Mycorozan chứa thành phần chính là hoạt chất Ketoconazol 2g, thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu. Thuốc được bào chế cho người dùng ở dạng kem bôi da. Vậy thuốc Mycorozan có tác dụng gì và cách sử dụng thuốc như thế nào?
1. Tác dụng của thuốc Mycorozan
Mycorozan có hoạt tính chống nấm giúp ức chế sinh tổng hợp Ergosterol. Do đó, làm thay đổi tính thấm và chức năng của màng tế bào, có hiệu quả chống nấm mạnh đối với nấm da và nấm men, làm giảm rất nhanh triệu chứng ngứa.
Chỉ định dùng thuốc Mycorozan cho những trường hợp sau:
- Người nhiễm nấm ở da như: Nhiễm nấm ở thân (hắc lào, lác), nấm da đùi, nấm bẹn, nấm bàn chân, bàn tay.
- Điều trị cho người bị nhiễm nấm Candida, lang ben.
- Viêm da bã nhờn.
Lưu ý: Thuốc Mycorozan không được sử dụng cho những trường hợp quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong công thức.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Mycorozan
Liều lượng sử dụng thuốc Mycorozan được khuyến cáo như sau:
- Nấm Candida ở da, nấm da thân, nấm da đùi, nấm da chân, lang ben: Bôi 1 lần/ ngày trong 2 tuần.
- Viêm da bã nhờn: Bôi 2 lần/ngày trong 4 tuần hoặc cho đến khi khỏi bệnh.
Lưu ý: Sau khi các triệu chứng biến mất cần điều trị thêm ít nhất một vài ngày. Cùng với đó, cần sử dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh sạch sẽ ngăn ngừa nhiễm nấm tái phát.
Cách xử trí khi quá liều:
Một số triệu chứng khi dùng thuốc quá liều bao gồm: Trên da gây ban đỏ, phù và cảm giác nóng rát. Thông thường các triệu chứng này sẽ hết khi ngừng dùng thuốc. Nếu lỡ dùng quá liều hoặc nuốt phải và xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, cần đến ngay trung tâm y tế để được xử lý kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc Mycorozan
Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Mycorozan bao gồm:
Các triệu chứng thường gặp:
- Nổi bọng nước bỏng ở da;
- Ban đỏ, ngứa tại vị trí bôi;
Các triệu chứng ít gặp:
- Viêm da tiếp xúc, da nhờn;
- Phát ban, tróc da;
- Chảy máu, viêm da, khô da, khó chịu, kích ứng, dị cảm, phản ứng ngay tại vị trí bôi thuốc.
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường hay các tác dụng không mong muốn của thuốc, người dùng cần ngưng sử dụng, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được chẩn đoán tình trạng bệnh và được xử lý kịp thời.
4. Tương tác thuốc Mycorozan
Chưa có nghiên cứu về tương tác thuốc Mycorozan với các thuốc khác được thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất khi dùng, hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các loại thuốc, các sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang sử dụng và các bệnh khác đang mắc phải để được chẩn đoán và kê đơn phù hợp.
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Mycorozan
- Không để kem dính vào mắt.
- Nếu dùng đồng thời với 1 thuốc Corticosteroid, để ngăn chặn hiện tượng dội ngược xảy ra khi ngừng sử dụng Corticosteroid bôi tại chỗ sau một thời gian dài điều trị, có thể bôi Ketoconazole vào buổi tối và tiếp tục bôi Corticosteroid loại nhẹ vào buổi sáng. Sau đó có thể giảm dần liều Corticosteroid rồi dừng hẳn trong vòng 2 – 3 tuần.
- Có thể xảy ra hiện tượng sưng nề da Propylen glycol hay phản ứng viêm da tại chỗ do Cetyl stearyl alcohol trong tá dược gây ra.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú: cần thận trọng khi dùng thuốc và phải có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Mycorozan. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo hiệu quả điều trị.