Prazodom là thuốc tác động lên đường tiêu hóa, thường được chỉ định trong các bệnh lý rối loạn chức năng đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản,... Vậy cơ chế tác dụng, các chỉ định và một số lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?
1. Prazodom là thuốc gì?
Prazodom có thành phần chính là Lansoprazol và Domperidon.
Thành phần Lansoprazol
- Thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton ở dạ dày (PPI), có tác dụng chính là ức chế tiết acid dịch vị.
- Cơ chế tác dụng của thuốc là gắn kết với hệ thống enzym H+/K+/ ATPase tại bề mặt của thành dạ dày, ức chế sự vận chuyển cuối cùng của ion hydrogen vào trong lòng dạ dày, làm giảm tiết acid dạ dày trong tình trạng bị kích thích và cả trong tình trạng dạ dày hoạt động bình thường.
- Ngoài ra điều trị bằng Lansoprazol phối hợp với kháng sinh còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) ở người gây viêm loét đường tiêu hóa.
- Lansoprazol hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau khoảng 1,7 đến 2 giờ, 97% thuốc liên kết với protein huyết tương; với liều điều trị đạt sinh khả dụng tuyệt đối trên 80%.
Thành phần Domperidon
- Là chất đối kháng thụ thể dopamin ở đường tiêu hóa và hầu như không tác dụng lên các thụ thể dopamin ở não nên không ảnh hưởng lên hệ tâm thần kinh.
- Cơ chế tác dụng chính của Domperidon là kích thích tăng nhu động của đường tiêu hóa, làm tăng trương lực cơ, tăng co thắt và mở rộng biên độ cơ thắt ở tâm vị và môn vị. Từ đó làm giảm các triệu chứng đầy chướng hay nôn ói ở đường tiêu hóa.
- Thuốc hấp thu tốt ở đường tiêu hóa sau khi uống, chuyển hóa ở gan, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 phút và thải trừ qua phân, nước tiểu.
Phối hợp cả 2 thành phần Lansoprazol và Domperidon trong thuốc Prazodom vừa có tác dụng điều trị các bệnh lý viêm loét đường tiêu hóa, vừa có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do các nguyên nhân khác nhau.
2. Chỉ định của thuốc Prazodom
Thuốc Prazodom được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau
- Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng, ợ hơi,...
- Bệnh lý đường tiêu hóa: viêm dạ dày mạn tính, trào ngược dạ dày - thực quản, sa dạ dày.
- Điều trị các triệu chứng khó chịu sau phẫu thuật cắt dạ dày.
- Giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa trên bệnh nhân đang dùng thuốc chống ung thư, các thuốc L-dopa.
- Các chứng nôn có chu kỳ ở trẻ em do nhiễm trùng đường tiêu hóa.
3. Chống chỉ định của thuốc Prazodom
Không sử dụng thuốc Prazodom trong các bệnh lý sau
- Dị ứng với thành phần Lansoprazole, Domperidon hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột cơ học hay thủng ruột.
- Bệnh lý u tuyến yên do tăng tiết prolactin.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em, bệnh nhân suy chức năng gan mức độ trung bình đến nặng không có chỉ định dùng thuốc Prazodom.
Lưu ý khi dùng thuốc Prazodom
- Prazodom chuyển hóa chủ yếu ở gan và thải trừ qua thận, vì vậy bệnh nhân suy gan, suy thận cần theo dõi chặt chẽ các xét nghiệm chức năng gan, chức năng thận trước và trong suốt quá trình dùng thuốc.
- Thành phần Lansoprazol có trong thuốc nếu dùng liều cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, hạ magnesi huyết nặng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường trên hệ xương hay hệ huyết học thì ngưng điều trị thuốc và xem xét biện pháp điều trị thay thế khác.
- Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có khoảng QT kéo dài trên điện tâm đồ, bệnh nhân có các rối loạn điện giải như hạ kali máu, tăng kali máu, hạ magnesi máu do thành phần Domperidon có thể làm nặng nề các triệu chứng bệnh.
- Thận trọng khi dùng thuốc Prazodom ở người lớn tuổi do nguy cơ giảm tiết dịch vị quá mức và suy giảm chức năng gan thận.
- Chưa chứng minh được hiệu quả và tính an toàn khi dùng thuốc Prazodom ở trẻ em.
4. Tương tác thuốc của Prazodom
Một số tương tác có thể gặp khi phối hợp điều trị Prazodom với các thuốc khác như sau
- Các thuốc ức chế men CYP3A4 (Ketoconazole, Bromocriptine) có thể làm thay đổi sinh khả dụng của Prazodom.
- Phối hợp với các thuốc giảm đau nhóm opioid, các thuốc giãn cơ muscarinic, Cimetidine, famotidine, nizatidine, Lithium, ranitidine làm giảm tác dụng của Prazodom.
- Một số tương tác khác chưa được báo cáo đầy đủ, vì vậy trước khi sử dụng thuốc nên thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc người bệnh đang điều trị trong thời gian gần đây.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng
- Prazodom được bào chế dưới dạng viên nang cứng hàm lượng Lansoprazol 30mg và Domperidon 10mg. Uống nguyên viên thuốc với nước, không nghiền nát hay bẻ vụn viên thuốc.
Liều dùng
- Điều trị buồn nôn, nôn ở người lớn: 10 - 20mg/ lần x 3 - 4 lần/ ngày. (Trừ các trường hợp dự phòng nôn sau phẫu thuật).
- Điều trị buồn nôn, nôn ở trẻ em: 0.2 - 0.4mg/kg/ lần x 3 - 4 lần/ ngày.
- Điều trị triệu chứng khó tiêu: 10 - 20mg/ lần x 3 lần/ngày; Uống trước bữa ăn khoảng 30 phút.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng bệnh lý và đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng khác nhau. Thời gian dùng thuốc Prazodom không nên kéo dài quá 12 tuần.
6. Tác dụng phụ của thuốc Prazodom
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Prazodom
- Mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng, buồn ngủ.
- Phản ứng dị ứng gây các triệu chứng ngứa, nổi mẩn da, ban đỏ.
- Khô miệng, tiêu chảy, khát nước, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, co rút cơ bụng.
- Hiếm gặp hơn là chứng vú chảy sữa, vú to ở nam giới, ngực căng đau nhức.
Tóm lại, Prazodom là thuốc thường được sử dụng trong các chứng rối loạn chức năng đường tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, nôn, buồn nôn do bất kỳ nguyên nhân nào. Thuốc tương đối lành tính, nhưng không được lạm dụng và sử dụng kéo dài để tránh gây một số tác dụng không mong muốn cho cơ thể.