Thuốc Ornispar được chỉ định sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch cho các trường hợp xơ gan, hôn mê gan, viêm gan hoặc bệnh não gan,... Ornispar có tác dụng tăng cường chức năng gan và đẩy lùi những triệu chứng liên quan đến bệnh gan khác. Để đảm bảo dùng thuốc Ornispar hiệu quả và an toàn, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn mà bác sĩ đã khuyến cáo.
1. Thuốc Ornispar là thuốc gì?
Ornispar thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được sử dụng chủ yếu cho các trường hợp mắc bệnh lý về gan, chẳng hạn như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,... Hiện nay, thuốc Ornispar được sản xuất bởi PT. Novell Pharmaceutical Laboratories – In Đô Nê Xi A dưới dạng dung dịch tiêm và đóng gói theo quy cách hộp 5 ống 10ml.
Trong mỗi ống thuốc Ornispar có chứa hoạt chất chính là L-ornithin L-aspartat hàm lượng 0,5g / ml. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng bổ sung thêm một số tá dược khác có tác dụng tăng cường hiệu quả điều trị bệnh của thuốc.
Thuốc tiêm Ornispar chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc trong bất kỳ trường hợp nào nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp các phản ứng bất lợi.
2. Thuốc Ornispar công dụng là gì?
2.1 Tác dụng của hoạt chất L-ornithin L-aspartat
L-ornithin L-aspartat (LOLA) được biết đến là một chất hoá học được tạo nên bởi amino acid ornithin và aspartic acid. Đa phần các acid amin đều được sử dụng dưới vai trò là các khối xây dựng giúp tạo nên protein. Tuy nhiên, đối với L-ornithin L-aspartat không được dùng để tạo protein mà sẽ phân huỷ trong cơ thể nhằm cung cấp aspartic acid và ornithin.
Hiện nay, L-ornithin L-aspartat được sử dụng chủ yếu để khắc phục các bệnh lý về gan cấp và mãn tính, chẳng hạn như gan nhiễm mỡ, xơ gan, vêm gan, tăng amoniac máu và đặc biệt hơn cả là các biến chứng thần kinh liên quan đến bệnh não gan. Cơ chế hoạt động chính của LOLA là làm tăng nồng độ các chất ornithin cũng như aspartic acid, từ đó tăng tổng hợp vòng urê và glutamine giúp giải độc amoniac trong máu.
2.2 Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Ornispar
Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, thuốc Ornispar được phép sử dụng cho các trường hợp dưới đây:
- Hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh viêm gan do rượu hoặc viêm gan mãn tính.
- Điều trị tốt chứng rối loạn khởi phát trong tiền hôn mê gan hoặc hôn mê gan.
- Giải quyết tình trạng tăng amoniac đối với các bệnh gan như xơ gan, viêm gan cấp / mãn tính, bệnh não gan và gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, cần chống chỉ định thuốc Ornispar cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa được bác sĩ chấp thuận:
- Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với hoạt chất L-ornithin L-aspartat hay bất kỳ tá dược khác có trong công thức thuốc.
- Không sử dụng Ornispar cho bệnh nhân bị suy thận.
- Chống chỉ định thuốc Ornispar cho người bị nhiễm độc Methanol, nhiễm Acid lactic, thiếu hụt men Fructose 1,6 – diphosphate hoặc không dung nạp với Fructose – sorbitol.
- Chống chỉ định Ornispar tương đối cho phụ nữ đang mang thai và bà mẹ nuôi con bú.
3. Hướng dẫn sử dụng và liều dùng thuốc Ornispar
Thuốc Ornispar được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch để điều trị các bệnh lý về gan. Trong quá trình sử dụng Ornispar, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ liều lượng và tần suất dùng thuốc theo đúng khuyến nghị của bác sĩ. Tránh tự ý dùng hoặc tăng / giảm liều khi chưa được chấp thuận.
Dưới đây là liều dùng thuốc Ornispar mà bạn có thể tham khảo:
- Điều trị rối loạn chức năng gan cấp và mãn tính: Tiêm tĩnh mạch chậm từ 1 – 2 ống 500mg / ngày. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn có thể tăng liều lên 4 ống / ngày.
- Điều trị viêm gan cấp tính: Tiêm tĩnh mạch từ 1 – 2 ống 5g / ngày.
- Điều trị viêm gan mãn tính: Tiêm tĩnh mạch từ 2 – 4 ống 5g / ngày.
- Điều trị bệnh xơ gan: Tiêm tĩnh mạch từ 1 – 4 ống 5g / ngày, trong trường hợp nặng có thể tăng lên 8 ống / ngày.
- Điều trị bệnh não gan (bao gồm giai đoạn tiền hôn mê gan – hôn mê gan): Tiêm tĩnh mạch 8 ống 5g / ngày.
Trong trường hợp trót bỏ lỡ liều tiêm thuốc Ornispar, bệnh nhân cần dùng bù liều càng sớm càng tốt. Nhưng cần tránh tiêm gấp đôi hàm lượng cùng lúc vì nguy cơ xảy ra quá liều là rất cao.
Mặt khác, nếu tiêm quá liều Ornispar và gặp phải một số triệu chứng bất lợi, bệnh nhân cần ngưng điều trị và báo ngay cho bác sĩ để có hướng khắc phục. Các biện pháp hỗ trợ xử lý quá liều Ornispar sẽ được áp dụng nhanh chóng, giúp bệnh nhân ổn định lại các chỉ số cơ thể và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi tiêm thuốc Ornispar
Nhìn chung, các phản ứng ngoại ý liên quan đến thuốc Ornispar thường hiếm khi xảy ra bởi thành phần trong sản phẩm tương đối an toàn và lành tính. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng bất lợi như buồn nôn, nôn ói hoặc bỏng rát ở thanh quản sau khi tiêm thuốc Ornispar.
Mặc dù các tác dụng phụ trên không xảy ra thường xuyên, tuy nhiên nếu mắc phải cần được xử lý sớm để phòng ngừa những nguy cơ bất lợi khác. Tốt nhất, trong thời gian điều trị bệnh lý về gan với thuốc Ornispar, nếu nhận thấy có bất kỳ tác dụng phụ hay dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân nên ngưng điều trị và xin ý kiến của bác sĩ để xử trí kịp thời.
5. Cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Ornispar?
Nhằm đảm bảo dùng thuốc Ornispar an toàn và sớm đạt hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Thận trọng khi sử dụng Ornispar cho thai phụ và bà mẹ nuôi con bú. Những đối tượng bệnh nhân này cần trao đổi cụ thể với bác sĩ trước khi đưa ra quyết định tiêm thuốc. Chỉ nên sử dụng Ornispar khi mặt lợi ích cao hơn hẳn so với yếu tố gây hại.
- Trong trường hợp chỉ định tiêm Ornispar liều cao cần kiểm soát mức urê trong nước tiểu và huyết tương.
- Nếu chức năng thận và gan của người bệnh bị suy giảm trầm trọng, cần điều chỉnh tốc độ tiêm tĩnh mạch nhằm phòng ngừa tình trạng buồn nôn, bỏng rát thực quản hoặc nôn ói.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Ornispar cho bệnh nhân cao tuổi.
- Chưa có dữ liệu nghiên cứu cụ thể về liều thuốc Ornispar an toàn dành cho trẻ nhỏ, vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho đối tượng trên dùng thuốc.
- Khi dùng thuốc Ornispar dưới dạng tiêm, cần tiến hành tiêm tĩnh mạch chậm giúp đề phòng sốc thuốc.
- Kiểm tra kỹ chất lượng và hạn dùng của Ornispar trước khi sử dụng. Trong tình huống thuốc đã quá hạn hoặc có dấu hiệu thay đổi màu sắc, tốt nhất nên vứt bỏ thuốc theo đúng chỉ dẫn.
- Bảo quản dung dịch tiêm Ornispar tại điều kiện khô thoáng, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và để ở nơi cao ráo, tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.
- Báo cho bác sĩ danh sách các loại thuốc đang được sử dụng ở thời điểm hiện tại, bao gồm cả vitamin, thuốc tiêm truyền khác hoặc thực phẩm chức năng. Điều này sẽ giúp bác sĩ loại trừ nguy cơ tương tác giữa các thuốc và tránh gây giảm tác dụng điều trị của hoạt chất trong Ornispar.
Thuốc Ornispar được chỉ định sử dụng dưới dạng tiêm tĩnh mạch cho các trường hợp xơ gan, hôn mê gan, viêm gan hoặc bệnh não gan,... Ornispar có tác dụng tăng cường chức năng gan và đẩy lùi những triệu chứng liên quan đến bệnh gan khác.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.