Thuốc Melevo có thành phần chính là Levofloxacin và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Thuốc được sử dụng để điều trị tại chỗ cho những nhiễm trùng ở những cấu trúc ngoài của mắt và vùng phụ cận nguyên nhân do những vi khuẩn nhạy cảm với Levofloxacin. Cụ thể, thuốc có tác dụng điều trị viêm kết mạc, viêm mí mắt, viêm giác mạc, lẹo mắt; phòng và điều trị những nhiễm trùng sau điều trị phẫu thuật mắt.
1. Thuốc Melevo là thuốc gì?
Thuốc Melevo được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt, dung dịch trong, không màu đến màu vàng nhạt. Hộp 1 lọ 5ml.
Nhóm thuốc: Thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm và kháng virus.
Dạng bào chế: Dạng dung dịch thuốc nhỏ mắt.
Quy cách đóng gói: Hộp gồm 1 lọ 5 ml.
Thành phần: Mỗi lọ thuốc 5ml chứa thành phần hoạt chất chính là Levofloxacin dưới dạng Levofloxacin hemihydrate hàm lượng 25mg.
1.1. Dược lực học của dược chất
Dược chất Levofloxacin là một kháng sinh thuộc nhóm Quinolon là đồng phân tả truyền của Ofloxacin có hoạt lực mạnh gấp hàng chục đến hàng trăm lần detrofloxacin, tùy theo từng loại vi khuẩn khác nhau.
Cơ chế tác dụng của hoạt chất Levofloxacin và các kháng sinh Fluroquinolon khác là ức chế topoisomerase IV và DNA gyrase (cả hai đều là topoisomerase type II), enzym cần thiết cho quá trình tổng hợp, sao thép và tái tổ hợp ADN của vi khuẩn.
Trên in vitro, hoạt chất Levofloxacin có phổ tác dụng rộng đối với chủng vi khuẩn Gram dương và Gram âm, nồng độ thuốc có tác dụng diệt khuẩn tương đương hoặc cao hơn so với nồng độ ức chế của các loại vi khuẩn.
Các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thuốc như sua:
- Các vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Staphylococcus aureus, Enterococcus faecalis, S. pneumoniae, Streptococcus pyogenes...
- Các vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Escherichia coli, Proteus mirabilis, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae, Enterobacter cloacae, Legionella pretrophila, Moraxella catarrhalis, Pseudomonas aeruginosa...
- Các vi khuẩn khác: Mycoplasma pneumoniae và Chlamydia pneumoniae.
1.2. Dược động học của dược chất
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về mức độ hấp thu toàn thân từ dung dịch nhỏ mắt Levofloxacin. Tuy nhiên, khả năng hấp thu toàn thân có thể xảy ra với thuốc Melevo dùng cho mắt. Nếu liều lượng tối đa của thuốc Melevo được đưa ra trong 48 giờ đầu (2 giọt vào mỗi mắt mỗi 2 giờ) hấp thu toàn thân xảy ra là rất khó.
1.3. Tác dụng của hoạt chất
- Hoạt chất Levofloxacin là một kháng sinh tổng hợp thuộc nhóm Quinolon, đồng phân của Ofloxacin và có hoạt lực mạnh hơn so với Ofloxacin.
- Cơ chế tác dụng của hoạt chất Levofloxacin là ức chế tổng hợp ADN nên ngăn chặn các quá trình nhân đôi, sao chép, sửa chữa, hồi phục và tái kết hợp ADN của vi khuẩn.
- Trên in vitro, hoạt chất Levofloxacin có phổ tác dụng rộng đối với nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương, nồng độ thuốc có tác dụng diệt khuẩn tương đương hoặc cao hơn chút ít so với nồng độ ức chế các loại vi khuẩn, thường không có đề kháng chéo giữa Levofloxacin và các kháng sinh khác trong nhóm.
2. Thuốc Melevo điều trị bệnh gì?
Thuốc Melevo được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Điều trị tại chỗ cho những nhiễm trùng ở những cấu trúc ngoài của mắt và vùng phụ cận do những vi khuẩn nhạy cảm với Levofloxacin, cụ thể như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt hay lẹo mắt.
- Dự phòng và điều trị các nhiễm trùng sau phẫu thuật mắt.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Melevo
3.1. Cách sử dụng thuốc Melevo
Thuốc Melevo được sử dụng dưới dạng thuốc nhỏ mắt.
3.2. Liều dùng của thuốc Melevo
- Ngày thứ 1 và ngày thứ 2: Nhỏ từ 1 đến 2 giọt x 2 giờ/ lần, nhỏ không quá 8 lần/ ngày.
- Ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Nhỏ từ 1 đến 2 giọt x 4 giờ/ lần, nhỏ không quá 4 lần/ ngày.
- Đậy nắp sau khi sử dụng. Sử dụng thuốc Melevo trong thời gian 30 ngày sau khi mở nắp lần đầu.
Chú ý: Liều điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều điều trị cụ thể còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ nặng của bệnh với từng người. Để có liều điều trị phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên viên y tế.
4. Trường hợp quá/ quên liều điều trị
- Trong trường hợp quá liều: Sử dụng quá liều thuốc nhỏ mắt có chứa hoạt chất Levofloxacin hiếm khi xảy ra. Triệu chứng quá liều tương tự như những tác dụng không mong muốn của thuốc. Trường hợp quá liều, bác sĩ sẽ chỉ định cần rửa sạch mắt bằng nước ấm.
- Trường hợp quên liều: Nếu bạn quên một liều thuốc, bạn cần cố gắng sử dụng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian nhỏ mắt gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng bạn không nên nhỏ thuốc với lượng gấp đôi liều đã quy định.
5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Melevo
Khi sử dụng thuốc Melevo, bạn có thể gặp những tác dụng không mong muốn, bao gồm:
- Giảm thị lực tạm thời, cảm giác rất mất thoáng qua, đau nhức mắt, khó chịu, ngứa rát, đỏ mắt hoặc sưng mắt, mí mắt, chảy nước mắt, cảm giác cộm mắt, khô mắt và tăng nhạy cảm với ánh sáng.
- Sốt, đau nhức nặng đầu, viêm họng.
Hướng dẫn cách xử trí tác dụng không mong muốn: Nếu có bất kỳ triệu chứng như trên sau khi điều trị với thuốc Melevo, điều cần làm là bạn ngưng sử dụng thuốc. Bạn cũng nên chủ động thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
6. Tương tác của thuốc Melevo
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về tương tác thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần Levofloxacin. Nồng độ định của Levofloxacin trong huyết tương sau khi nhỏ mắt thấp hơn 1000 lần so với khi uống, do đó tương tác khi dùng thuốc theo đường toàn thân không có ý nghĩa khi sử dụng thuốc Melevo nhỏ mắt. Nếu sử dụng đồng thời với các thuốc nhỏ mắt khác, bạn nên nhỏ 2 loại cách nhau ít nhất 15 phút.
7. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Melevo
Trước khi sử dụng thuốc Melevo bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.
7.1. Chống chỉ định của thuốc
Thuốc Melevo chống chỉ định trong các trường hợp như sau:
- Người có tiền sử nhạy cảm hay mẫn cảm với thành phần Levofloxacin, các kháng sinh nhóm Quinolon khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Không tiêm thuốc vào mắt.
- Không tiêm thuốc dưới kết mạc, không để thuốc tiếp xúc với khu vực tiền phòng của mắt.
7.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc
- Với chế phẩm kháng sinh khác, sử dụng kéo dài có thể dẫn đến phát triển quá mức của các vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả vi nấm. Nếu có bội nhiễm, nên bắt đầu điều trị thích hợp khi thuốc cần kê đơn nhiều lần hay bất cứ khi nào khám lâm sàng thấy cần, bạn nên được khám với sự hỗ trợ của các dụng cụ phóng đại như đèn khe và khi cần tiền nhuộm huỳnh quang.
- Bạn không nên đeo kính áp tròng nếu có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc nguyên nhân do vi khuẩn.
- Sử dụng thuốc đối với trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả đối với trẻ em dưới 1 tuổi chưa được xác định.
- Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Sau khi dùng thuốc Melevo tầm nhìn có thể tạm thời không ổn định. Bạn không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ hoạt động yêu cầu phải có tầm nhìn rõ ràng, cho đến khi bạn chắc chắn có thể thực hiện các hoạt động này một cách an toàn.
- Thời kỳ mang thai: Chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt Melevo trong thời kỳ thai nghén sau khi đã được bác sĩ cân nhắc về khả năng có lợi nhiều hơn nguy cơ đối với thai.
- Thời kỳ cho con bú: Hoạt chất Levofloxacin không xác định được có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, bạn nên tạm thời ngưng nuôi con bú khi sử dụng thuốc Melevo hoặc đổi thuốc khác.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Melevo. Để đảm bảo an toàn thì bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.