Phadaczen là thuốc được dùng với mục đích ức chế phù nề do viêm và làm tình trạng sưng phù sau các phẫu thuật, chấn thương. Thuốc Phadaczen có thành phần hoạt chất chính là Serratiopeptidase. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn về thông tin thuốc Phadaczen, liều dùng, cách dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Phadaczen.
1. Phadaczen là thuốc gì?
Phadaczen là một trong những thuốc kháng viêm được sử dụng để giảm phù nề trong điều trị hiện nay. Phacdazen được bào chế dưới dạng viên nén bao phim tan trong ruột.
Về thành phần và hàm lượng, trong mỗi viên nén Phadaczen có chứa 10mg hoạt chất Serratiopeptidase. Một hộp thuốc Phadaczen gồm 10 vỉ, mỗi vỉ gồm 10 viên thuốc Phadaczen.
Thuốc được sản xuất bởi công ty Dược phẩm Cửu Long (Pharimexco), thuộc Việt Nam. Trên thị trường dược phẩm hiện nay, thuốc Phadaczen được đăng ký với số VD-11005-10.
2. Công dụng của thuốc Phadaczen
Phadaczen là thuốc kháng viêm, chống phù nề cho các tình trạng chấn thương hoặc sau phẫu thuât. Hoạt chất chính của thuốc Phadaczen là Serratiopeptidase, đây là một chất được sản xuất công nghệ lên men, trong đó enzyme được tinh chế từ việc nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.
Serratiopeptidase là enzyme được thuỷ phân protein có nguồn gốc từ Serratia spp. Enzyme này có tác dụng giảm phù nề trong các trường hợp liên quan đến chấn thương, suy tĩnh mạch hay nhiễm trùng bằng đường uống. Thuốc Phadaczen có đặc tính làm tăng tính hấp thu của các thuốc khác khi dùng chung, đặc biệt có thể làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh nhờ cơ chế chống viêm theo enzyme.
Thuốc Phadaczen có thể được dùng trong các chuyên khoa với từng chỉ định cụ thể:
- Tại Ngoại khoa: Trĩ nội, trĩ ngoại và sa hậu môn.
- Chuyên khoa Tai, mũi, họng : Viêm xoang, polyp mũi, viêm tai giữa, viêm họng.
- Tại Nội khoa: Phadaczen dùng phối hợp với kháng sinh trong các trường hợp nhiễm trùng, có tác dụng long đờm trong các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phế quản, hen phế quản, lao.
- Chuyên khoa nha khoa: Chỉ định dùng Phadaczen cho các bệnh như viêm nha chu, áp xe chân răng, áp xe nướu, viêm lợi trùm trong khi mọc răng khôn. Có thể dùng Phadaczen sau khi nhổ răng và sau phẩu thuật răng hàm mặt.
- Chuyên khoa nhãn khoa: Xuất huyết mắt, đục thủy dịch.
- Chuyên khoa sản phụ khoa: Căng tuyến vú, rách hoặc khâu tầng sinh môn.
- Chuyên khoa Tiết niệu: Dùng Phadaczen trong các trường hợp viêm bàng quang và viêm mào tinh.
- Chỉ định dùng trong các trường hợp người bệnh bị đau lưng, viêm xương khớp dạng thấp
Theo quy định từ nhà sản xuất, thuốc Phadaczen chỉ chống chỉ định ở những bệnh nhân xuất hiện quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, ở một số trường hợp đặc biệt thì người bệnh có rối loạn đông máu cũng không được chỉ định dùng Phadaczen.
3. Liều dùng & cách dùng thuốc Phadaczen
Phadaczen được chỉ định dùng theo đường uống, người bệnh cần uống Phadaczen với 1 ly nước đầy để tránh tình trạng mắc nghẹn thuốc gây khó chịu. Không bẻ thuốc hoặc nghiền nát thuốc. Thời gian uống thuốc trong ngày là sau mỗi bữa ăn no.
Liều dùng thuốc Phadaczen ở người lớn là 5-10mg/lần, một ngày uống 3 lần.
4. Tác dụng phụ của thuốc Phadaczen
Trong các trường hợp gặp tác dụng phụ khi sử dụng Phadaczen trong lâm sàng, đa phần người bệnh chỉ gặp tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa là chủ yếu. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là mày đay, biếng ăn, buồn nôn.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Phadaczen
- Phadaczen có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu khi dùng chung với nhau.
- Cần thận trọng khi sử dụng Phadaczen ở những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, bệnh nhân suy gan và suy thận.
- Phadaczen cần được bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh các nơi có ánh sáng trực tiếp và để xa tầm tay của trẻ nhỏ
- Cần tránh sử dụng Phadaczen ở phụ nữ mang thai và cho con bú để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi/trẻ em đang bú.
- Dùng Phadaczen sau khi phẩu thuật hoặc trong khi phẫu thuật. Nếu người bệnh sắp thực hiện một phẫu thuật thì cần ngưng thuốc Phadaczen ít nhất 2 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.