Metadroxyl là thuốc được chỉ định trong điều trị dự phòng và khắc phục những tác hại của rượu và các loại đồ uống có cồn đối với sức khỏe như ngộ độc rượu, bia cấp tính hoặc mãn tính. Bên cạnh đó, nếu biết cách sử dụng hợp lý, thuốc còn phát huy tốt hiệu quả trong điều trị các bệnh gan gây ra do rượu.
1. Metadroxyl là thuốc gì?
Thuốc Metadroxyl có chứa thành phần chính là hoạt chất Metadoxine. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng đây là thành phần có khả năng làm giảm đáng kể thời gian bán hủy của Ethanol ở những bệnh nhân bị say rượu nặng. Từ đây, thuốc góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu cùng acetaldehyde trở thành ketone và hỗ trợ cải thiện độ thanh thải nước tiểu.
Ngoài ra, Metadroxyl còn có khả năng cải thiện chỉ số sinh hóa của gan, hỗ trợ phục hồi chức năng gan và kiểm soát tối ưu bệnh gan nhiễm mỡ.
Đặc biệt trong một số cuộc khảo sát được thực hiện trước đây, Metadroxyl cũng được chứng minh về khả năng làm giảm cơn thèm rượu, mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc chứng nghiện rượu kinh niên.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Metadroxyl
2.1. Chỉ định
Metadroxyl được sử dụng trong điều trị dự phòng và hạn chế các tác hại gây ra bởi rượu ở người bị ngộ độc bia rượu cấp tính, mãn tính, nghiện rượu kinh niên.
Hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến gan như xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ và các bệnh khác liên quan đến việc sử dụng rượu.
2.2. Chống chỉ định
Metadroxyl chống chỉ định đối với những bệnh nhân quá mẫn với các thành phần của thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng Metadroxyl
Tùy vào vấn đề cần khắc phục mà liều dùng Metadroxyl sẽ có những sự khác biệt nhất định, cụ thể:
- Dự phòng và hạn chế ngộ độc rượu: Sử dụng 1 viên Metadroxyl trước khi uống rượu từ 30 phút – 1 giờ hoặc dùng 2 viên ngay sau khi uống rượu để ngăn ngừa ngộ độc rượu có thể xảy ra.
- Điều trị các bệnh về gan: Sử dụng với liều 1 viên x 2 lần uống mỗi ngày. Để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần duy trì liều lượng trên trong thời gian từ 30 đến 90 ngày.
- Với những trường hợp khác: Sử dụng với liều 1 viên x 2 lần uống vào mỗi ngày.
Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu uống thuốc 2 lần vào mỗi ngày, người dùng nên giãn cách thời gian sử dụng trong khoảng thời gian 12 tiếng.
Ngoài ra, thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo nên người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn về cách sử dụng thuốc. Điều này giúp tránh rủi ro có thể xảy ra và làm tăng hiệu quả sử dụng thuốc.
4. Tác dụng phụ thuốc Metadroxyl
Thực tế cho thấy thuốc Metadroxyl ít khi gây ra các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Một vài tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình sử dụng loại thuốc này có thể kể đến như:
- Dị ứng, buồn nôn, nôn hoặc phát ban trên da.
- Táo bón, đau bụng, đôi khi kèm tiêu chảy.
Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Metadroxyl, người bệnh hãy ngưng sử dụng và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị kịp thời.
5. Tương tác thuốc Metadroxyl
Thuốc Metadroxyl có nguy cơ tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson như L-Dopa. Do đó, nếu đang sử dụng các loại thuốc này, hãy tham khảo bác sĩ để đảm bảo được tính hiệu quả khi sử dụng thuốc.
6. Thận trọng thuốc Metadroxyl
Thận trọng khi dùng Metadroxyl cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Với những người đang gặp các vấn đề liên quan đến nhiễm độc rượu cấp tính, gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh gan cấp tính và mãn tính, Metadroxyl là thuốc được sử dụng vô cùng phổ biến. Các bạn hãy tham khảo những thông tin trên để hiểu rõ hơn về loại thuốc này và sử dụng sao cho phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.