Tốt nhất, khi xảy ra bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến việc sử dụng thuốc Tanafetus, bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ biết để sớm có biện pháp xử trí.
6. Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Tanafetus
Trước khi sử dụng thuốc Tanafetus, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết nếu bản thân có tiền sử dị ứng với Chlorpheniramine hay bất kỳ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, cũng nên trao đổi với bác sĩ về các loại dược phẩm khác hiện đang sử dụng hoặc dự định dùng.
Dưới đây là những đối tượng thuộc danh sách bệnh nhân cần thận trọng khi dùng thuốc Tanafetus:
- Người từng mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng hoặc các bệnh phổi khác.
- Người mắc bệnh tăng nhãn áp, tiểu đường, có vết loét hoặc tiểu khó do bệnh về tuyến tiền liệt.
- Người bị cao huyết áp, mắc bệnh tim, bị co giật hoặc cường giáp.
- Người chuẩn bị thực hiện phẫu thuật, bao gồm cả phẫu thuật nha khoa.
- Người bệnh trên 60 tuổi có độ nhạy cảm cao với tác dụng chống tiết Acetylcholin.
- Phụ nữ đang mang thai.
- Người mẹ đang nuôi con bú.
Trong một số trường hợp, thuốc Tanafetus có thể mang lại các tác dụng phụ như buồn ngủ, ngủ gà, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, suy giảm tâm thần vận động hoặc nhìn mờ. Khi đó, người bệnh cần tránh sử dụng máy móc, lái xe hay thực hiện bất kỳ công việc gì cần đến sự tỉnh táo. Ngoài ra, cần tránh dùng các đồ uống chứa cồn trong thời gian điều trị bằng thuốc Tanafetus, bởi điều này có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc.
Những người mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng, tắc đường niệu hoặc nhược cơ có thể gặp phải nguy cơ bí tiểu trầm trọng do tác dụng phụ chống tiết Acetylcholin mà thuốc mang lại. Mặt khác, thuốc Tanafetus cũng cần thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính, khó thở hoặc thở ngắn do thuốc có nguy cơ gây biến chứng đường hô hấp, ngừng thở và suy giảm hô hấp. Nếu điều trị bằng thuốc Tanafetus kéo dài có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và khô miệng.
7. Thuốc Tanafetus có thể tương tác với loại thuốc nào?
Một số loại thuốc có thể xảy ra tương tác gây ảnh hưởng đến công dụng điều trị khi dùng chung với Tanafetus:
- Thuốc ức chế Monoamin Oxydase có thể làm tăng và kéo dài tác dụng chống tiết Acetylcholin của thuốc Tanafetus.
- Các thuốc an thần gây ngủ và Ethanol có nguy cơ làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của hoạt chất Chlorpheniramine.
- Phenytoin bị ức chế chuyển hoá khi dùng cùng với Chlorpheniramine và có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc Phenytoin.
Để có được hiệu quả điều trị bệnh, trước khi sử dụng thuốc Tanafetus người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng thuốc đúng chỉ định bác sĩ chuyên môn. Nếu có bất cứ vấn đề gì có thể liên hệ bác sĩ để được tư vấn chuyên sâu.