Công dụng thuốc Nitromint

Thuốc Nitromint 2.6mg được bào chế dưới dạng viên nén giải phóng chậm, có thành phần chính là nitroglycerin. Thuốc được chỉ định trong điều trị bệnh động mạch vành, phòng ngừa cơn đau thắt ngực và điều trị hỗ trợ suy tim sung huyết.

1. Công dụng của thuốc Nitromint

Nitromint là thuốc gì? Thuốc Nitromint 2.6 có thành phần là nitroglycerin 2.6mg. Nitroglycerin tác động lên các thành phần cơ trơn của thành mạch máu, làm giãn nở các tĩnh mạch ngoại biên. Nhờ tác dụng này, dung tích tĩnh mạch tăng trong khi lượng máu đổ về tĩnh mạch, thể tích tâm thất trái, áp lực cuối kỳ tâm trương và tiền tải đều giảm. Đồng thời, vì các động mạch nhỏ giãn nở, lực cản ngoại biên giảm, hậu tải giảm. Nhờ đó, tim không phải làm việc quá sức, nhu cầu về oxy thấp hơn.

Nitroglycerin cũng làm giãn nở các động mạch vành dưới màng ngoài tim, làm giảm co thắt mạch vành. Nhờ các tác dụng này và tiền tải giảm, lưu lượng máu đưa tới tim đều hơn, sự tuần hoàn bàng hệ và sự tưới máu cho các vùng thiếu máu cục bộ, vùng dưới màng tim được cải thiện. Vì vậy, hiệu suất của tim và sự dung nạp vận động đều được gia tăng.

Thuốc Nitromint được chỉ định trong các trường hợp sau:

Thuốc Nitromint chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn cảm với nitroglycerin hoặc hợp chất nitrate hữu cơ khác;
  • Bệnh nhân huyết áp thấp (huyết áp tâm thu dưới 90mmHg);
  • Người bị suy tuần hoàn cấp (sốc, trụy mạch);
  • Bệnh nhân sốc do tim (trừ trường hợp áp lực cuối kỳ tâm trương ở tâm thất trái được đảm bảo thích hợp nhờ bóng bơm trong động mạch chủ hoặc bằng các loại thuốc gây lực co cơ dương);
  • Người bệnh nhồi máu cơ tim cấp với áp lực bơm đẩy thấp;
  • Người mắc bệnh cơ tim phì đại, tắc nghẽn;
  • Bệnh nhân giảm thể tích máu;
  • Bệnh nhân hẹp van động mạch chủ và van 2 lá;
  • Người bệnh viêm màng ngoài tim thấp, chèn ép màng ngoài tim;
  • Bệnh nhân dễ bị rối loạn tuần hoàn khi đứng;
  • Người bị chấn thương đầu, xuất huyết trong sọ hoặc các tình trạng có tăng áp lực trong sọ;
  • Người bị thiếu máu nặng trên lâm sàng;
  • Bệnh nhân glocom góc hẹp (nitrat có thể làm tăng áp lực trong mắt);
  • Sử dụng đồng thời các hợp chất tạo nitrogen monoxide, các thuốc ức chế men phosphodiesterase (sildenafil, vardenafil, tadalafil).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Nitromint

Cách dùng: Người bệnh cần dùng thuốc bằng đường uống. Nên uống thuốc Nitromint trước bữa ăn, uống nguyên viên thuốc với một ít nước, không nên nhai hoặc nghiền nhỏ viên thuốc.

Liều dùng: Thay đổi theo từng bệnh nhân, phụ thuộc vào sức khỏe người bệnh và tình trạng bệnh.

  • Liều khởi đầu thông thường: 1 viên nén giải phóng chậm Nitromint 2,6mg x 2 lần/ngày, có thể tăng liều lên tới 2 – 3 viên x 2 lần/ngày. Nên uống thuốc ngày 2 lần vào buổi sáng và đầu buổi chiều. Nếu các cơn đau chủ yếu xuất hiện vào ban đêm thì liều trong ngày nên uống vào buổi sáng và trước khi đi ngủ;
  • Liều dùng cho bệnh nhân đặc biệt:
    • Thuốc có nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế ở bệnh nhân cao tuổi nên cần bắt đầu bằng liều thấp, tăng liều chậm hơn ở nhóm bệnh nhân này;
    • Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Nitromint chưa được chứng minh ở trẻ em;
    • Không cần thiết tăng liều dùng thuốc Nitromint ở bệnh nhân suy gan, suy thận

Quá liều: Khi dùng thuốc Nitromint quá liều, các triệu chứng tác dụng phụ sẽ xuất hiện nặng hơn. Tùy mức độ quá liều, người bệnh có thể bị tụt huyết áp (với các rối loạn điều hòa huyết áp tư thế), ngất, trụy mạch, nhịp tim nhanh phản xạ, đau đầu, suy yếu cơ thể, nhìn mờ, chóng mặt, bứt rứt, ngủ lịm, da đỏ bừng, buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy. Dùng Nitromint liều cao có thể khiến da tím tái, khó thở, thở nhanh và co giật. Liều dùng Nitromint rất cao có thể gây tăng áp lực nội sọ. Quá liều thuốc Nitromint lâu dài có thể làm tăng mức methaemoglobin.

Khi dùng thuốc quá liều, người bệnh được xử lý điều trị như sau: Hút bỏ các chất trong dạ dày, rửa dạ dày ở giai đoạn sớm; cho người bệnh nằm ngửa, kê chân cao, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, điều chỉnh nếu cần thiết trong điều kiện chăm sóc tập trung. Nếu bệnh nhân bị hạ huyết áp nhiều và sốc thì cần truyền dịch hỗ trợ. Trường hợp ngoại lệ cần truyền tĩnh mạch dopamine hoặc noradrenaline để phục hồi tuần hoàn. Trường hợp bệnh nhân bị methaemoglobin huyết có thể sử dụng các thuốc giải độc sau tùy độ nặng/nhẹ: Vitamin C (1g uống hoặc dạng muối natri theo đường tĩnh mạch), xanh methylene (tối đa 50ml dung dịch 1%, đường tĩnh mạch), xanh toluidine (dùng theo đường tĩnh mạch, ban đầu dùng liều 2 – 4ml/kg, nếu cần có thể lặp lại điều trị với khoảng cách 1 giờ dùng liều 2ml/kg), trị liệu với oxy, thẩm phân máu, thay máu.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Nitromint, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp thì bạn có thể bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo đúng thời điểm như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Nitromint

Khi sử dụng thuốc Nitromint, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Đau đầu (đau đầu do nitrate) thường gặp trong giai đoạn đầu dùng thuốc. Mức độ đau đầu tùy thuộc liều dùng, có thể hết sau vài ngày mà không cần ngưng thuốc (nếu cần thiết có thể dùng thuốc giảm đau, nếu phải giảm liều thuốc thì có thể tăng liều chậm lại, tăng dần về sau);
  • Tác dụng phụ hiếm gặp khi vừa bắt đầu điều trị hoặc sau khi tăng liều thuốc Nitromint là tụt huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng với triệu chứng tăng nhịp tim, chóng mặt, choáng váng, yếu sức;
  • Buồn nôn, nôn ói: Hiếm gặp;
  • Đỏ bừng mặt, bồn chồn, nhìn mờ, khô miệng, dị ứng ở da, trụy mạch, đôi khi nhịp tim chậm, ngất xỉu. Trong một số trường hợp, giảm huyết áp quá mức có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau thắt ngực;
  • Hồi hộp, sưng phù chân và mắt cá chân, tăng huyết áp phản xạ, mất vị giác (liên quan tới việc sử dụng nitrate);
  • Rất hiếm gặp: Xảy ra methaemoglobin – huyết;
  • Đã có trường hợp sử dụng thuốc Nitromint liên tục (3 lần/ngày vào buổi sáng – trưa – chiều) có thể dẫn tới lờn nitrate và dung nạp chéo với những dẫn xuất nitrate khác.

Khi gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc Nitromint và báo cho bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí nhanh chóng, kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Nitromint

Một số lưu ý người dùng cần chú ý trước và trong khi sử dụng thuốc Nitromint:

  • Tính an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được chứng minh khi sử dụng ở trẻ em;
  • Thuốc không thích hợp điều trị cơn đau thắt ngực cấp. Trong trường hợp này, người bệnh nên dùng các loại thuốc có tác dụng tức thì;
  • Bệnh nhân khi sử dụng nitroglycerin lâu ngày khi cần chuyển sang 1 loại thuốc khác cần giảm, ngưng liều nitroglycerin một cách từ từ;
  • Do khả năng làm tăng dòng máu tại những vùng phế nang thông khí kém, nitroglycerin làm giảm nhất thời nồng độ oxy trong máu động mạch. Ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, tác dụng này có thể làm giảm tuần hoàn cơ tim và gây thiếu máu cục bộ cơ tim. Do đó, nên thận trọng khi dùng thuốc Nitromint cho bệnh nhân có bệnh phổi do tim hoặc giảm oxy huyết ở động mạch;
  • Liều khởi đầu thuốc Nitromint phải thấp hơn, tăng liều chậm hơn ở người cao tuổi, vì đối tượng này có nguy cơ cao bị hạ huyết áp tư thế;
  • Thận trọng đặc biệt khi sử dụng nitroglycerin cho người bị bệnh gan, bệnh thận nặng, sa van 2 lá, thiểu năng tuyến giáp, thân nhiệt thấp, nuôi dưỡng kém, gần đây bị nhồi máu cơ tim;
  • Trong khi điều trị, tỷ lệ các cơn đau thắt ngực có thể bị tăng trong giai đoạn nồng độ nitrat thấp. Có thể cần điều trị bổ trợ với 1 thuốc chống đau thắt ngực khác có hoạt chất khác để tránh xảy ra các cơn đau;
  • Tránh dùng đồ uống có cồn trong điều trị với thuốc Nitromint vì sẽ gây đau đầu nặng, hạ huyết áp, trụ mạch,...
  • Trong mỗi viên nén giải phóng chậm Nitromint 2.6mg có 23.5mg lactose nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở người bị thiếu men lactase, galactose – huyết, mắc hội chứng kém hấp thu glucose/galactose;
  • Khi mới bắt đầu sử dụng, thuốc Nitromint có thể gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc nên người dùng cần thận trọng;
  • Không dùng thuốc Nitromint trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, trừ khi được bác sĩ chỉ định riêng;
  • Không dùng thuốc Nitromint trong giai đoạn cho con bú, trừ khi được bác sĩ chỉ định riêng.

5. Tương tác thuốc Nitromint

Một số tương tác thuốc của Nitromint gồm:

  • Sử dụng đồng thời Nitromint với các thuốc trị tăng huyết áp, thuốc giãn mạch, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc an thần hoặc uống rượu có thể làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp của nitroglycerin;
  • Người bệnh trước đó đã sử dụng hợp chất nitrat hữu cơ (ví dụ isosorbid môn hoặc dinitrate) có thể cần dùng liều nitroglycerin cao hơn để đạt cùng hiệu quả. Nếu sử dụng đồng thời với dihydroergotamine, nitroglycerin làm tăng hàm lượng dihydroergotamine trong máu (tức là làm tăng tác dụng co mạch của dihydroergotamine – tăng huyết áp và gây thiếu máu cục bộ);
  • Dùng chung nitroglycerin với heparin sẽ làm giảm tác dụng của heparin;
  • Các thuốc ức chế phosphodiesterase (sildenafil, vardenafil, tadalafil) có thể cộng lực với tác dụng tăng huyết áp của nitrate nên nếu dùng phối hợp có thể dẫn tới biến chứng tim mạch, dẫn đến tử vong nên cần chống chỉ định kết hợp thuốc;
  • Thuốc nhuận tràng có thể rút ngắn thời gian trong ruột của viên nén giải phóng chậm Nitromint, từ đó làm giảm lượng hấp thu và nồng độ của nitroglycerin trong huyết tương.

Khi dùng thuốc Nitromint, người bệnh nên làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng, liều dùng. Trường hợp quên liều, quá liều, gặp tác dụng phụ,... bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để nhận lời khuyên phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe