Rabaris là thuốc kê đơn, có chứa thành phần chính là Rabeprazole natri 20mg, dạng bào chế viên nén bao tan trong ruột. Người bệnh có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết thuốc Rabaris là thuốc gì? Liều lượng và cách sử dụng ra sao?
1. Chỉ định của thuốc Rabaris 20mg
Chỉ định dùng thuốc Rabaris trong trường hợp điều trị:
- Bệnh loét dạ dày - tá tràng.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
- Những trường hợp không đáp ứng với thuốc tác dụng trên receptor H2.
- Hội chứng Zollinger - Ellison.
- Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP. Trường hợp này cần phối hợp cùng các thuốc kháng sinh khác.
2. Chống chỉ định của thuốc Rabaris
Người bệnh không dùng Rabaris để điều trị nếu bị quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Rabaris
Cách sử dụng: Thuốc Rabaris dùng bằng đường uống. Người bệnh nên nuốt trọn vẹn viên thuốc Rabaris. Nhai, bẻ hoặc nghiền nát thuốc Rabaris có thể làm gia tăng tác dụng phụ khi uống. Trong thời gian điều trị bằng thuốc Rabaris thì người bệnh không sử dụng các chất kích thích như: Rượu, bia, cà phê hoặc hút thuốc lá,....Hạn chế thức khuya và không nên ăn đồ cay nóng.
Liều dùng:
- Trong điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng ở người lớn: 1 viên/ lần/ ngày, sau ăn sáng. Điều trị trong vòng 1 - 2 tháng.
- Trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ở người lớn: 1 viên/ lần/ ngày. Điều trị từ 1 - 2 tháng, nếu bệnh chưa thuyên giảm thì có thể dùng thêm 1 đợt 2 tháng nữa.
- Trong điều trị hội chứng Zollinger - Ellison ở người lớn: 3 viên/ lần/ ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Trong điều trị viêm viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn HP: Trường hợp này cần kết hợp cùng các loại kháng sinh khác nên cần dùng theo phác đồ của bác sĩ.
Lưu ý: Liều dùng Rabaris trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng thuốc Rabaris cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng Rabaris phù hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Rabaris
Ở liều điều trị, thuốc Rabaris được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Rabaris, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Cơ thể mệt mỏi;
- Đau tức;
- Sốt;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Nổi mẩn đỏ;
- Ngứa và rát;
- Mất ngủ;
- Đau đầu;
- Hoa mắt;
- Chóng mặt;
- Buồn nôn;
- Tiêu chảy;
- Táo bón;
- Đầy hơi;
- Khô miệng;
- Chán ăn;
- Viêm loét niêm mạc miệng hoặc đường tiêu hóa.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Rabaris và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
5. Tương tác của thuốc Rabaris
Rabaris có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:
- Các thuốc kháng nấm nhóm Azole như: Fluconazole, Ketoconazole;
- Thuốc Digoxin.
Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Rabaris thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Rabaris phù hợp.
6. Thận trọng khi dùng thuốc Rabaris
- Thận trọng khi dùng Rabaris cho người mắc bệnh lý tại gan và thận vì thuốc chủ yếu chuyển hóa tại các bộ phận này.
- Không được ngừng thuốc Rabaris 1 cách đột ngột. Nếu muốn thì phải giảm 1 cách từ từ trước khi dừng hẳn.
- Nếu muốn dùng thuốc Rabaris cho trẻ em thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Thận trọng khi dùng thuốc Rabaris cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Tuyệt đối không sử dụng khi thuốc Rabaris có dấu hiệu bị đổi màu, mốc, chảy nước hay hết hạn dùng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Rabaris, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Rabaris điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.