Công dụng thuốc Perasolic

Da khô, tổ đỉa, eczema... là những bệnh về da liễu gây khó chịu, mất thẩm mỹ cho người bệnh. Việc điều trị dứt điểm bệnh không chỉ dựa vào điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng mà phụ thuộc phần lớn vào các loại thuốc điều trị bệnh da liễu. Perasolic là một trong những thuốc được kê đơn phổ biến trong trường hợp này.

1. Perasolic là thuốc gì?

Thuốc Perasolic chứa thành phần chính là Acid salicylic và Betamethason dipropionat. Mỗi thành phần trong thuốc có những tác dụng riêng. Cụ thể:

Acid salicylic là một thuốc có khả năng sát khuẩn ngoài da sau khi làm tróc mạnh lớp sừng da. Ở nồng độ cao/thấp, Acid salicylic sẽ có những tác dụng lên lớp sừng bằng các cách khác. Ở nồng độ thấp, thuốc tạo lớp sừng, ở nồng độ cao lại làm tróc lớp sừng.

Cơ chế hoạt động của Acid salicylic trong việc làm tróc lớp sừng, trước tiên sẽ làm mềm sau đó phá hủy lớp này bằng cách hydrat hoá nội sinh. Hoặc Acid salicylic làm giảm pH, làm cho lớp biểu mô bị sừng hoá phồng lên, sau đó bong tróc ra. Trường hợp người bệnh bôi quá nhiều thuốc, sẽ làm phản tác dụng của Acid salicylic dẫn đến hoại tử da.

Ngoài ra, Acid salicylic được biết đến với công dụng chống nấm nhưng hoạt động yếu. Thuốc hoạt động bằng cách làm bong lớp sừng ngăn chặn nấm phát triển và giúp cho các thuốc chống nấm thấm vào da.

Thành phần này có thể gây nên tình trạng kích ứng mạnh trên niêm mạc tiêu hóa hoặc các mô khác nếu dùng đường toàn thân. Do đó, không được khuyến cáo sử dụng.

Bên cạnh Acid salicylic, Perasolic còn chứa thành phần Betamethason - là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng glucocorticoid rất mạnh nhưng mineralocorticoid không đáng kể. Công dụng chính của Betamethason là chống viêm, chống dị ứng.

2. Công dụng của thuốc Perasolic

Nhờ 2 thành phần kể trên mà thuốc Perasolic được ứng dụng hiệu quả trong các trường hợp giảm triệu chứng viêm của bệnh da khô và da dày sừng có đáp ứng với corticoid với bệnh:

Một số trường hợp dưới đây, thuốc sẽ không được phép kê đơn nhằm đảm bảo cho sức khỏe người bệnh:

  • Trẻ em dưới 12 tháng tuổi
  • Bệnh nhân dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Người bệnh mắc bệnh da nhiễm trùng như: zona, herpes, thủy đậu...

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Perasolic

Thuốc Perasolic được bào chế dưới dạng thuốc mỡ, bôi ngoài da. Người bệnh có thể thoa thuốc lên vùng da nhiễm bệnh 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Một số lưu ý khi dùng thuốc mỡ này:

  • Vệ sinh sạch sẽ tay và vùng da bị bệnh, sau đó dùng khăn sạch thấm khô vùng da đó.
  • Thoa một lớp mỏng thuốc mỡ lên vùng da bị bệnh
  • Trong trường hợp quên liều hãy thoa lại thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu liều đã quên nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo hãy bỏ qua, và sử dụng liều tiếp theo như kế hoạch.

Đã ghi nhận trường hợp quá liều khi bôi corticoid tại chỗ như thiểu năng thượng thận thứ phát, bệnh Cushing, chứng ngộ độc salicylate... Trong trường hợp này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc, và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

4. Tác dụng phụ của thuốc Perasolic

Thuốc Perasolic gây ra các tác dụng ngoại ý trong quá trình sử dụng. Khi các triệu chứng này phát sinh, cần lưu ý báo với bác sĩ để được hướng dẫn khắc phục kịp thời. Người bệnh hãy thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị kịp thời, lưu ý không được tự ý dùng thuốc khác để điều trị tác dụng phụ của thuốc.

Một số phản ứng phụ của thuốc Perasolic bao gồm: khô da, viêm nang lông, rậm lông, phát ban dạng mủ, giảm sắc tố, viêm da quanh miệng, dị ứng do tiếp xúc,...

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của Perasolic. Do đó, trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp phải bất cứ triệu chứng nào bất thường nghi ngờ do thuốc, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ.

5. Tương tác thuốc Perasolic

Hiện nay, chưa có báo cáo về tương tác thuốc của Perasolic. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên chủ động lập một danh sách những thuốc đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem và tư vấn.

Bên cạnh tương tác thuốc, thuốc Perasolic có thể tương tác với rượu bia và một số loại nước giải khát. Kết quả là Perasolic sẽ gia tăng tác dụng phụ.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Perasolic

Một số lưu ý khi dùng thuốc Perasolic:

  • Phụ em đang mang thai và cho con bú chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, tránh dùng thuốc trong thời gian dài nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé.
  • Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc của người bệnh.
  • Tránh thoa thuốc vào niêm mạc, miệng, mắt, vùng da bị tổn thương hoặc vết thương hở.
  • Không được băng ép lên vùng thoa thuốc.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Perasolic. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Lưu ý, thuốc Perasolic là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe