Thuốc Ozarium được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Losartan. Ozarium thuộc nhóm thuốc kê đơn (ETC), hay được chỉ định trong điều trị tình trạng tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc và tử vong tim mạch ở một số bệnh nhân nhất định.
1. Thuốc Ozarium công dụng là gì?
Trong 1 viên thuốc Ozarium có chứa 300mg Losartan Kali và các tá dược khác. Losartan là chất đối kháng thụ thể (typ AT1) Angiotensin II, thuộc nhóm thuốc chống tăng huyết áp mới.
Thuốc Ozarium thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:
- Điều trị chứng tăng huyết áp;
- Giảm nguy cơ mắc và tử vong tim mạch ở những bệnh nhân tăng huyết áp kèm phì đại thất trái;
- Bảo vệ thận ở những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có kèm protein niệu;
- Bệnh nhân bị suy tim mạn.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Ozarium cho các đối tượng:
- Quá mẫn cảm với Losartan hay bất kỳ thành phần nào khác của chế phẩm;
- Bệnh nhân bị suy gan nặng;
- Bệnh nhân đái tháo đường và suy thận, đang sử dụng thuốc hạ áp có chứa Aliskiren;
- Phụ nữ mang thai trên 3 tháng.
2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Ozarium
Cách dùng: Người bệnh nên dùng thuốc Ozarium bằng đường uống, có thể phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác.
Liều dùng: Tùy từng trường hợp cụ thể cần dùng thuốc Ozarium theo đúng chỉ định của bác sĩ. Liều dùng tham khảo cho từng đối tượng như sau:
Bệnh nhân tăng huyết áp: Dùng liều bắt đầu và liều duy trì 50mg/ 1 lần/ ngày với hầu hết bệnh nhân. Tác dụng hạ huyết áp sẽ đạt được từ 3-6 tuần kể từ khi bắt đầu điều trị. Trong 1 số trường hợp, để gia tăng hiệu quả điều trị có thể cân nhắc tăng liều hàng ngày đến 100mg/ lần/ ngày.
Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bị tăng huyết áp có protein niệu ≥ 0,5g / ngày: Dùng liều khởi đầu thông thường 50mg/ 1 lần/ ngày. Có thể tăng lên đến 100mg/ 1 lần/ ngày dựa trên phản ứng huyết áp sau 1 tháng điều trị.
Giảm nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân tăng huyết áp có phì đại thất trái: Dùng liều khởi đầu 50mg/ 1 lần/ ngày. Nên bổ sung thêm 1 liều thấp thuốc lợi tiểu Hydrochlorothiazide và/ hoặc tăng liều Losartan đến 100mg/ 1 lần/ ngày dựa trên phản ứng huyết áp.
Bệnh nhân giảm thể tích nội mạch: Với bệnh nhân thể tích nội mạch cạn kiệt (ví dụ người đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu liều cao), liều khởi đầu là 25mg/ lần/ ngày nên được cân nhắc.
Bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo: Không cần điều chỉnh liều dùng ban đầu ở nhóm đối tượng này.
Bệnh nhân suy gan: Có thể cân nhắc dùng liều Ozarium thấp cho những bệnh nhân có tiền sử suy gan. Hiện chưa có nhiều thông tin về hiệu quả điều trị của Ozarium ở bệnh nhân suy gan nặng. Do đó chống chỉ định dùng Losartan cho đối tượng này.
Bệnh nhân suy tim: Dùng liều khởi đầu 12,5mg/ lần/ ngày. Liều duy trì nên được xác định trong khoảng thời gian hàng tuần (nghĩa là 12,5mg/ ngày, 25mg/ ngày, 100mg/ ngày tăng đến liều tối đa là 150mg/ ngày). Tiến độ tăng liều còn tùy thuộc vào khả năng dung nạp của từng bệnh nhân.
Trẻ em:
- Từ 6 tháng - dưới 6 tuổi : Hiện sự an toàn và hiệu quả điều trị của Losartan cho nhóm đối tượng này chưa được xác lập. Do vậy không khuyến cáo dùng thuốc Ozarium cho trẻ em dưới 6 tuổi;
- Từ 6 - 18 tuổi (nặng từ 20-50kg): Đối với bệnh nhân có thể nuốt viên thuốc, liều gợi ý là 25mg/ 1 lần/ ngày (Trong trường hợp đặc biệt có thể tăng liều tối đa lên đến 50mg/ 1 lần/ ngày). Liều dùng nên được điều chỉnh dựa trên đáp ứng huyết áp của người bệnh;
- Nặng hơn >50kg: Dùng liều thông thường 50mg/ lần/ ngày, có thể chỉnh liều tối đa lên đến 100mg/ ngày.
Lưu ý: Liều trên 1,4mg/ kg (hoặc vượt quá 100mg/ngày) chưa được nghiên cứu ở bệnh nhi. Losartan không được dùng cho trẻ em có độ lọc cầu thận <30 ml/ phút/ 1,73 m2 hay bị suy gan.
Người cao tuổi: Dùng liều ban đầu 25mg/ 1 lần/ ngày ở bệnh nhân trên 75 tuổi. Không cần thiết hiệu chỉnh liều duy trì cho bệnh nhân lớn tuổi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ozarium
Trong quá trình sử dụng thuốc Ozarium, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Tim mạch: Hạ huyết áp, cảm giác đau ngực;
- Thần kinh trung ương: Choáng váng, mất ngủ, mệt mỏi.
- Nội tiết - chuyển hóa: Tăng kali máu, hạ đường huyết;
- Tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu;
- Huyết học: Hạ nhẹ chỉ số hemoglobin và hematocrit.
- Thần kinh cơ - xương: Đau lưng, đau cơ, đau chân...;
- Thận: Hạ axit uric máu (khi dùng liều cao), nhiễm trùng đường niệu;
- Hô hấp: Sung huyết mũi, viêm xoang, ho (ít hơn khi dùng các chất ức chế ACE).
Tác dụng phụ ít gặp:
- Tim mạch: Hạ huyết áp thế đứng, đau ngực, block A – V độ II, nhịp chậm xoang, nhịp tim nhanh, trống ngực, đỏ mặt, phù mặt;
- Thần kinh trung ương: Trầm cảm, lo âu, lú lẫn, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt và sốt;
- Da: Rụng tóc, da khô, ban đỏ, viêm da, nhạy cảm ánh sáng, ngứa ngáy, mề đay, vết bầm và ngoại ban;
- Nội tiết - chuyển hóa: Bệnh gout;
- Tiêu hóa: Đầy hơi, chán ăn, mất vị giác, táo bón, viêm dạ dày;
- Sinh dục - tiết niệu: Suy giảm khả năng sinh lý, bất lực, tiểu nhiều, tiểu đêm;
- Gan: Tăng nhẹ các xét nghiệm về chức năng gan, tăng nhẹ bilirubin;
- Thần kinh cơ xương: Dị cảm, run rẩy, đau xương, yếu cơ, đau cơ, phù khớp;
- Mắt: Nhìn mờ, suy giảm thị lực, viêm kết mạc, nóng rát và nhức mắt.
- Thận: Nhiễm trùng đường niệu, tăng nhẹ creatinin hoặc ure;
- Hô hấp: Khó thở, viêm mũi, viêm phế quản, sung huyết đường thở, chảy máu cam, khó chịu ở họng;
- Các tác dụng khác: Ù tai, toát mồ hôi.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Dị ứng: Các phản ứng quá mẫn, tê hoặc ngứa ran (dị cảm);
- Tim mạch: viêm mạch máu (bao gồm viêm thành mạch dị ứng), nhịp tim nhanh và bất thường (rung nhĩ), phù mạch, đột quỵ, ngất;
- Gan: Viêm gan, tăng nồng độ ALT (Alanine aminotransferase) trong máu cấp, thường sẽ hết sau khi ngưng điều trị.
Với các phản ứng bất lợi nhẹ khi dùng thuốc Ozarium, thường chỉ cần giảm liều hoặc ngừng thuốc. Nếu xảy ra mẫn cảm nặng hoặc phản ứng dị ứng, cần thông báo cho bác sĩ và thực hiện các phương án điều trị hỗ trợ (giữ thoáng khí và dùng thuốc co mạch Epinephrin, thở oxygen, dùng thuốc kháng histamin, corticoid...).
4. Lưu ý khi dùng thuốc Ozarium
Để đảm bảo tính hiệu quả cũng như an toàn trong quá trình dùng thuốc Ozarium, dưới đây là một số thông tin người dùng cần lưu ý:
Trường hợp quá mẫn:
Bệnh nhân có tiền sử phù mạch (sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng) nên được theo dõi chặt chẽ trong quá trình dùng thuốc;
Trường hợp hạ huyết áp và mất cân bằng dịch/điện giải:
- Với những bệnh nhân bị mất thể tích dịch tuần hoàn (ví dụ người điều trị thuốc lợi tiểu liều cao) có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp triệu chứng. Cần điều chỉnh những tình trạng này trước khi dùng thuốc có Losartan, hoặc phải dùng liều khởi đầu thấp hơn;
- Mất cân bằng điện giải thường gặp ở bệnh nhân suy thận, có kèm tiểu đường hoặc không;
- Trong nghiên cứu lâm sàng tiến hành trên bệnh nhân suy thận có kèm đái tháo đường tuýp 2, tỷ lệ tăng kali huyết cao hơn ở nhóm được điều trị với Losartan so với nhóm dùng giả dược. Do đó, nồng độ Kali trong huyết tương cũng như độ thanh thải Creatinin cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là với những bệnh nhân bị suy tim và độ thanh thải Cr từ 30-50 ml/ phút;
- Không nên dùng đồng thời thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc bổ sung kali và chất thay thế chứa kali với Losartan.
Trường hợp suy chức năng gan:
- Dựa trên dữ liệu dược động học đã cho thấy có sự tăng nồng độ Losartan trong huyết tương ở bệnh nhân xơ gan, do vậy cần cân nhắc dùng liều thấp hơn cho những người có tiền sử suy gan;
- Không khuyến cáo dùng Losartan cho trẻ em suy gan.
Trường hợp suy chức năng thận:
- Do ảnh hưởng ức chế hệ thống renin-angiotensin, đã có ghi nhận về những thay đổi trong chức năng thận, bao gồm suy thận ở người mẫn cảm, tăng ure máu và creatinin ở những bệnh nhân bị hẹp động mạch thận 2 bên hoặc 1 bên. Các thay đổi này trong chức năng thận có thể được hồi phục khi ngừng thuốc.
Đối với trẻ em suy thận:
- Không khuyến nghị dùng thuốc có Losartan cho trẻ em có tốc độ lọc cầu thận <30ml/phút/ 1,73m2;
- Cần theo dõi chức năng thận thường xuyên trong quá trình điều trị với thuốc Ozarium vì tình trạng này có thể xấu đi (nhất là khi dùng thuốc trong các điều kiện khác (sốt, mất nước);
- Không nên dùng đồng thời thuốc có Losartan với các thuốc ức chế men chuyển ACE vì có thể làm suy giảm chức năng thận.
Đối với bệnh nhân cường Aldosteron nguyên phát (hội chứng Conn):
- Phần lớn bệnh nhân tăng aldosteron nguyên phát nói chung sẽ không đáp ứng với các thuốc hạ huyết áp tác động thông qua sự ức chế hệ thống renin-angiotensin. Do đó, không nên sử dụng Losartan cho đối tượng này.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh động mạch tim và mạch máu não:
- Ở những bệnh nhân có bệnh tim mạch và mạch máu não, phản ứng hạ huyết áp quá mức có thể xảy ra dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Đối với bệnh nhân suy tim:
- Ở bệnh nhân suy tim (có hoặc không có suy thận), các thuốc hạ huyết áp tác động lên hệ thống renin-angiotensin có thể dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp động mạch nặng hay suy thận (thường cấp tính);
- Hiện chưa có nhiều dữ liệu về điều trị Losartan ở bệnh nhân suy tim và suy thận nặng đồng thời, bệnh nhân bị suy tim nặng (NYHA IV), bệnh nhân suy tim và rối loạn nhịp có triệu chứng đe dọa tính mạng. Do vậy, nên sử dụng thuốc Ozarium ở những nhóm bệnh nhân trên. Cần thận trọng khi kết hợp của Losartan với thuốc chẹn beta;
Đối với bệnh nhân bị hẹp động mạch chủ và hẹp van 2 lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn: Cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc ở các nhóm bệnh nhân này.
Các lưu ý khác:
- Một số tác dụng không mong muốn (buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi) có thể làm giảm khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân. Do vậy cần thận trọng khi lái xe, điều khiển máy móc trong thời gian dùng thuốc;
- Theo một số ghi nhận, sử dụng thuốc Ozarium trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ có thể gây thương tổn, thậm chí gây tử vong cho thai nhi đang phát triển. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ và kiểm tra tuổi thai trước khi dùng thuốc;
- Hiện vẫn chưa có thông tin về việc Losartan có bài tiết qua sữa mẹ hay không, để có quyết định cụ thể thai phụ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
5. Tương tác của thuốc Ozarium
Trong quá trình sử dụng, có thể phát sinh một số tương tác thuốc của thuốc Ozarium bao gồm:
- Thuốc trị nấm Fluconazole và Rifampicin có thể làm giảm nồng độ của các chất chuyển hóa có hoạt tính của Kosartan, nhưng về ý nghĩa lâm sàng, tương tác này vẫn chưa được thành lập;
- Trong trường hợp sử dụng đồng thời các thuốc lợi tiểu giữ kali (ví dụ, Amiloride, Triamterene, Spironolactone, Eplerenone), bổ sung kali, muối kali và các phương tiện làm tăng nồng độ kali (ví dụ, thuốc chống đông máu Heparin) vẫn có thể làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh;
- Thành phần Losartan trong thuốc Ozarium có thể giảm bài tiết natri và tăng nồng độ trong huyết thanh của Lithium, việc áp dụng một sự kết hợp như vậy là cần thiết để theo đối nồng độ Lithium;
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu và các thuốc hạ huyết áp khác;
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Ozarium, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Ozarium là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.