Thuốc Sargramostim giúp kích thích cơ thể sản xuất tế bào bạch cầu nhiều hơn để chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, Sargramostim được chỉ định dùng ở người bệnh bị giảm số lượng bạch cầu do cấy ghép tủy xương, tế bào gốc hoặc sau đợt hóa trị liệu.
1. Thuốc Sargramostim là thuốc gì?
Sargramostim thuộc nhóm thuốc tác nhân kích thích tạo máu, kích thích sản sinh bạch cầu. Thuốc Sargramostim được bào chế dưới dạng bột pha tiêm 250mcg và dung dịch tiêm 500mcg/ml, được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:
- Cấy ghép tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Kéo dài sự sống ở người bệnh cấy ghép tủy xương nhưng gặp thất bại hoặc trì hoãn quá trình cấy ghép.
- Người mắc bệnh bạch cầu, bạch cầu trung tính bẩm sinh có chu kỳ và vô căn, thiếu máu bất sản, hội chứng loạn sản sinh tủy.
- Người bị giảm bạch cầu trung tính do hóa trị hoặc liên quan đến nhiễm HIV, dùng thuốc kháng virus.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Sargramostim
Sargramostim được tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da bởi nhân viên y tế hoặc bác sĩ. Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh, liều dùng sẽ khác nhau, cụ thể như sau:.
- Điều trị giảm bạch cầu ở người bệnh đã tiến hành hóa trị: Tiêm tĩnh mạch 250mcg/m2 diện tích bề mặt cơ thể/ngày, tiêm truyền trong 4 giờ, sau đợt hóa trị 4 hoặc 11 ngày.
- Điều trị ở người bệnh cấy ghép tủy xương: Tiêm tĩnh mạch Sargramostim 250mcg/m2 diện tích bề mặt cơ thể/ngày, tiêm truyền trong 2 giờ, sau khi cấy tủy xương 2 - 4 giờ và sau liều xạ trị - hóa trị cuối cùng tối thiểu 24 giờ.
- Điều trị ở người bệnh cấy ghép tủy xương/tế bào gốc: Tiêm tĩnh mạch Sargramostim 250mcg/m2 diện tích bề mặt cơ thể/ngày, tiêm truyền trong 2 giờ, thời gian điều trị là 14 ngày và có thể lặp lại sau đó 7 ngày nếu việc điều trị không đạt kết quả.
- Điều trị ở người bệnh cấy ghép tế bào gốc ngoại vi: Tiêm tĩnh mạch Sargramostim 250mcg/m2 diện tích bề mặt cơ thể/ngày, tiêm dưới da 1 lần/ngày hoặc truyền trong 24 giờ. Tong suốt quá trình thu thập tế bào gốc ngoại vi cần tiếp tục dùng thuốc với liều tương tự.
Quá liều Sargramostim có thể gây ra các triệu chứng như nhức đầu, buồn nôn, ớn lạnh, khó thở, nhịp tim nhanh, suy nhược, phát ban trên da. Khi có những biểu hiện này, người bệnh cần được xử trí cấp cứu.
3. Tác dụng phụ của thuốc Sargramostim
Sargramostim có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:
- Rất thường gặp: Khó chịu trong người, suy nhược, sốt, ớn lạnh, rối loạn màng nhầy, phù ngoại vi, đau ngực. Viêm miệng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa. Ngứa, phát ban trên da, rụng tóc, khó tiểu, nhiễm trùng huyết. Đường máu tăng hoặc giảm, mỡ và bilirubin máu tăng, gan bị tổn thương. Sargramostim rất thường gây nhức đầu, dị cảm, rối loạn hệ thần kinh trung ương. Huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp tim nhanh, tràn dịch màng tim, xuất huyết. Viêm mũi, chảy máu cam, viêm họng, khó thở, rối loạn chức năng phổi. Giảm albumin, giảm tiểu cầu và bạch cầu, rối loạn chức năng máu. Tăng BUN, creatinin, rối loạn đường tiết niệu. Đau cơ, xương, khớp. Lo lắng, mất ngủ, xuất huyết ở mắt.
- Thường gặp: Sargramostim thường gây chướng bụng, táo bón, tăng cân, đổ mồ hôi, ban xuất huyết, hạ canxi, tăng phosphatase kiềm, mất bạch cầu hạt, đau lưng, tiểu ra máu do chức năng thận bất thường.
- Chưa xác định được tần suất: Chóng mặt và các phản ứng dị ứng, phản vệ.
Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng thuốc Sargramostim, người bệnh cần sớm báo với bác sĩ điều trị để được kiểm tra xử trí kịp thời.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Sargramostim
- Không được dùng Sargramostim ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc và sản phẩm có nguồn gốc từ nấm men, người bị tăng bạch cầu tủy bào trong xương quá mức, người đang điều trị bằng phương pháp xạ trị và hóa trị đồng thời.
- Cần theo dõi tình trạng mất nước hoặc dư nước bằng cách đo trọng lượng cơ thể khi đang điều trị với Sargramostim. Người bị suy tim, thâm nhiễm phổi, ứ dịch từ trước cần thận trọng khi dùng thuốc, vì thuốc có thể gây tràn dịch màng phổi, màng tim, rò mao mạch hệ thống và gây phù.
- Người có tiền sử bệnh phổi, khó thở cần thận trọng khi dùng Sargramostim. Nếu bị khó thở, cần cho người bệnh thở oxy và giảm tốc độ truyền xuống còn 50% để làm giảm triệu chứng, ngừng truyền thuốc khi các triệu chứng hô hấp có trở nên xấu hơn. Theo dõi việc dùng các liều thuốc tiếp theo một cách cẩn thận để phòng ngừa những tác động của thuốc đối với hệ hô hấp.
- Người có tiền sử bị bệnh tim cần thận trọng khi dùng Sargramostim, vì thuốc có thể tác động lên hệ tim mạch và gây rối loạn nhịp tim trên thất. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường thoáng qua và có thể hồi phục. Sargramostim dạng dung dịch tiêm làm tăng tỷ lệ ngất, hạ huyết áp (có thể có hoặc không).
- Sau khi dùng Sargramostim liều đầu tiên trong một chu kỳ điều trị, người bệnh có thể phản ứng với thuốc và có các biểu hiện như hạ huyết áp, thiếu oxy, suy hô hấp, nhịp tim nhanh, đỏ bừng và ngất. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường hết sau khi được điều trị và không tái phát khi dùng liều tiếp.
- Người bệnh đã từng xạ trị hoặc tủy xương tiếp xúc với tác nhân gây độc có thể đáp ứng với thuốc Sargramostim một cách hạn chế. Và người bệnh đã từng được tẩy tủy với hóa chất thì khả năng đáp ứng với thuốc có thể bằng không, vì số lượng tế bào tiền thân tạo máu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể có lợi quá trình tẩy tủy nếu vẫn đủ số lượng tế bào tiền thân tạo máu.
- Người có bệnh lý dòng tủy ác tính cần thận trọng khi dùng Sargramostim, vì thuốc có thể làm tăng trưởng khối u. Nếu thấy bệnh tiến triển, cần ngừng dùng thuốc ngay.
- Trước khi điều trị và trong quá trình điều trị (2 lần/tuần) cần tiến hành xét nghiệm công thức máu toàn phần để kiểm tra và theo dõi.
- Nếu người bệnh phải tiến hành các phẫu thuật, cần báo cho bác sĩ biết về việc đang sử dụng thuốc Sargramostim, bao gồm cả tiểu phẫu nha khoa.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận có thể dùng thuốc mà không cần điều chỉnh liều, tuy nhiên cần theo dõi chức năng gan và thận 1 lần/tuần vì nguy cơ tăng enzym gan, nồng độ bilirubin và creatinin huyết thanh.
- Việc sử dụng thuốc Sargramostim ở người cao tuổi còn hạn chế, chỉ có ở dữ liệu dùng thuốc ở người bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
- Dữ liệu về mức độ hiệu quả và tính an toàn của thuốc ở trẻ em còn hạn chế. Mặc dù chưa ghi nhận tác dụng phụ ở trẻ từ 4 tháng - 18 tuổi nhưng cần lưu ý không được dùng dung dịch chứa cồn benzyl cho trẻ sơ sinh, vì có thể gây độc.
- Phụ nữ đang mang thai chỉ được dùng thuốc Sargramostim trong trường hợp cần thiết, còn phụ nữ đang nuôi con cho bú không nên dùng thuốc trong thời gian cho con bú tối thiểu 2 tuần sau khi dùng liều thuốc cuối cùng.
- Sargramostim có thể tương tác với các thuốc khác: tăng độ nhạy của tế bào phân chia với hóa trị liệu khi dùng chung với thuốc điều trị ung thư; tăng tác dụng tăng sinh tủy nếu dùng cùng. Vì vậy, sau khi hóa trị liệu thì không được dùng thuốc trong vòng 24 giờ và cần thận trọng khi dùng chung với thuốc tăng sinh tủy.
Công dụng của thuốc Sargramostim là kích thích cơ thể sản sinh bạch cầu, tế bào tạo máu nhằm bù đắp lại số lượng bạch cầu bị giảm ở người bệnh sau khi hóa trị hoặc cấy ghép tủy xương, tế bào gốc.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.