Thuốc Sagarab được chỉ định trong điều trị viêm dạ dày, viêm thực quản hồi lưu, hội chứng Zollinger – Ellison... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Sagarab qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Sagarab
“Thuốc Sagarab có tác dụng gì?”. Thuốc Sagarab chứa hoạt chất Rabeprazol Natri 20mg bào chế dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột.
Sagarab được chỉ định trong những trường hợp sau đây:
- Viêm loét dạ dày;
- Viêm loét tá tràng;
- Viêm thực quản hồi lưu;
- Hội chứng Zollinger – Ellison.
2. Cơ chế tác dụng của thuốc Sagarab
Hoạt chất Rabeprazol thuộc nhóm thuốc ức chế proton H+/K+ ATPase tác dụng theo theo cơ chế sau:
- Ức chế tiết acid dạ dày được kích thích bởi Dibutyl Cyclic AMP trong tuyến dạ dày;
- Ức chế mạnh sự bài tiết acid dạ dày kích thích bởi histamine hoặc Pentagastrin nghiên cứu trên động vật;
- Nghiên cứu trên động vật cho thấy Rabeprazol có tác dụng chống loét mạch đối với nhiều vết loét, cải thiện sang thương niêm mạc dạ dày.
3. Liều dùng của thuốc Sagarab
Liều dùng khuyến cáo của thuốc Sagarab như sau:
- Người trưởng thành: Uống 10mg/ngày, liều thuốc có thể tăng lên 20mg/ngày phụ thuộc vào mức độ bệnh’
- Thời gian điều trị bằng Sagarab khuyến cáo là 4 – 8 tuần ở người bệnh loét tá tràng, 6 – 12 tuần ở người bệnh loét dạ dày và viêm thực quản hồi lưu.
Người bệnh cần lưu ý liều thuốc trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Thuốc Sagarab thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh.
Sagarab nên được uống vào buổi sáng trước bữa ăn 30 phút.
4. Tác dụng phụ của thuốc Sagarab
Thuốc Sagarab có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Nổi mày đay;
- Nổi mẩn đỏ trên da;
- Thay đổi huyết học;
- Ảnh hưởng đến chức năng gan;
- Tiêu chảy, cảm giác chướng bụng;
- Nặng bụng, đau nhức đầu.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Sagarab.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sagarab
Chống chỉ định sử dụng thuốc Sagarab ở người bệnh mẫn cảm với Rabeprazol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Trong thời gian điều trị bằng Sagarab cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Liều thuốc Sagarab nên được giảm ở người bệnh suy gan phụ thuộc vào tình trạng bệnh;
- Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải triệu chứng hoặc dấu hiệu của bệnh tự miễn;
- Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm Campylobacter, Salmonella tăng lên khi sử dụng Rabprazol;
- Triệu chứng bệnh lý tăng tiết acid có thể làm che lấp tình trạng ác tính tiềm ẩn;
- Nguy cơ loãng xương, gãy xương tăng lên có liên quan đến việc điều trị bằng Rabeprazol kéo dài. Nguyên nhân được giải thích là do giảm hấp thu Calci ở đường tiêu hóa do giảm tiết acid dạ dày;
- Giảm hấp thu Calci, Sắt, Magie, Vitamin B12;
- Hạ Magie máu tuy ít gặp nhưng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, bổ sung Magie máu trong thời gian điều trị bằng thuốc ức chế PPI không đem lại hiệu quả cao. Lúc này người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc ức chế PPI;
- Đối với phụ nữ đang mang thai: Chưa có dữ liệu và nghiên cứu cho thấy bất lợi khi sử dụng thuốc Rabeprazole ở động vật mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn việc sử dụng thuốc Sagarab ở phụ nữ đang mang thai cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ;
- Đối với phụ nữ đang cho con bú: Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc khi cho con bú hoặc không cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
6. Tương tác thuốc
Các tương tác thuốc chống chỉ định sử dụng đồng thời: Nelfinavir, Erlotinib, Rilpivirine. Nguyên nhân là do Rabeprazol làm tăng độ pH dạ dày, giảm độ tan của các thuốc trên, từ đó làm giảm sinh khả dụng và giảm hiệu quả điều trị.
Các tương tác thuốc nghiêm trọng cần sử dụng thuốc thay thế như sau:
- Indinavir, Acalabrutinib, Dacomitinib, Atazanavir, Neratinib, Delavirdine, Ketoconazole, Itraconazole, Pazopanib, Mesalamine, Sofosbuvir/Velpatasvir, Pexidartinib: Rabeprazol làm giảm sinh khả dụng của các thuốc trên;
- Digoxin: Rabeprazol ức chế tiết acid làm tăng sinh khả dụng của Digoxin, từ đó làm tăng nguy cơ ngộ độc Digoxin;
- Nisoldipine: Rabeprazol làm tăng sinh khả dụng của Nisoldipine;
- Methotrexate: Rabeprazol làm tăng nồng độ của Methotrexate trong huyết tương, từ đó làm tăng độc tính và tác dụng phụ của thuốc.
Các tương tác thuốc khác:
- Thuốc cảm ứng CYP3A4 và CYP2C19 làm tăng chuyển hóa Rabeprazole nhưng không đáng kể do Rabeprazole được chuyển hóa chủ yếu qua con đường không enzyme;
- Thuốc ức chế CYP3A4 và CYP2C19 làm ảnh hưởng nhẹ đến quá trình chuyển hóa của Rabeprazol.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Sagarab, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Sagarab.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.