Công dụng thuốc Prolol 5

Thuốc Prolol 5 được chỉ định sử dụng chủ yếu cho các tình trạng bị tăng huyết áp, có cơn đau thắt ngực hoặc suy tim mãn tính ổn định. Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Prolol 5, bệnh nhân nên thực hiện theo đúng hướng dẫn dùng thuốc do bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo.

1. Thuốc Prolol 5 là gì?

Thuốc Prolol 5 thuộc nhóm thuốc tim mạch thường được bác sĩ kê đơn điều trị cho các trường hợp bị đau thắt ngực, tăng huyết áp và suy tim mạn tính ổn định.

Thuốc Prolol 5 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, đóng gói theo quy cách hộp 3 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Prolol 5 có chứa các thành phần dược chất cụ thể như sau:

  • Hoạt chất chính: Bisoprolol fumarat hàm lượng 5mg.
  • Các tá dược khác vừa đủ cho một viên nén: Lactose monohydrate, Microcrystalline cellulose 102, Crospovidone CL, Copovidone VA 64, Polyethylene glycol 6000, Colloidal silicon dioxide, Titan dioxide, Magnesium stearate, Hydroxypropylmethyl cellulose 606, bột Talc, Tartrazine lake và Quinoline yellow.

2. Thuốc Prolol 5 công dụng và chống chỉ định dùng thuốc

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Prolol 5

Thuốc Prolol 5 thường được bác sĩ sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị tình trạng tăng huyết áp.
  • Điều trị cơn đau thắt ngực.
  • Điều trị tình trạng suy tim mãn tính ổn định mức độ từ vừa cho đến nặng, kèm theo hiện tượng suy giảm chức năng tâm thu trái. Có thể kết hợp sử dụng Prolol 5 cùng với các thuốc lợi tiểu, chất ức chế men chuyển và Glycosid trợ tim. Tuy nhiên, sự kết hợp này chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Prolol 5

Không sử dụng thuốc Prolol 5 cho các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân có tình trạng sốc do tim, suy tim chưa kiểm soát bằng phương pháp điều trị nền, suy tim cấp, suy tim cấp độ III / IV, block nhĩ thất độ II hoặc III.
  • Chống chỉ định dùng thuốc Prolol 5 cho bệnh nhân có nhịp tim chậm xoang dưới 60 / phút hoặc mắc bệnh nút xoang.
  • Không sử dụng thuốc Prolol 5 cho bệnh nhân mắc bệnh phổi – phế quản mạn tính tắc nghẽn nặng hoặc mắc bệnh hen nặng.
  • Chống chỉ định sử dụng Prolol 5 cho người bị mẫn cảm với hoạt chất Bisoprolol hay bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc.
  • Không dùng thuốc cho bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud mức độ nặng.
  • Bệnh nhân bị u tế bào ưa crom (u tuỷ thượng thận) chưa được điều trị.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Prolol 5

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Prolol 5

Liều dùng thuốc Prolol 5 sẽ được xác định cụ thể dựa trên đánh giá của bác sĩ về độ tuổi, tình trạng sức khỏe cũng như sự dung nạp thuốc của từng bệnh nhân.

  • Liều điều trị tăng huyết áp và cơn đau thắt ngực

Liều khuyến cáo ban đầu thường dùng của thuốc Prolol 5 là từ 2,5 – 5mg / ngày. Cần dùng thuốc thận trọng cho bệnh nhân mắc co thắt phế quản do hoạt chất Bisoprolol fumarate trong thuốc có tính chọn lọc chẹn Beta 1 Adrenergic giảm xuống khi tăng liều. Đối tượng bệnh nhân này nên bắt đầu điều trị với liều 2,5mg / lần / ngày. Nếu liều 5mg không mang lại hiệu quả điều trị đầy đủ như mong muốn, có thể cân nhắc tăng lên 10mg, sau đó tăng dần lên liều tối đa 20mg / lần / ngày.

  • Liều điều trị bệnh suy tim mãn tính ổn định

Bệnh nhân mắc suy tim mãn tính ổn định không có đợt cấp tính trong vòng 6 tuần cần được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển (hoặc thuốc giãn mạch khác) cùng với thuốc lợi tiểu hoặc Digitan trước khi sử dụng thuốc Prolol 5. Không được phép thay đổi liều thuốc trong vòng 2 tuần cuối trước khi sử dụng thuốc Prolol 5. Ngoài ra, việc điều trị bằng các loại thuốc này đối với bệnh nhân suy tim mãn tính ổn định cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.

Liều dùng thuốc Prolol 5 điều trị suy tim mãn tính ổn định sẽ được tăng dần theo phác đồ dưới đây:

  • Uống 1,25mg / lần / ngày vào buổi sáng trong 7 ngày. Nếu bệnh nhân dung nạp được có thể cân nhắc tăng liều.
  • Uống 2,5mg / lần / ngày trong 7 ngày. Nếu bệnh nhân dung nạp tốt có thể cân nhắc tăng liều.
  • Uống 5mg / lần / ngày trong vòng 4 tuần sau đó. Cân nhắc tăng liều nếu bệnh nhân dung nạp tốt.
  • Uống 7,5mg / lần / ngày trong vòng 4 tuần sau đó, tăng liều nếu bệnh nhân dung nạp tốt.
  • Uống 10mg / lần / ngày để duy trì điều trị suy tim mãn tính ổn định.

Sau khi cho bệnh nhân bắt đầu dùng liều điều trị đầu tiên 1,25mg, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ các chỉ số của người bệnh trong vòng 4 giờ, nhất là mức huyết áp, rối loạn dẫn truyền, tần số tim và các dấu hiệu suy tim nghiêm trọng hơn.

Nhìn chung, việc điều chỉnh liều sẽ dựa trên mức độ dung nạp thuốc của bệnh nhân để đi đến liều đích. Một số người bệnh trong quá trình sử dụng Prolol 5 có thể gặp phải các tác dụng phụ và không thể đạt được liều điều trị tối đa theo khuyến cáo. Lúc này, việc giảm liều dần dần cho bệnh nhân suy tim mãn tính ổn định là điều cần thiết, thậm chí ngưng điều trị tạm thời, sau đó tiếp tục điều trị lại.

Nếu xảy ra tình trạng không dung nạp thuốc hoặc suy tim nặng lên kèm theo phù phổi, nhịp tim chậm, sốc tim hay block nhĩ thất, bệnh nhân sẽ phải dừng điều trị ngay lập tức. Theo khuyến cáo của bác sĩ, việc điều trị suy tim mãn tính ổn định bằng thuốc Prolol 5 là một liệu pháp lâu dài, cần tránh tối đa việc dừng thuốc đột ngột, bởi điều này có thể khiến tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn. Nếu bắt buộc phải ngừng thuốc, bệnh nhân sẽ cần giảm liều dần dần và chia liều ra một nửa cho mỗi tuần.

  • Liều dành cho bệnh nhân bị suy gan / thận

Liều khởi đầu Prolol 5 cho bệnh nhân suy thận / suy gan (độ thanh thải creatinin < 40ml /phút) là 2,5mg / ngày, sau đó tăng dần liều. Liều dùng thuốc tối đa cho bệnh nhân có độ thanh thải < 20ml / phút là 10mg / ngày để điều trị cả tình trạng tăng huyết áp và đau thắt ngực.

3.2 Cách sử dụng thuốc Prolol 5

Thuốc Prolol 5 được bào chế dưới dạng viên nén, vì vậy bệnh nhân có thể dùng thuốc qua đường uống. Trước khi dùng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trong tờ đơn kèm theo hộp thuốc hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trong quá trình điều trị bằng Prolol 5, bệnh nhân cần uống đúng liều lượng và tần suất dùng thuốc được chỉ định trước đó. Tuyệt đối tránh tự ý tăng liều hoặc điều chỉnh liều theo mục đích các nhân bởi điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khoẻ khác.

4. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc Prolol 5

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Chóng mặt, hoa mắt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, nhức đầu.
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ mơ.
  • Lo lắng, trầm cảm hoặc mất tập trung.

Những triệu chứng này thường nhẹ và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Thông thường, các tác dụng phụ trên sẽ tự biến mất trong vòng từ 1- 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Prolol 5.

5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Prolol 5

5.1 Cần thận trọng gì khi sử dụng thuốc Prolol 5?

Dưới đây là những điều cần thận trọng trong quá trình điều trị bằng thuốc Prolol 5:

  • Những bệnh nhân có các dấu hiệu suy tim sung huyết cần tránh sử dụng thuốc chẹn beta. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng ở một số bệnh nhân suy tim phải bù thì cần dùng thuốc thật cẩn trọng.
  • Việc ngừng điều trị đột ngột thuốc Prolol 5 có thể khiến cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tâm thất hoặc nhồi máu cơ tim trở nên trầm trọng hơn ở những người mắc động mạch vành. Do đó, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định ngưng điều trị thuốc.
  • Do thuốc Prolol 5 có tính chọn lọc beta 1 tương đối, do đó những bệnh nhân bị co thắt phế quản không dung nạp hay không đáp ứng với liệu pháp chống tăng huyết áp khác cần hết sức thận trọng khi điều trị bằng thuốc này.
  • Đối với những bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cần ngưng sử dụng tạm thời thuốc Prolol 5 tối thiểu 48 giờ trước khi tiến hành ca mổ. Trong trường hợp buộc phải dùng thuốc trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân cần thận trọng đối với các tác nhân gây mê như Trichloroethylene, Cyclopropane và Ether. Nếu xảy ra quá liều có thể xử lý bằng cách dùng Atropin từ 1 – 2mg IV.
  • Thuốc Prolol 5 có thể che dấu các triệu chứng hạ đường huyết, điển hình là nhịp tim nhanh. Đối với bệnh nhân bị tiểu đường được điều trị bằng thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc insulin cần dùng thuốc Prolol 5 một cách thận trọng.
  • Thuốc Prolol 5 cũng có thể che dấu các biểu hiện lâm sàng của cường tuyến giáp, ví dụ như nhịp tim nhanh. Việc dùng đột ngột thuốc có thể kích hoạt cơn nhiễm độc tuyến giáp nguy hiểm.

5.2 Tương tác của thuốc Prolol 5 với các thuốc khác

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể tương tác với Prolol 5 khi dùng cùng lúc với nhau:

  • Các loại thuốc chẹn beta khác.
  • Thuốc làm cạn kiệt Catecholamine, bao gồm Clonidin, Alpha-methyldopa, Reserpine và Guanethidine.
  • Thuốc làm giãn cơ tim hoặc ức chế dẫn truyền nhĩ thất, chẳng hạn như thuốc đối vận canxi, nhóm Benzothiazepine, thuốc chống loạn nhịp.
  • Thuốc Rifampin.
  • Insulin và một số loại thuốc hạ đường huyết đường uống.

Hy vọng với những thông tin quan trọng về thuốc Prolol 5 giúp người bệnh hiểu rõ tác dụng, liều lượng và cách dùng thuốc sao cho thật an toàn và đảm bảo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe