Thuốc Mibeserc chứa hoạt chất Betahistidine dihydroclorid được chỉ định trong điều trị triệu chứng chóng mặt, hội chứng Meniere, ù tai, chóng mặt do tiền đình,... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Mibeserc qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Mibeserc
1.1. Chỉ định dùng thuốc Mibeserc
Thuốc Mibeserc chứa hoạt chất Betahistidine được bào chế dưới hai hàm lượng là Mibeserc 8mg và Mibeserc 16mg. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Chóng mặt, hoa mắt chóng mặt kèm theo buồn nôn.
- Mất thính giác, nghe khó.
- Ù tai (âm thanh bên trong tai không tương ứng so với bên ngoài).
- Điều trị triệu chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình.
1.2. Dược lực học
Hoạt chất Betahistidine tác dụng chủ vận trên recepter H1, đối kháng trên recetor H3 và không có hoạt tính trên receptor H2. Thuốc làm giãn cơ vòng tiền mao mạch, tăng lưu lượng máu đến vùng ốc tai và toàn bộ não. Betahistidine giúp kiểm soát tính thấm mao mạch của tai trong, từ đó giúp loại trừ sự tích tụ nội dịch bạch huyết tại tai trong. Vì vậy trên lâm sàng thuốc có hiệu quả trong điều trị hoa mắt, chóng mặt.
1.3. Dược động học
Betahistidine được hấp thụ nhanh chóng và hoàn toàn sau khi uống. Thuốc được thải trừ trong vòng 24h qua đường nước tiểu dưới dạng acid 2 – pyridylacetic, hầu như không xuất hiện Betahistidine dạng nguyên vẹn trong nước tiểu.
2. Liều dùng thuốc Mibeserc
Thuốc Mibeserc 16 mg thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc Mibeserc khi chưa có đơn của bác sĩ. Một số khuyến cáo về liều dùng thuốc như sau:
- Người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo là 24 – 48mg/ ngày chia làm nhiều lần uống, mỗi lần dùng 1/2 - 1 viên thuốc Mibeserc 16mg x 3 lần/ ngày. Liều thuốc duy trì được điều chỉnh phụ thuộc vào đáp ứng của từng người bệnh. Hầu hết các triệu chứng được cải thiện sau 2 tuần dùng thuốc, hiệu quả đạt tối đa sau vài tháng điều trị.
- Trẻ em: Thuốc Mibeserc không được khuyến cáo dùng ở trẻ em dưới 18 tuổi do chưa có dữ liệu về hiệu lực, độ an toàn.
- Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều thuốc Mibeserc ở người cao tuổi.
- Người bệnh suy gan, suy thận: Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể trên nhóm người bệnh này, việc hiệu chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy thận, suy gan phụ thuộc vào tình trạng người bệnh.
3. Tác dụng phụ
Thuốc Mibeserc có thể gây ra một số tác dụng phụ sau:
- Trên hệ tiêu hóa: Thường gặp khó tiêu và nôn (chứng khó tiêu). Ngoài ra người bệnh có thể gặp triệu chứng đau dạ dày (nôn, đau dạ dày, sưng phồng vùng dạ dày – ruột). Các tác dụng bất thường này có thể mất đi khi giảm liều thuốc hoặc uống thuốc sau bữa ăn.
- Trên hệ thần kinh: Đau đầu.
- Trên hệ miễn dịch: Dị ứng, phản ứng quá mẫn nghiêm trọng như sưng tấy vùng mặt, cổ, khó thở, hoa mắt chóng mặt.
- Trên da, mô mỡ: Trong một số trường hợp rất hiếm có thể gặp phản ứng quá mẫn ở da như sưng đột ngột ở tay chân, cổ, phát ban, mày đay và ngứa.
4. Lưu ý khi sử dụng
- Chống chỉ định sử dụng Mibeserc ở người bệnh mẫn cảm với Betahistidine hoặc mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người bệnh bị u tuyến thượng thận, u tế bào ưa crom.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh hen phế quản, người bệnh có tiền sử bị viêm loét dạ dày hoặc đang bị viêm loét dạ dày.
- Lưu ý đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của Betahistidine đối với phụ nữ đang mang thai. Vì vậy để đảm bảo an toàn, thuốc Mibeserc không được sử dụng trong điều trị ở phụ nữ đang mang thai.
- Lưu ý đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Betahistin. Vì vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc ở đối tượng này.
5. Tương tác thuốc
Thuốc Mibeserc có thể gây ra một số tương tác sau:
- Thuốc ức chế men MAO, thuốc điều trị trầm cảm làm tăng tác dụng của Betahistidin.
- Cấu trúc của Betahistidine và histamin tương tự nhau nên có thể xảy ra tương tác làm ảnh hưởng đến hiệu quả của một trong hai thuốc này.
Thuốc Mibeserc thuộc nhóm thuốc kê đơn được sử dụng trong điều trị các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai... Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuân thủ đúng liệu trình và liều dùng thuốc để đạt được hiệu quả điều trị cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.