Thuốc Sevorane được bào chế dưới dạng dược chất lỏng dùng để hít, có thành phần chính là Sevoflurane. Thuốc được sử dụng trong gây tê, gây mê khi phẫu thuật.
1. Sevorane là thuốc gì?
1 lọ thuốc Sevorane 250ml có thành phần chính là Sevoflurane với hàm lượng 100%, được bào chế dạng chai dung dịch lỏng dùng để hít. Sevoflurane là 1 chất lỏng không màu, có khả năng bay hơi. Khi đi vào cơ thể qua đường hô hấp, nồng độ hoạt chất này sẽ tăng nhanh trong máu do tính chất ít tan trong máu. Với đặc điểm này, khi sử dụng thuốc, quá trình khởi mê sẽ diễn ra rất nhanh, thời gian hồi phục lại cũng rất nhanh. Do đó, thuốc thường được chỉ định sử dụng trong các cuộc tiểu phẫu.
2. Thuốc Sevorane có tác dụng gì?
Cơ chế tác dụng của Sevoflurane:
- Tác dụng trên tim mạch: Sevoflurane làm suy giảm chức năng tim mạch , phụ thuộc theo liều dùng, không làm giảm áp lực động mạch trung bình. Thuốc này không gây tăng tần số tim với liều thấp hơn 2 lần so với nồng độ tối thiểu ở phế nang;
- Tác dụng trên hệ thần kinh: Sevoflurane có tác động rất nhỏ đối với sự đáp ứng với CO2 trên những người có áp lực nội sọ bình thường. Thuốc có khả năng làm giảm tốc độ trao đổi oxy của não.
Chỉ định sử dụng thuốc Sevorane:
- Dùng trong khởi mê và duy trì mê khi phẫu thuật ở người bệnh nội trú và ngoại trú, cả ở người lớn và trẻ em.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Sevorane:
- Người bị mẫn cảm với Sevoflurane hoặc các thuốc gây mê đường hô hấp khác có chứa thành phần Halogen (ví dụ tiền sử sốt, rối loạn chức năng gan hoặc tăng bạch cầu không rõ nguyên nhân sau khi gây mê bằng các thuốc này);
- Người nhạy cảm mang tính di truyền với hội chứng sốt cao ác tính;
- Bệnh nhân có chống chỉ định gây mê toàn thân.
2. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Sevorane
Cách dùng: Thuốc Sevorane được sử dụng bằng cách hít vào cơ thể qua đường hô hấp. Lưu ý, khi dùng thuốc cần sử dụng bình phun định mức chuyên dụng nhằm mục đích định lượng chính xác nồng độ của thuốc đưa vào cơ thể.
Liều dùng: Tiền mê được chọn tùy theo trạng thái của từng bệnh nhân và theo quyết định của bác sĩ. Thường sử dụng thuốc kháng cholinergic. Liều dùng chỉ định cho từng trường hợp như sau:
- Gây mê phẫu thuật: Nên sử dụng bình bốc hơi được chuẩn hóa đặc biệt cho Sevoflurane để kiểm tra chính xác nồng độ thuốc cung cấp. Giá trị MAC (nồng độ tối thiểu trong phế nang) của Sevoflurane sẽ giảm theo tuổi và giảm nếu thêm N2O. Dưới đây là bảng chỉ ra giá trị trung bình của MAC cho từng nhóm tuổi khác nhau:
- Khởi mê: Liều dùng tùy thuộc từng bệnh nhân và chuẩn độ nhằm đạt tác dụng mong muốn tùy theo tuổi tác, tình trạng lâm sàng. Tiếp theo, hít Sevoflurane có thể tiêm tĩnh mạch 1 barbiturat tác dụng ngắn hoặc 1 thuốc khởi mê tĩnh mạch khác. Khởi mê bằng Sevoflurane có thể đạt được trong oxy hoặc trong hỗn hợp Oxy - N2O. Người lớn hít nồng độ Sevoflurane tới 5% sẽ đạt được độ mê có thể phẫu thuật được trong vòng dưới 2 phút. Trẻ em hít nồng độ Sevoflurane tới 7% sẽ đạt được độ mê có thể phẫu thuật được trong vòng dưới 2 phút. Nếu để khởi mê ở bệnh nhân không được tiền mê thì có thể hít Sevoflurane tới nồng độ 8%;
- Duy trì mê: Độ mê cho phẫu thuật duy trì với nồng độ Sevoflurane ở mức 0,5 - 3%, có/không kèm N2O;
- Hồi tỉnh: Sau khi gây mê bằng Sevoflurane, thời gian tỉnh lại thường ngắn. Vì vậy, bệnh nhân có thể được thực hiện các biện pháp giảm đau sớm sau khi phẫu thuật;
- Người cao tuổi: MAC sẽ giảm theo sự tăng của độ tuổi. Nồng độ trung bình của Sevoflurane để đạt được MAC ở người bệnh 80 tuổi sẽ bằng khoảng 50% nồng độ yêu cầu cho những bệnh nhân 20 tuổi;
- Trẻ em: Theo dõi bảng giá trị MAC ở trên.
Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Sevorane quá liều, cần ngừng dùng thuốc ngay. Sau đó, đảm bảo làm thông đường thở, thông khí hỗ trợ hoặc thông khí có kiểm soát với oxy tinh khiết, duy trì chức năng tim mạch thích hợp cho bệnh nhân.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sevorane
Giống như các thuốc gây mê mạnh đường hô hấp, Sevorane có thể gây ức chế tim - hô hấp phụ thuộc vào liều dùng. Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, diễn ra trong thời gian ngắn. Trường hợp buồn nôn, ói mửa và mê sảng trong thời kỳ hậu phẫu, di chứng chung của phẫu thuật và gây mê toàn thân có thể xảy ra do gây mê đường hô hấp, các thuốc khác dùng trong và sau phẫu thuật hoặc do đáp ứng của người bệnh trong quá trình phẫu thuật.
Một số tác dụng phụ của thuốc Sevorane là:
- Hệ miễn dịch: Phản ứng kiểu phản vệ, quá mẫn;
- Máu và hệ bạch huyết: Giảm/ tăng bạch cầu;
- Tâm thần: Kích thích, trạng thái mơ hồ, rối loạn;
- Hệ thần kinh: Lơ mơ, chóng mặt, co giật, đau đầu, rối loạn trương lực;
- Tim mạch: Nhịp tim chậm/ nhanh, rung nhĩ, block nhĩ thất hoàn toàn, rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu, ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu trên thất, ngừng tim, kéo dài khoảng QT với nhịp xoắn đỉnh;
- Hệ mạch: Hạ/ tăng huyết áp;
- Hô hấp, ngực và trung thất: Ho, rối loạn hô hấp, co thắt thanh quản, ngừng thở, thiếu oxy, co thắt phế quản, hen suyễn, khó thở, thở khò khè, phù nề phổi;
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, tăng tiết nước bọt;
- Thận và tiết niệu: Bí tiểu, glucose niệu, suy thận cấp;
- Gan - mật: Viêm gan, suy gan, hoại tử gan;
- Da và mô dưới da: Viêm da tiếp xúc, ngứa da, phát ban da, nổi mề đay, phù mặt;
- Cơ - xương - mô liên kết: Co cứng cơ;
- Toàn thân hoặc tại vị trí dùng thuốc: Sốt, rét run, tức ngực, hạ thân nhiệt, tăng thân nhiệt ác tính;
- Xét nghiệm: Nồng độ đường huyết bất thường, men gan AST tăng, xét nghiệm chức năng gan bất thường, creatinin máu tăng, nồng độ florid tăng, enzyme LDH trong máu tăng, số lượng bạch cầu bất thường;
- Chấn thương, nhiễm độc, các biến chứng: Thân nhiệt giảm.
4. Thận trọng khi dùng thuốc Sevorane
Một số lưu ý cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Sevorane:
- Sevoflurane có thể gây suy hô hấp. Tình trạng này có thể gia tăng do các thuốc tiền mê hoặc tác nhân gây suy hô hấp khác. Cần kiểm soát hô hấp và hỗ trợ nếu cần thiết;
- Chỉ nhân viên y tế được đào tạo mới được sử dụng Sevoflurane để gây mê toàn thân. Cần trang bị sẵn phương tiện để duy trì đường thở, hô hấp nhân tạo, cung cấp oxy và hồi phục tuần hoàn;
- Cần nắm rõ nồng độ Sevoflurane được cung cấp từ bình bốc hơi. Do các loại thuốc gây mê đường hô hấp khác nhau về đặc tính vật lý nên chỉ được sử dụng các bình bốc hơi chuyên dùng cho Sevoflurane. Phương pháp gây mê cần được cá thể hóa dựa trên đáp ứng của từng người bệnh;
- Nguy cơ hạ huyết áp và ức chế hô hấp tăng lên khi thực hiện gây mê sâu;
- Ở một số bệnh nhân mẫn cảm, các thuốc gây mê đường hít mạnh, bao gồm cả Sevoflurane có thể gây tăng chuyển hóa ở cơ xương, dẫn tới làm tăng nhu cầu oxy và hội chứng lâm sàng là sốt cao ác tính. Hội chứng lâm sàng biểu hiện như tăng CO2 máu, có thể bao gồm co cứng cơ, thở nhanh, nhịp tim nhanh, da tím tái, loạn nhịp tim, huyết áp không ổn định. Một số biểu hiện không đặc hiệu cũng có thể xuất hiện khi gây mê như thiếu oxy trong mô, tăng CO2 máu bất thường, giảm lưu lượng máu. Cách điều trị sốt cao ác tính là loại bỏ chất gây phản ứng (ví dụ như Sevoflurane), tiêm tĩnh mạch natri dantrolene, điều trị hỗ trợ. Việc điều trị bao gồm đưa nhiệt độ cơ thể bệnh nhân về bình thường, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, xử lý các rối loạn thăng bằng kiềm toan bất thường bằng cách sử dụng các dung dịch điện giải. Nguy cơ suy thận có thể xuất hiện chậm hơn, nên theo dõi và duy trì lưu lượng nước tiểu của bệnh nhân;
- Sử dụng thuốc gây mê đường hít có thể liên quan tới một số trường hợp tăng kali máu, dẫn tới loạn nhịp tim và tử vong ở bệnh nhi giai đoạn hậu phẫu. Người mắc bệnh thần kinh cơ, đặc biệt là loạn dưỡng cơ Duchenne dễ bị tăng kali máu hơn. Người bệnh nên được điều trị can thiệp sớm và tích cực chứng tăng kali máu và chống loạn nhịp tim, sau đó đánh giá đối với bệnh thần kinh cơ tiềm ẩn;
- Đã có trường hợp kéo dài khoảng QT, liên quan tới xoắn đỉnh. Cần thận trọng khi sử dụng Sevoflurane ở bệnh nhân nhạy cảm với thuốc;
- Đã có trường hợp loạn nhịp thất khi sử dụng thuốc Sevorane ở bệnh nhi mắc bệnh Pompe;
- Hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Sevoflurane đường toàn thân cho bệnh nhân có rối loạn ty lạp thể;
- Có trường hợp gặp rối loạn chức năng gan nhẹ, vừa và nặng, viêm gan sau phẫu thuật (có/không kèm theo vàng da). Nên đánh giá lâm sàng khi sử dụng Sevoflurane ở bệnh nhân có vấn đề về gan hoặc điều trị với các loại thuốc có thể gây rối loạn chức năng gan. Đã có trường hợp phơi nhiễm trước đó đối với thuốc gây mê hydrocarbon halogen, bao gồm Sevoflurane với khoảng thời gian ngắn giữa 2 lần có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan;
- Trong khi duy trì mê, nếu điều chỉnh tăng nồng độ Sevoflurane sẽ làm giảm huyết áp (phụ thuộc liều dùng). Tình trạng giảm huyết áp quá mức có thể liên quan tới độ sâu của gây mê. Khi đó, có thể nâng huyết áp lên bằng cách làm giảm nồng độ của Sevoflurane hít vào. Nên có biện pháp chăm sóc đặc biệt khi chọn liều dùng cho những bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn, hạ huyết áp hoặc thực hiện điều hòa huyết động cho người bệnh dựa trên việc sử dụng cùng với các loại thuốc khác;
- Duy trì huyết động ổn định trong khi sử dụng thuốc Sevoflurane để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân bị bệnh mạch vành;
- Cần đánh giá thận trọng sự hồi phục sau khi gây mê toàn thân trước khi chuyển người bệnh khỏi phòng hồi sức. Gây mê bằng Sevoflurane có tốc độ hồi tỉnh nhanh nên có thể cần tới các biện pháp hỗ trợ giảm đau sau phẫu thuật;
- Mặc dù người bệnh thường tỉnh lại sau vài phút khi gây mê bằng Sevoflurane nhưng vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của thuốc lên hoạt động trí óc sau 2 - 3 ngày sau khi gây mê. Cũng như các thuốc gây mê khác, các thay đổi nhỏ về tính tình của bệnh nhân có thể tồn tại trong vài ngày sau khi gây mê;
- Độ an toàn của thuốc Sevorane trên nhóm bệnh nhân suy thận chưa được xác lập nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này;
- Ở những bệnh nhân có nguy cơ tăng áp lực nội sọ, nên thận trọng khi sử dụng kết hợp thuốc Sevoflurane với các biện pháp cơ học để giảm áp lực nội sọ (như tăng thông khí);
- Rất ít trường hợp động kinh có liên quan tới sử dụng thuốc Sevoflurane. Việc sử dụng thuốc có liên quan tới xuất hiện các cơn co giật ở trẻ em, thanh thiếu niên, người cao tuổi. Trước khi dùng thuốc Sevoflurane cho người có nguy cơ co giật thì cần đánh giá trên lâm sàng. Cần hạn chế gây mê sâu ở trẻ em. EEG có thể giúp tối ưu hóa liều thuốc Sevoflurane, tránh gia tăng cơn co giật ở người bệnh có khuynh hướng co giật;
- Có trường hợp rối loạn trương lực vận động khi sử dụng thuốc Sevoflurane ở trẻ em;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Sevoflurane trong gây mê sản khoa ở thời kỳ mang thai do thuốc này có khả năng làm giãn cơ tử cung, làm tăng nguy cơ xuất huyết tử cung;
- Chưa rõ thuốc Sevoflurane và chất chuyển hóa của nó có được tiết vào sữa mẹ hay không. Do đó, các bà mẹ nên tránh cho con bú trong vòng 48 giờ sau khi sử dụng thuốc Sevoflurane, nên loại bỏ lượng sữa tiết ra trong thời gian này;
- Bệnh nhân sau khi gây mê toàn thân cần tránh thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như vận hành máy móc, lái xe,... cho tới khi có thể làm các việc này một cách an toàn.
5. Tương tác thuốc Sevorane
Một số tương tác thuốc của Sevorane gồm:
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời thuốc Sevorane với các thuốc kích thích thần kinh giao cảm beta như isoprenalin, các thuốc kích thích thần kinh giao cảm alpha và beta như Adrenalin và Noradrenalin vì có thể gây nhịp nhanh thất;
- Sử dụng đồng thời thuốc Sevorane với các thuốc ức chế MAO không chọn lọc có thể làm tăng nguy cơ cơn cấp trong khi phẫu thuật. Nên ngừng điều trị các thuốc này trước khi phẫu thuật 2 tuần;
- Thuốc Sevorane có thể làm giảm huyết áp ở bệnh nhân đang sử dụng các thuốc chẹn calci, đặc biệt là dẫn xuất dihydropyridin;
- Thận trọng khi sử dụng đồng thời các thuốc chẹn calci với các thuốc gây mê hô hấp như Sevorane vì các loại thuốc này cùng có tác dụng không tốt tới co thắt cơ tim;
- Sử dụng đồng thời thuốc Sevorane với succinylcholin làm tăng nồng độ kali huyết thanh, dẫn tới loạn nhịp tim, tử vong cho bệnh nhi trong thời gian hậu phẫu;
- Sevorane an toàn và hiệu quả khi dùng đồng thời với các thuốc thường sử dụng trong phẫu thuật như: Thuốc tác dụng trên hệ thần kinh tự chủ, thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, thuốc giãn cơ xương, các kháng sinh (bao gồm nhóm Aminoglycosid), chế phẩm từ máu, hormone và các chất thay thế tổng hợp, các thuốc tim mạch (bao gồm epinephrin);
- Sử dụng đồng thời Sevoflurane với epinephrin/adrenalin có thể làm cho cơ tim nhạy cảm với tác dụng gây loạn nhịp tim của adrenalin ngoại sinh;
- Sử dụng đồng thời Sevoflurane với các chất kích thích thần kinh giao cảm gián tiếp như Amphetamin, Ephedrin có thể làm tăng huyết áp cấp tính;
- Sevoflurane có thể làm tăng tác dụng tính tự động, tính co bóp, tính dẫn truyền tâm tính của các thuốc chẹn beta (thông qua ức chế cơ chế bù trừ cơ tim);
- Sử dụng đồng thời Sevoflurane với verapamil làm giảm tính dẫn truyền nhĩ thất;
- Sevoflurane tương thích với Barbiturat, có thể sử dụng trong phẫu thuật;
- Các thuốc nhóm Benzodiazepin và Opioid có thể làm giảm nồng độ MAC của Sevoflurane theo cơ chế tương tự như các thuốc gây mê đường hô hấp khác. Sevoflurane tương thích với Benzodiazepin và Opioid nên có thể sử dụng trong phẫu thuật. Các Opioid như Alfetanil và Sufetail khi dùng đồng thời với Sevoflurane có thể làm giảm nhịp tim, nhịp thở và huyết áp;
- Các thuốc và các chất làm tăng hoạt tính của isoenzyme CYP2E1 cytochrome P450 như Isoniazid và rượu có thể làm tăng chuyển hóa Sevoflurane, dẫn đến gia tăng đáng kể nồng độ florid huyết tương. Sử dụng đồng thời Sevoflurane với Isoniazid có thể làm tăng độc tính trên gan của thuốc IIsoniazid;
- Ở bệnh nhân dùng thuốc St John’s Wort dài ngày đã có trường hợp bị hạ huyết áp nặng và kéo dài thời gian tỉnh mê sau khi được gây mê bằng các thuốc mê dẫn chất Halogen đường hít;
- MAC của Sevoflurane giảm khi sử dụng kết hợp với NO2. Giá trị MAC giảm khoảng 50% ở người lớn, khoảng 25% ở bệnh nhi;
- Sevoflurane làm ảnh hưởng tới cường độ và thời gian phong bế thần kinh - cơ của các loại thuốc làm mềm cơ không khử cực. Khi sử dụng bổ sung thuốc gây mê alfentanil-N2O, Sevoflurane làm tăng khả năng phong bế thần kinh - cơ của các thuốc như Pancuronium, Vecuronium hoặc Atracurium. Cần điều chỉnh liều lượng các thuốc giãn cơ khi dùng đồng thời với Sevoflurane (tương tự như với Isofluran).
Khi được chỉ định sử dụng thuốc Sevorane, người bệnh nên tuyệt đối phối hợp với hướng dẫn của bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả trị liệu tốt nhất, hạn chế các biến chứng khó lường.