Thuốc Paclitaxel thuộc nhóm thuốc chống ung thư và được chỉ định trong điều trị ung thư buồng trứng di căn, khi các biện pháp điều trị thông thường bằng các anthracyclin và platin đã thất bại hay bị chống chỉ định. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc Paclitaxel.
1. Thuốc paclitaxel chữa bệnh gì?
Paclitaxel được phân lập từ cây thông đỏ và là thuốc nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Paclitaxel được lưu hành trên thị trường với tên biệt dược là Onxol, Taxol.
Paclitaxel là thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn dùng trong chữa trị ung thư Kaposi – loại ung thư hiếm gặp liên quan đến người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS).
Cơ chế hoạt động của hoạt chất này như sau: Paclitaxel thúc đẩy quá trình lắp ráp vi ống bằng cách tăng cường hoạt động của các chất tubulin dimer. Bên cạnh đó, chất hóa học này còn giúp ổn định các vi ống hiện có và ức chế sự phân tách của chúng, can thiệp vào giai đoạn phân bào G2 muộn và ức chế sự nhân lên của tế bào.
Ngoài ra, thuốc có thể làm biến dạng các trục chính phân bào, dẫn đến sự phá vỡ nhiễm sắc thể của tế bào ung thư. Paclitaxel cũng có thể ức chế sự tăng sinh tế bào và điều chỉnh phản ứng miễn dịch.
Dạng bào chế: Dung dịch đậm đặc để pha tiêm truyền tĩnh mạch với các hàm lượng 100 mg/16,7 mL; 30 mg/5 mL; 150 mg/25 mL; 300 mg / 50 mL.
2. Cách sử dụng của thuốc Paclitaxel
2.1. Cách dùng thuốc Paclitaxel
Thuốc hoá trị thường được sử dụng trên cơ sở bệnh nhân ngoại trú, thỉnh thoảng bệnh nhân mới cần phải ở lại bệnh viện qua đêm. Trước khi điều trị cần thực hiện một số xét nghiệm máu như công thức máu, chức năng gan, thận, chức năng đông máu toàn bộ.., ngay trong ngày hoặc vài ngày trước đó. Bệnh nhân cần được bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa và dược sĩ lâm sàng thăm khám trước. Tiến hành hoá trị nếu các kết quả xét nghiệm máu nằm trong giới hạn cho phép.
Thuốc được truyền qua một ống thông bằng nhựa dẻo vào tĩnh mạch cổ hoặc tĩnh mạch khuỷu tay.
Trước khi hoá trị, bệnh nhân được cho dùng thuốc chống nôn tiêm truyền tĩnh mạch. Một số loại thuốc chống nôn có thể sử dụng đường uống.
Có thể sử dụng thuốc kháng dị ứng để đề phòng phản ứng quá mẫn với paclitaxel. Thuốc kháng dị ứng thường được dùng tiêm chích, nhưng có thể chia thành một phần khác để uống ở nhà trước khi đến bệnh viện hoá trị. Cần báo cho bác sĩ biết khi bệnh nhân không thể uống thuốc trước ở nhà.
Thuốc hoá trị được truyền riêng rẽ:
- Paclitaxel (dung dịch không màu) truyền nhỏ giọt trong 3 giờ
- Carboplatin (dung dịch không màu) cũng được truyền nhỏ giọt trong vòng một giờ.
Thời gian một lần hoá trị mất khoảng 4–5 giờ.
Bệnh nhân có thể về nhà sau khi tiêm truyền xong.
Cần uống thêm đầy đủ các thuốc chống nôn được kê toa ngoại trú. Thuốc chống nôn sẽ tác dụng tốt hơn khi cơn buồn nôn chưa xảy ra.
2.2. Liều dùng thuốc Paclitaxel
Liều điều trị cho bệnh nhân ung thư vú
Điều trị bổ trợ cho bệnh nhân ung thư vú: tiêm truyền tĩnh mạch với liều 175 mg/m2 trong 3 giờ, 3 tuần/ lần trong 4 chu kỳ.
Đối với bệnh nhân ung thư vú đã di căn hoặc tái phát: tiêm truyền tĩnh mạch với liều 175 mg / m2 trong 3 giờ mỗi lần, và thực hiện với tần suất 3 tuần/lần.
Liều dùng đối với bệnh nhân Kaposi sarcoma liên quan đến AIDS
Tiêm truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân Kaposi sarcoma liên quan đến AIDS với liều 135 mg/m2 trong 3 giờ/lần, 3 tuần/lần hoặc với 100 mg/m2 trong 3 giờ/lần với tần suất 2 tuần/lần
Do độc tính liên quan đến liều, nên bác sĩ có thể sử dụng liều 100 mg/m2 cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng của các bộ phận chuyển hóa và đào thải thuốc như gan, thận...
Liều dùng đối với người bệnh mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ
Tiêm truyền tĩnh mạch với liều 135 mg/m2 trong 24 giờ, 3 tuần/lần (kết hợp với cisplatin).
Hoặc khi kết hợp với các loại thuốc khác: tiêm truyền tĩnh mạch 200 mg/m2, 3 tuần/lần trong 4 chu kỳ (kết hợp với pembrolizumab và carboplatin) sau đó là điều trị duy trì bằng pembrolizumab.
Hoặc với liều 200 mg/m2 (175 mg/m2 với các bệnh nhân châu Á), 3 tuần/lần trong 4 đến 6 chu kỳ (kết hợp với atezolizumab, bevacizumab và carboplatin) sau đó là điều trị duy trì bằng atezolizumab hoặc bevacizumab.
Liều điều trị đối với ung thư buồng trứng tiến triển (di căn)
Nếu trước đó bệnh nhân đã được điều trị bằng Paclitaxel thì giờ đây, bệnh nhân sẽ được tiêm truyền tĩnh mạch đối với liều 135 hoặc 175 mg/m2 trong 3 giờ, 3 tuần/lần.
Nếu trước đấy bệnh nhân không được điều trị bằng Paclitaxel thì giờ liều lượng sẽ là: tiêm truyền tĩnh mạch với liều 175 mg/m2 trong 3 giờ, 3 tuần trên lần (kết hợp với cisplatin) hoặc 135 mg/m2 trong 24 giờ, 3 tuần/lần (kết hợp với cisplatin).
2.3. Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất.
Những triệu chứng của uống quá liều bao gồm:
- Da nhợt nhạt;
- Hơi thở ngắn;
- Mệt mỏi;
- Đau họng, sốt, lạnh và những dấu hiệu nhiễm bệnh khác;
- Bị bầm tím và chảy máu bất thường;
- Cảm giác tê, nóng, ngứa ran lòng bàn tay bàn chân.
- Đau trong vòm họng.
2.4. Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.
3. Chống chỉ định của thuốc Paclitaxel
- Không dùng cho người bệnh quá mẫn với paclitaxel hay với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm, đặc biệt là quá mẫn với dầu Cremophor EL. Chú ý là người bệnh thường quá mẫn không ít thì nhiều với dầu Cremophor EL.
- Không dùng cho người bệnh có số lượng bạch cầu trung tính < 1500/mm3 (1,5 x 109/lít) hoặc có biểu hiện rõ bệnh lý thần kinh vận động.
- Người mang thai hay đang cho con bú.
- Không dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi vì thiếu dữ liệu về an toàn và hiệu quả cho các đối tượng này.
4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Paclitaxel
- Ở người bệnh có rối loạn hoặc suy chức năng gan.
- Ở người bệnh có bệnh tim mạch chuyển hoá.
- Ở người quá mẫn với cremophor EL. Trong chế phẩm có tá dược là cremophor EL. Chất này có nhiều khả năng gây ra các đáp ứng kiểu phản vệ do làm giải phóng nhiều histamin. Do đó, cần dùng thuốc dự phòng quá mẫn trước khi điều trị và cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các đáp ứng phản vệ.
4.1. Lưu ý thời kỳ mang thai
Theo nguyên tắc chung, không được dùng hóa trị liệu để điều trị ung thư trong khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu. Cần phải cân nhắc thật kỹ giữa nguy cơ đối với thai nhi và lợi ích cũng như nguy cơ đối với người mẹ. Paclitaxel độc đối với phôi và bào thai, và làm giảm khả năng sinh sản của chuột cống.
4.2. Lưu ý thời kỳ cho con bú
Chưa rõ nồng độ paclitaxel trong sữa mẹ. Do đó tránh dùng paclitaxel khi đang cho con bú hoặc phải ngừng nuôi con bằng sữa mẹ.
5. Tác dụng phụ của thuốc Paclitaxel
Có thể xảy ra triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét miệng, đau cơ/đau khớp, tê/ngứa ran ở đốt bàn tay bàn chân, đỏ bừng mặt, chóng mặt, buồn ngủ.
Nếu phản ứng phụ tiếp tục kéo dài hoặc xấu đi, cho bác sĩ của bạn biết ngay lập tức. Rụng tóc tạm thời có thể xảy ra. Tóc sẽ tăng trưởng bình thường trở lại sau khi điều trị kết thúc.
Thuốc này có thể không thường xuyên gây thay đổi huyết áp và nhịp tim của bạn. Bạn nên theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong quá trình truyền thuốc. Cho bác sĩ biết ngay nếu bạn bị chóng mặt, nhức đầu, nhịp tim chậm/nhanh hay nhịp tim không đều.
Nhiều người sử dụng thuốc này có tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, bác sĩ đã kê đơn thuốc này vì họ đã đánh giá các lợi ích cho bạn lớn hơn so với nguy cơ tác dụng phụ. Cần giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ để giúp giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ.
Cho bác sĩ biết ngay nếu bạn mắc bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm: dấu hiệu của bệnh thiếu máu (ví dụ, mệt mỏi bất thường, da nhợt nhạt), dễ bị bầm tím/chảy máu, ngất xỉu, nhầm lẫn, đau/đỏ/sưng/yếu ở cánh tay/chân, bắp chân đau/sưng kèm nóng ấm, ho ra máu, liên tục buồn nôn/nôn, đau dạ dày/đau bụng, mắt vàng/vàng da, nước tiểu đậm màu, thay đổi thị giác/thính giác, co giật.
Thuốc có thể không thường xuyên gây kích thích vùng tĩnh mạch tiêm thuốc hoặc thuốc bị rò rỉ ra khỏi tĩnh mạch và kích thích khu vực được tiêm. Các tác động này có thể gây mẩn đỏ, đau, sưng, đổi màu, hoặc phản ứng da khác thường ở chỗ tiêm, hoặc khi thuốc được tiêm 7-10 ngày sau đó. Nếu thuốc bị rò rỉ ra khỏi tĩnh mạch và từng gây ra dị ứng trên da, bạn có thể không bị dị ứng tại vùng da đó nếu thuốc được tiêm lần nữa, ngay cả khi thuốc được tiêm vào khu vực khác. Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng trên da hay bất thường ở chỗ tiêm.
Không phải ai cũng sẽ biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Cũng có thể có các tác dụng phụ khác, nhưng không được đề cập. Nếu như bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ thì bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
6. Cách bảo quản thuốc Paclitaxel
Bảo quản với nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc cũng có thể sẽ có các phương pháp bảo quản khác nhau. Hãy đọc kỹ hướng dẫn để bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Hãy giữ thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú nuôi.
Không được vứt thuốc vào toilet hoặc vất đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng được. Hãy tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc được an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.