Công dụng thuốc Naptogast 20

Thuốc Naptogast 20 thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp mắc chứng trào ngược dạ dày – thực quản, loét dạ dày tá tràng,... Để sử dụng thuốc Naptogast 20 đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng liều lượng và đúng thời gian quy định.

1. Naptogast 20 là thuốc gì?

Thuốc Naptogast 20 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được sử dụng chủ yếu để điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, loét đường tiêu hoá hoặc loét dạ dày tá tràng.

Hiện nay, thuốc Naptogast 20 được bào chế dưới dạng viên nang cứng và đóng gói theo quy cách hộp 2 vỉ x 6 viên hoặc hộp 2 vỉ x 7 viên. Trong mỗi viên nang Naptogast 20 có chứa hoạt chất chính là Pantoprazol (dưới dạng vi hạt bao tan trong ruột 8,5%) với hàm lượng 20mg cùng một số tá dược khác vừa đủ.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Naptogast 20

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Naptogast 20

Thuốc Naptogast 20 thường được bác sĩ chỉ định sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).
  • Điều trị tình trạng loét dạ dày tá tràng hoặc loét đường tiêu hoá.
  • Điều trị tình trạng tăng tiết axit bệnh lý, chẳng hạn như hội chứng Zollinger-Ellison.
  • Hỗ trợ phòng ngừa tình trạng loét dạ dày - tá tràng do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid.

2.2 Chống chỉ định dùng thuốc Naptogast 20

Không nên sử dụng thuốc Naptogast 20 cho các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn với Pantoprazol, dẫn xuất Benzimidazol khác (ví dụ Lansoprazol, Esomeprazol, Rabeprazole, Omeprazol) hay bất kỳ thành phần tá dược nào khác trong thuốc.
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Naptogast 20 cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Naptogast 20

3.1 Liều lượng dùng thuốc Naptogast 20 theo khuyến cáo

Liều lượng sử dụng thuốc Naptogast 20 sẽ được xác định cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, cụ thể:

Liều điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản (GERD):

  • Liều thông thường: Uống từ 20 – 40mg / lần / ngày, dùng trong vòng từ 4 – 8 tuần.
  • Liều duy trì: Uống từ 20 – 40mg / ngày.
  • Liều cho trường hợp tái phát bệnh: Uống 20mg / ngày.

Liều điều trị loét đường tiêu hoá:

  • Liều thông thường: Uống 40mg / lần / ngày, dùng trong vòng 3 – 4 tuần (trị loét tá tràng) hoặc từ 4 – 8 tuần (trị loét dạ dày lành tính).
  • Liều tiêu diệt Helicobacter pylori: Áp dụng phác đồ trị liệu phối hợp bộ 3 một tuần, gồm: Uống 40mg Pantoprazol x 2 lần / ngày cùng với 500mg Clarithromycin x 2 lần / ngày và 1g Amoxicillin x 2 lần / ngày hoặc 400mg Metronidazol x 2 lần / ngày.

Liều dự phòng tình trạng loét do dùng thuốc kháng viêm không steroid: Uống 20mg Pantoprazol / ngày.

Liều điều trị hội chứng Zollinger – Ellison: Uống liều ban đầu 80mg / ngày, có thể tăng lên tối đa 240mg / ngày. Nếu sử dụng > 80mg / ngày, người bệnh nên chia liều thành 2 lần / ngày.

Liều cho bệnh nhân suy gan: Dùng liều tối đa là 20mg Pantoprazol / ngày hoặc 40mg / ngày (dùng liều cách ngày).

Liều cho bệnh nhân suy thận: Uống liều tối đa 40mg / lần / ngày vào buổi sáng.

3.2. Hướng dẫn sử dụng đúng cách thuốc Naptogast 20

Thuốc Naptogast 20 được bào chế dưới dạng viên nang cứng nên được sử dụng bằng đường uống. Khi uống Naptogast 20, người bệnh nên nuốt trọn vẹn viên thuốc, tránh nhai hoặc nghiền nát thuốc, vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến công dụng của các hoạt chất trong thuốc.

Thời điểm tốt nhất mà bệnh nhân nên sử dụng thuốc Naptogast 20 là vào buổi sáng. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

4. Các tác dụng phụ có nguy cơ gặp phải khi dùng thuốc Naptogast 20

Dưới đây là một số tác dụng phụ ngoài ý muốn mà người bệnh có nguy cơ mắc phải trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc Naptogast 20, bao gồm:

  • Phản ứng phụ thường gặp: Đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, nổi mày đay và ban da.
  • Phản ứng phụ ít gặp: Choáng váng, suy nhược, chóng mặt, tăng enzym gan hoặc ngứa ngáy. .

Nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào được liệt kê ở trên xuất hiện trong hoặc sau khi sử dụng thuốc Naptogast 20, bệnh nhân cần ngừng điều trị và báo cho bác sĩ sớm nhất có thể để được điều trị thích hợp. Đa phần các tác dụng phụ do Naptogast 20 gây ra thường biến mất khi giảm liều hoặc ngưng sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ tiến triển một số tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được xử trí sớm.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Naptogast 20

5.1 Cần thận trọng gì khi điều trị bằng thuốc Naptogast 20?

Trong suốt thời gian sử dụng thuốc Naptogast 20, bệnh nhân cần lưu ý và thận trọng một số điều dưới đây:

  • Điều trị lâu dài với liều cao (trên 1 năm) bằng các thuốc ức chế bơm Proton như Pantoprazol có thể làm tăng nhẹ nguy cơ gặp phải tình trạng gãy xương cổ tay, hông và xương sống. Tỷ lệ rủi ro này thường gặp phải ở người bệnh cao tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ liên quan khác.
  • Việc sử dụng thuốc Naptogast 20 có thể làm tăng nguy cơ gãy xương từ 10 – 40%. Do đó, những bệnh nhân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương nên theo dõi sức khỏe định kỳ và bổ sung đầy đủ canxi cũng như vitamin D.
  • Đã có dữ liệu cho thấy việc điều trị bằng thuốc Naptogast 20 tối thiểu 3 tháng hoặc một năm có dấu hiệu hạ magnesi huyết nghiêm trọng. Một số triệu chứng cảnh báo tình trạng này, bao gồm co cứng cơ, mệt mỏi, choáng váng, co giật hoặc loạn nhịp thất. Nhìn chung, những bệnh nhân gặp tình trạng hạ magnesi huyết có thể cải thiện bằng cách bổ sung magnesi khi ngừng dùng thuốc Naptogast 20.
  • Trước khi bắt đầu điều trị lâu dài bằng thuốc Naptogast 20, người bệnh cần được đo nồng độ magnesi trong máu.
  • Thuốc Naptogast 20 có thể tác động đến hệ tiêu hoá, tuy nhiên nó không có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u dạ dày.
  • Trước khi điều trị bằng thuốc Naptogast 20, cần loại trừ nguy cơ loét đường tiêu hoá ác tính, bởi hoạt chất Pantoprazol trong thuốc có thể che dấu các triệu chứng ác tính và gây chẩn đoán muộn.
  • Khi điều trị bằng Pantoprazol đường uống đã ghi nhận sự gia tăng không đáng kể của ALT huyết thanh.
  • Hiện nay tính an toàn và mức độ hiệu quả của thuốc Naptogast 20 mang lại cho trẻ em dưới 18 tuổi vẫn chưa được xác định cụ thể. Do đó, không nên dùng Naptogast 20 cho đối tượng bệnh nhân này.
  • Tránh dùng thuốc Naptogast 20 cho thai phụ, trừ trường hợp thực sự cấp bách và cần thiết.
  • Thuốc Naptogast 20 có thể phân bố vào sữa mẹ, tốt nhất bà mẹ nuôi trẻ bú nên ngừng cho con bú hoặc ngừng sử dụng thuốc để không ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ.
  • Triệu chứng rối loạn thị giác hoặc choáng váng đã được ghi nhận ở những bệnh nhân điều trị bằng thuốc Naptogast 20. Những tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc điều khiến máy móc của người bệnh.

5.2 Thuốc Naptogast 20 có thể tương tác với thuốc nào?

Dưới đây là một số loại thuốc có thể xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với thuốc Naptogast 20, bao gồm:

  • Thuốc kháng Retrovirus ví dụ như Nelfinavir hoặc Atazanavir.
  • Thuốc chống đông máu làm tăng IRN cũng như thời gian Prothrombin, dẫn đến chảy máu bất thường hoặc nặng hơn là tử vong.
  • Một số loại thuốc được hấp thu dựa vào độ pH dạ dày, chẳng hạn như Este ampicillin, Ketoconazol, Mycophenolate mofetil (MMF), muối sắt, Atazanavir hoặc Erlotinib.
  • Thuốc chống thải ghép tạng.
  • Thuốc Methotrexate.
  • Nước ép hoa quả.

Trên đây là những lưu ý khi sử dụng thuốc Naptogast 20 việc nắm rõ công dụng, liều dùng sẽ giúp quá trình dùng thuốc trong điều trị đạt được kết quả cao và tốt hơn cho sức khỏe người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe