Thuốc Synadine 4mg là thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, tác dụng làm giãn cơ xương. Vì thế, loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định điều trị, kiểm soát triệu chứng tăng trương lực cơ cấp, cơn co cơ vân, chấn thương cột sống gây co cơ.
1. Thuốc Synadine là thuốc gì?
Synadine 4 mg có hoạt chất chính là Tizanidin, thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 4mg. Tizanidin là chất chủ vận alpha2 -adrenergic, có tác dụng làm giãn cơ vân, tác động vào hệ thần kinh trung ương vùng tủy sống và trên tủy sống. Thuốc Tizanidin ức chế cơ chế sau synap đáp ứng với sự căng cơ, chủ yếu do làm giảm sự giải phóng acid amin từ các nơron trung gian. Tizanidin không ảnh hưởng tới dẫn truyền thần kinh.
Tizanidin tác dụng chủ yếu trên nơron có nhiều synap, do đó làm giảm quá trình kích thích các nơron vận động trên tủy sống nên làm giảm co cơ và không làm yếu cơ quá mức.
Tizanidine được dung nạp tốt và có tác dụng chống sự co thắt cơ gây đau cấp tính và mạn tính có nguồn gốc do cột sống và não.
2. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Synadine 4mg
2.1. Chỉ định của thuốc Synadine 4mg
- Thuốc Synadine có tác dụng ngắn trong kiểm soát tình trạng tăng trương lực cơ cấp. Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng điều trị triệu chứng co cứng cơ, giật rung, đau do co cơ.
- Synadine được chỉ định cho bệnh nhân co cứng cơ do tổn thương cột sống.
2.2. Chống chỉ định thuốc Synadine 4mg
- Bệnh nhân dị ứng hoặc mẫn cảm với Tizanidin hay bất cứ thành phần nào của thuốc Synadine.
- Trẻ em dưới 16 tuổi: chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng thuốc an toàn ở nhóm tuổi này.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc Ciprofloxacin hoặc thuốc Fluvoxamin.
3. Cách dùng thuốc Synadine 4mg
Thuốc được dùng bằng đường uống, trong hoặc cách xa bữa ăn và không nên thay đổi cách uống. Nếu chuyển từ cách uống thuốc trong bữa ăn sang ngoài bữa ăn có thể làm thay đổi thời gian bắt đầu tác dụng và xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn. Điều chỉnh liều thuốc Synadine tùy theo thể trạng và đáp ứng của bệnh nhân.
Không nên sử dụng thuốc cho trẻ em do chưa xác định tính an toàn của thuốc với nhóm này.
3.1. Liều dùng thuốc Synadine
Điều trị tình trạng co cứng cơ do rối loạn thần kinh
Liều dùng thuốc Synadine được điều chỉnh tùy theo tình trạng bệnh. Liều khởi đầu thông thường 2mg/lần x 3 lần/ngày. Liều có thể tăng dần mỗi lần 2-4mg, cách nhau ít nhất 3-4 ngày hoặc một tuần/1 lần tăng. Liều thuốc Synadine không nên vượt quá 36mg/ngày.
Điều trị giảm đau do co cơ
Liều 2-4mg/lần x 3 lần/ngày. Trường hợp nặng có thể uống thêm 1 liều 2-4mg vào ban đêm. Tác dụng giảm trương lực cơ thường đạt tối đa sau khi uống liều đầu tiên 1-2 giờ và hết tác dụng sau 3-6 giờ. Do đó, để tránh tình trạng không dung nạp thuốc, cần phải xác định liều lượng và thời gian thuốc đạt tác dụng tối đa theo từng bệnh nhân.
3.2. Quá liều thuốc Synadine và xử trí
Quá liều thuốc Synadine có thể gây ra hạ huyết áp, nhịp tim chậm, chóng mặt, co đồng tử, hôn mê và đặc biệt là bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp.
Sử dụng các phương pháp điều trị ngộ độc chung giúp thải trừ thuốc như rửa dạ dày, dùng than hoạt, thuốc lợi tiểu như Manitol, Furosemid. Bên cạnh đó, điều trị triệu chứng và sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ.
Theo dõi người bệnh về các dấu hiệu về sự sống, hô hấp, chức năng hệ thần kinh trung ương, theo dõi điện tâm đồ và tim liên tục, cân bằng nước và điện giải.
4. Thận trọng khi sử dụng
- Thuốc Synadine có thể gây chậm nhịp tim do làm kéo dài khoảng QT. Tizanidin có thể gây hạ huyết áp, phụ thuộc vào liều dùng và xuất hiện sau khi dùng đơn liều ≥ 2 mg. Thận trọng khi sử dụng thuốc Synadine ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, có nguy cơ hạ huyết áp nặng. Giảm thiểu nguy cơ bằng cách dò liều cẩn thận, theo dõi biểu hiện hạ huyết áp trước khi điều chỉnh liều.
- Tizanidin có khả năng gây hạ huyết áp, cảnh báo bệnh nhân về nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.
- Bệnh nhân suy gan: Tizanidin có thể gây tổn thương gan. Cần theo dõi aminotransferase huyết thanh trong 6 tháng đầu dùng thuốc (vào thời điểm tháng thứ 1, 3 và 6) và theo dõi định kỳ tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng. Trường hợp cần thiết phải dùng từ liều khởi đầu thấp nhất có thể và cần theo dõi chặt chẽ tác dụng không mong muốn.
- Bệnh nhân suy thận: thận trọng ở bệnh nhân có độ thanh thải Creatinin <25ml/phút, cần giảm liều ở những bệnh nhân này. Nếu dùng liều cao hơn cần xác định liều phù hợp và tăng quãng cách liều, theo dõi chặt chẽ khi tác dụng không mong muốn xảy ra hoặc nặng hơn như: khô miệng, ngủ gà, suy nhược và chóng mặt, đây có thể là dấu hiệu quá liều thuốc.
- Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai đường uống: thận trọng khi sử dụng thuốc Synadine do độ thanh thải của thuốc có thể giảm khoảng 50%.
- Người cao tuổi: liều dùng thường như người trẻ tuổi. Tuy nhiên nếu chức năng thận suy giảm cần điều chỉnh liều.
- Tizanidin có thể gây ảo giác hoặc hoang tưởng, thường xảy ra trong 6 tuần lễ đầu điều trị. Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân rối loạn tâm thần. Tác dụng an thần của thuốc Synadine có thể tăng lên khi dùng đồng thời với một số thuốc như Baclofen, Benzodiazepine hoặc chất có tác dụng ức chế thần kinh trung ương như rượu.
- Thận trong khi lái xe hay vận hành máy móc do thuốc có tác dụng an thần.
- Phụ nữ mang thai: Tizanidin chưa được nghiên cứu đầy đủ ở trên phụ nữ mang thai. Sử dụng thuốc khi thật cần thiết dưới sự theo dõi của bác sĩ.
- Phụ nữ đang cho con bú: không nên sử dụng thuốc Synadine ở phụ nữ đang cho con bú do chưa xác định được thuốc có bài tiết qua sữa mẹ hay không.
5. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Synadine 4mg
- Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, rối loạn tiêu hoá, tăng thoáng qua transaminase huyết thanh, khô miệng.
- Hệ tim mạch: nhịp tim chậm, giảm nhẹ huyết áp.
- Hệ thần kinh trung ương: ngủ gà, chóng mặt, suy nhược. Ít gặp hơn: buồn ngủ, mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng, hoang tưởng, ảo giác, kích động, rối loạn lời nói.
- Cơ, xương: nhược cơ, loạn vận động, đau lưng, dị cảm, viêm khớp
- Da: phát ban, loét da, ngứa, khô da, nổi mụn, rụng tóc, mày đay.
Để hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc như buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và hạ huyết áp,... cần khởi đầu với liều thấp sau đó tăng dần đến liều hiệu quả mà bệnh nhân còn dung nạp được thuốc. Hiếm khi phải ngưng sử dụng thuốc do tác dụng phụ của thuốc Tizanidin.
Trước khi tăng liều thuốc Synadine cần đánh giá huyết áp để tránh nguy cơ hạ huyết áp. Tránh thay đổi tư thế đột ngột từ nằm hay ngồi sang tư thế đứng thẳng.
6. Tương tác thuốc
- Tizanidin và các chất chuyển hóa chủ yếu của thuốc không tác động đến chuyển hóa của các thuốc khác mà được chuyển hóa qua hệ thống isoenzyme cytochrome P450.
- Nồng độ thuốc Tizanidin tăng trong huyết thanh khi dùng đồng thời với các chất ức chế CYP1A2 bao gồm Acyclovir, thuốc chống loạn nhịp, Cimetidin, Famotidin, Fluvoxamin, Fluoroquinolon...
- Thuốc hạ huyết áp: thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc gây hạ huyết áp khác, không nên đồng thời với các chất chủ vận alpha2- adrenergic.
- Acetaminophen : Tizanidin làm chậm thời gian đạt nồng độ tối đa của Acetaminophen.
- Rượu và các chất ức chế thần kinh trung ương khác: rượu làm tăng nồng độ đỉnh khoảng 15% do đó làm tăng các tác dụng không mong muốn của Tizanidin. Dùng đồng thời thuốc Synadine với rượu hoặc các chất ức chế hệ thần kinh trung ương khác (Baclofen, Dantrolen, Diazepam) hiệp đồng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Thuốc tránh thai đường uống: độ thanh thải của thuốc Tizanidin đã bị giảm khoảng 50% so với các phụ nữ không uống thuốc tránh thai. Do đó làm tăng các tác dụng không mong muốn của Tizanidin.
- Phenytoin: Tizanidin làm tăng nồng độ phenytoin huyết thanh, theo dõi nồng độ thuốc Phenyltoin để hiệu chỉnh liều nếu cần.
Thuốc Synadine 4mg là thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, tác dụng làm giãn cơ xương. Vì thế, loại thuốc này thường được bác sĩ chỉ định điều trị, kiểm soát triệu chứng tăng trương lực cơ cấp, cơn co cơ vân, chấn thương cột sống gây co cơ. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.