Công dụng thuốc Paracetamol choay

Paracetamol là hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt được sử dụng vô cùng rộng rãi. Hiện nay có rất nhiều sản phẩm có chứa hoạt chất này và một trong số đó là thuốc Paracetamol Choay 500mg. Vậy Paracetamol Choay có tác dụng gì?

1. Paracetamol Choay là thuốc gì?

Paracetamol Choay 500mg chứa hoạt chất Paracetamol, hàm lượng 500 mg. Ngoài ra, sản phẩm này còn có một số tá dược khác như Maize starch, Colloidal anhydrous silica, Nipagin, Nipasol, Gelatin, Sodium lauryl sulfate, Talc và Magnesium stearate.

2. Paracetamol Choay có tác dụng gì?

Thuốc Paracetamol Choay được chỉ định để điều trị triệu chứng đau mức độ từ nhẹ đến vừa và/hoặc kèm theo tình trạng sốt.

Hoạt chất Paracetamol thuốc nhóm thuốc hạ sốt và giảm đau ngoại biên, còn được gọi là Acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol. Paracetamol Choay là một chất chuyển hóa có hoạt tính của Phenacetin, mang lại tác dụng giảm đau, hạ sốt hiệu quả và có thể thay thế được Aspirin nhưng không có khả năng chống viêm. Khi sử dụng liều tương tự, Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như Aspirin.

Tác dụng hạ thân nhiệt của Paracetamol ở bệnh nhân sốt nhưng hiếm khi xảy ra ở người bình thường. Công dụng giảm đau, hạ sốt của Paracetamol Choay có được từ việc ức chế sinh tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương.

Ở liều điều trị, Paracetamol có những ưu điểm sau:

  • Ít tác động đến hệ tim mạch và hô hấp;
  • Không làm thay đổi cân bằng acid-base;
  • Không gây kích ứng, loét hoặc chảy máu dạ dày;

Do đó, Paracetamol được ưu tiên làm thuốc giảm đau và hạ sốt ở người cao tuổi và có chống chỉ định với Salicylat hoặc NSAID khác.

Paracetamol sử dụng ở liều khuyến cáo chủ yếu chuyển hóa nhờ phản ứng liên hợp sulfat và glucuronid. Một phần nhỏ chuyển hóa thành N-acetyl-p-benzoquinonimin (NAPQ1) có khả năng gây độc nhưng NAPQ1 sẽ được khử độc bằng glutathione để đào thải qua nước tiểu và/hoặc mật. Trường hợp NAPQ1 không được liên hợp với glutathion sẽ gây độc cho các tế bào gan và gây hoại tử tế bào. Do đó, khi sử dụng quá liều hoặc dùng cho một số đối tượng nhạy cảm (như suy dinh dưỡng, nghiện rượu, di truyền), nồng độ NAPQ1 sẽ tích lũy gây gây độc và hoại tử tế bào gan.

3. Liều dùng của thuốc Paracetamol Chót 500mg

Paracetamol Choay chỉ được sử dụng cho người trưởng thành và trẻ em cân nặng trên 25kg (khoảng 8 tuổi).

Người trưởng thành và trẻ em cân nặng trên 50kg (khoảng 15 tuổi trở lên):

  • Liều khuyến cáo là 1-2 viên Paracetamol Choay 500mg/lần, có thể lặp lại sau ít nhất 4 giờ;
  • Nhìn chung không nên uống hơn 3g Paracetamol Choay 500mg (6 viên) mỗi ngày. Tuy nhiên, trường hợp đau nặng và có chỉ định của bác sĩ thì tổng liều có thể tăng đến 4g/ngày.

Liều dùng Paracetamol cho trẻ em phụ thuộc vào cân nặng, tham khảo theo tuổi và yêu cầu dạng thuốc thích hợp hơn, cụ thể như sau:

  • Liều khuyến cáo 60mg/kg/ngày, chia làm 4 hoặc 6 lần uống, tương đương 15 mg/kg/lần uống cách mỗi 6 giờ hoặc 10 mg/kg/lần uống cách mỗi 4 giờ;
  • Trẻ có cân nặng từ 27 đến 40kg (khoảng 8 đến 13 tuổi): Uống 1 viên Paracetamol Choay 500mg, có thể lặp lại mỗi 6 giờ và không quá 4 viên/ngày;
  • Trẻ cân nặng từ 41 đến 50kg (khoảng 12 đến 15 tuổi); Uống 1 viên Paracetamol Choay 500mg, có thể lặp lại mỗi 4 giờ và không quá 6 viên/ngày.

Liều lượng thuốc Paracetamol Choay cho bệnh nhân suy chức năng thận:

  • Độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút cần điều chỉnh khoảng cách giữa 2 lần uống thuốc lên 8 giờ và tối thiểu phải ít nhất 4 giờ;
  • Liều lượng Paracetamol tuyệt đối không vượt quá 3g (6 viên Paracetamol Choay 500mg) mỗi ngày.

4. Chống chỉ định của Paracetamol Choay

Thuốc Paracetamol Choay không được dùng trong các trường hợp sau:

5. Lưu ý khi sử dụng Paracetamol Choay

  • Mặc dù hiếm gặp nhưng hoạt chất Paracetamol có thể gây tình trạng phản ứng da nghiêm trọng, như hội chứng Steven Johnson (SJS), hội chứng hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP);
  • Paracetamol Choay có chứa hoạt chất Paracetamol và một số thuốc khác cũng có thể chứa hoạt chất này. Vì vậy, cần lưu ý không sử dụng đồng thời các sản phẩm cùng chứa Paracetamol do nguy cơ quá liều và ngộ độc;
  • Người mắc bệnh gan hoặc suy thận nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc Paracetamol Choay;
  • Thận trọng khi sử dụng Paracetamol cho người bị thiếu máu từ trước, vì có thể làm lu mờ tình trạng da xanh tím do nồng độ cao methemoglobin trong máu;
  • Sử dụng nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ độc tính trên gan của Paracetamol Choay, do đó cần hạn chế hoặc không uống bia rượu.

6. Tác dụng phụ của Paracetamol Choay

Khi thấy xuất hiện tình trạng phát ban hoặc các biểu hiện bất thường trên da trong quá trình sử dụng thuốc Paracetamol Choay, người bệnh cần ngưng thuốc ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ để được thăm khám.

Phát ban ngoài da và những biểu hiện dị ứng thuốc thỉnh thoảng xảy ra, thường là nổi mày đay, đôi khi nặng hơn và kèm theo sốt, tổn thương niêm mạc. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như sốt, nổi bóng nước quanh các hốc tự nhiên khi uống Paracetamol Choay cần nghĩ đến hội chứng Stevens-Johnson, một tình trạng nguy hiểm cần can thiệp y tế phù hợp.

Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, Paracetamol Choay 500mg được báo cáo về khả năng làm giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu, biểu hiện bằng chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.

7. Tương tác của Paracetamol Choay với các thuốc khác

  • Thuốc chống co giật (bao gồm phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng men ở microsom tế bào gan, do đó làm tăng độc tính trên gan do tăng chuyển hóa thành những chất độc hại;
  • Sử dụng rượu bia quá nhiều và kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gây độc tế bào gan của Paracetamol Choay;
  • Metoclopramide, Domperidone có thể khiến tốc độ hấp thu Paracetamol tăng lên;
  • Cholestyramine làm giảm hấp thu Paracetamol nếu sử dụng trong vòng 1 giờ sau thời điểm uống Paracetamol Choay;
  • Kết hợp Isoniazid với Paracetamol Choay làm tăng nguy cơ độc tính trên gan, nhưng cơ chế chính xác của tương tác này chưa được xác định. Tuy vậy, người bệnh phải hạn chế dùng Paracetamol trong thời gian điều trị bằng Isoniazid.

8. Quá liều Paracetamol Choay

Quá liều Paracetamol có thể xảy ra do dùng một liều duy nhất hoặc do dùng lặp lại Paracetamol liều cao (ví dụ 7,5-10g mỗi ngày, trong 1-2 ngày) hoặc do dùng thuốc kéo dài gây hoại tử gan với biểu hiện như: Buồn nôn, nôn, đau bụng (thường xảy ra trong vòng 2-3 giờ sau khi uống liều độc của Paracetamol), tình trạng Methemoglobin máu dẫn đến chứng xanh tím da - niêm mạc và móng tay, kích động, mê sảng, hạ thân nhiệt, suy hô hấp - tuần hoàn.

Xử trí quá liều Paracetamol bằng cách điều trị hỗ trợ tích cực, rửa dạ dày trong mọi trường, tốt nhất là trong vòng 4 giờ sau khi uống. Liệu pháp giải độc Paracetamol chính là dùng những hợp chất sulfhydryl để bổ sung dự trữ glutathion ở gan, chất giải độc thường dùng là N-acetylcystein có tác dụng khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch., dùng ngay lập tức nếu thời gian dùng quá liều Paracetamol chưa quá 36 giờ.

N-acetylcystein dùng liều đầu tiên 140 mg/kg, sau đó dùng tiếp 17 liều nữa, mỗi liều 70 mg/kg cách mỗi 4 giờ, nếu không có sẵn N-acetylcystein có thể dùng methionin. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt và/hoặc thuốc tẩy muối để làm giảm hấp thụ Paracetamol.

Thuốc Paracetamol Choay được chỉ định để điều trị triệu chứng đau mức độ từ nhẹ đến vừa và/hoặc kèm theo tình trạng sốt. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe