Reumokam là thuốc kê đơn điều trị viêm xương khớp, bệnh thấp khớp, viêm cột sống hoặc thoái hoá khớp. Thuốc Reumokam có tác dụng chống viêm, giảm cơn đau do viêm khớp hiệu quả. Reumokam chỉ dùng điều trị cho người lớn và trẻ trên 16 tuổi.
1. Thành phần thuốc Reumokam
Reumokam thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid, điều trị Gút và các bệnh xương khớp. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, quy cách đóng gói hộp 5 ống 1,5ml.
Thành phần trong thuốc Reumokam:
- Meloxicam hàm lượng 10mg/ml.
- Các tá dược khác vừa đủ hàm lượng thuốc Reumokam.
Meloxicam là thuốc chống viêm không steroid, thuộc họ hóa chất Oxicam và có liên quan chặt chẽ tới Piroxicam. Meloxicam được sử dụng để điều trị trong các bệnh cơ xương khớp. Với cơ chế hoạt động ngăn chặn cyclooxygenase - là enzyme chịu trách nhiệm chuyển axit arachidonic thành prostaglandin H2, bước đầu tiên trong quá trình tổng hợp prostaglandin và là chất trung gian gây viêm, Meloxicam ức chế cyclooxygenase-2 nhiều hơn khối cyclooxygenase-1.
2. Tác dụng của thuốc Reumokam
Thuốc Reumokam có tác dụng trong điều trị các bệnh xương khớp sau:
- Điều trị bệnh thấp khớp, viêm cơ xương khớp;
- Điều trị các triệu chứng do bệnh Bechterew như viêm cột sống dính khớp;
- Điều trị thoái hóa các khớp.
3. Chống chỉ định dùng thuốc Reumokam
Không sử dụng thuốc Reumokam trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất kì thành phần, tá dược nào có trong thuốc Reumokam.
- Chống chỉ định Reumokam với các trường hợp hen phế quản, phù mạch, polyp mũi.
- Không dùng Reumokam cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Aspirin và các thuốc chống viêm không Steroid.
- Chống chỉ định Reumokam ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan/ thận, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi.
4. Liều dùng Reumokam
Liều Reumokam tham khảo như sau:
- Liều Reumokam dành cho người lớn và trẻ em từ 16 tuổi trở lên: Mỗi ngày tiêm bắp sâu liều 7.5 - 15mg, tương đương với 1⁄2 -1 ống, chia làm 1 lần trong ngày. Cần điều trị duy trì liều này trong khoảng 3-5 ngày.
Liều thuốc Reumokam trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều Reumokam cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều Reumokam phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ.
5. Lưu ý khi sử dụng Reumokam
- Thận trọng khi dùng Reumokam cho bệnh nhân mắc bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa và đang sử dụng thuốc chống đông để điều trị;
- Thận trọng khi sử dụng Reumokam cho người bệnh gặp tình trạng mất nước, bị hội chứng gan thận;
- Theo dõi sát sao với đối tượng là người cao tuổi (trên 70 tuổi) khi sử dụng thuốc Reumokam;
- Cân nhắc khi sử dụng Reumokam với bệnh nhân bị suy tim sung huyết, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ;
- Cần thận trọng khi sử dụng Reumokam cho người lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
6. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Reumokam
Tác dụng phụ của thuốc Reumokam trên hệ thần kinh:
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Đau đầu, mệt mỏi;
- Buồn ngủ, ù tai;
- Rối loạn cảm xúc;
- Mất định hướng.
Tác dụng phụ của thuốc Reumokam trên hệ tiết niệu:
- Suy giảm chức năng thận;
- Viêm cầu thận, hội chứng thận hư.
Tác dụng phụ của thuốc Reumokam trên hệ tiêu hóa:
- Nôn/ buồn nôn, đau bụng;
- Táo bón, tiêu chảy;
- Khó tiêu, đầy hơi.
- Viêm thực quản;
- Chảy máu đường tiêu hóa;
- Thủng ruột.
Tác dụng phụ của thuốc Reumokam trên hệ tim mạch
- Rối loạn nhịp tim;
- Đánh trống ngực, đỏ mặt;
- Phù.
Tác dụng phụ khác của thuốc Reumokam:
- Thiếu máu;
- Giảm bạch cầu, tiểu cầu;
- Phát ban đỏ, mẩn ngứa, nổi mề đay;
- Suy giảm thị lực.
Trong quá trình điều trị, nếu xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Reumokam thì người bệnh cần thông báo với bác sĩ/ dược sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời.
7. Tương tác với các thuốc khác
Sử dụng Reumokam đồng thời với các thuốc sau có thể xảy ra tương tác:
- Thuốc chống đông máu Warfarin;
- Thuốc lợi tiểu Furosemid và Acid ethacrynic;
- Thuốc ức chế enzyme Angiotensin Captopril;
- Thuốc giãn mạch Nitro glycerin;
- Vòng tránh thai trong tử cung;
- Thuốc đối kháng thụ thể beta-adrenergic Propranolol;
- Methotrexate;
- Cyclosporine;
- Thuốc Lithium.
Để tránh xảy ra các tương tác không mong muốn khi sử dụng Reumokam, người bệnh hãy thông báo với bác sĩ/ dược sĩ tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin... đang dùng.
8. Xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Reumokam
Quên liều thuốc Reumokam:
- Trong trường hợp người bệnh quên một liều Reumokam, không nên bù liều đã quên mà hãy thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí phù hợp.
Xử trí khi quá liều Reumokam:
- Các biểu hiện khi dùng quá liều thuốc Reumokam khá giống với các triệu chứng của tác dụng phụ. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng nhiễm độc gan và thận. Do đó cần theo dõi kĩ các biểu hiện trên da, mặt, huyết áp vì tình trạng quá liều thuốc có thể diễn biến rất nhanh. Tốt nhất, nên thông báo với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời.
Những thông tin cơ bản về thuốc Reumokam trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.