Mebisulfatrim là thuốc kháng sinh phối hợp có phổ kháng khuẩn rộng trên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Vậy công dụng của thuốc và những điểm cần lưu ý để sử dụng thuốc hiệu quả là gì?
1. Mebisulfatrim là thuốc gì?
- Mebisulfatrim có thành phần chính bao gồm Sulfamethoxazole và Trimethoprim.
- Thành phần Sulfamethoxazole - là một sulfonamide tan trong lipid, có tác dụng kìm hãm sự phát triển vi khuẩn khuẩn bằng cách ức chế sự tạo thành dihydrofolic acid của vi khuẩn.
- Thành phần Trimethoprim - là một diaminopyrimidin có tác dụng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn tùy theo môi trường phát triển của vi khuẩn. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym dihydrofolat-reductase, ngăn cản sự biến đổi acid dihydrofolic của vi khuẩn thành acid tetrahydrofolic, từ đó ngăn cản sự tổng hợp ADN của vi khuẩn.
- Phối hợp cả hai thành phần Sulfamethoxazole và Trimethoprim trong thuốc Mebisulfatrim tạo sự ức chế 2 bước liên tiếp trong chuyển hoá acid folic của vi khuẩn, tăng tác dụng kháng khuẩn. Cơ chế hiệp đồng khi phối hợp còn chống lại sự phát triển của vi khuẩn kháng lại từng thành phần thuốc.
- Mebisulfatrim nhạy cảm với nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương như: Staphylococcus aureus, S. Pneumoniae, Staphylococcus saprophyticus, Streptococcus pyogenes, Haemophilus influenzae, Klebsiella oxytoca, Moraxella catarrhalis, E. coli, Morganella morganii,...
- Thuốc hấp thu nhanh qua đường uống, liên kết với protein huyết tương 50%, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1 - 4 giờ. Thuốc qua được nhau thai, hàng rào máu não và sữa mẹ. Cuối cùng thải trừ qua phân dưới dạng không đổi.
2. Chỉ định của thuốc Mebisulfatrim
Thuốc Mebisulfatrim được chỉ định điều trị trong các trường hợp nhiễm khuẩn sau:
- Nhiễm lậu cầu không có biến chứng.
- Bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu cấp và mạn tính.
- Viêm phổi do vi khuẩn Pneumocystis carinii.
- Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới: Viêm phế quản, viêm xoang má, viêm họng, viêm tai giữa,...
- Lỵ trực khuẩn.
3. Chống chỉ định của thuốc Mebisulfatrim
Mebisulfatrim không được sử dụng trong các trường hợp sau
- Dị ứng với thành phần Sulfonamide, Trimethoprim hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân suy gan và suy thận mức độ trung bình đến nặng.
- Thuốc qua được nhau thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai vì vậy phụ nữ có thai đặc biệt 3 tháng đầu thai kỳ không dùng thuốc.
- Bệnh nhân thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic, giảm tiểu cầu, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính.
- Trẻ em dưới 2 tháng tuổi không có chỉ định dùng thuốc Mebisulfatrim.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Mebisulfatrim
- Người già, bệnh nhân suy chức năng thận, bệnh nhân suy chức năng gan, rối loạn các dòng tế bào máu nên theo dõi cẩn thận suốt quá trình dùng thuốc.
- Thuốc qua được sữa mẹ và chưa nghiên cứu được tính an toàn cho trẻ em nên phụ nữ đang cho con bú nên cân nhắc khi dùng thuốc.
- Bệnh nhân nhiễm HIV khi dùng thuốc có thể làm tăng tỉ lệ xuất hiện các tác dụng phụ như phản ứng về da, sốt, các rối loạn huyết học.
- Bệnh nhân thiếu hụt folate cần theo dõi cẩn thận do nguy cơ tăng rối loạn huyết học khi dùng liều cao Mebisulfatrim kéo dài.
4. Tương tác thuốc của Mebisulfatrim
- Dùng phối hợp Mebisulfatrim với các thuốc lợi tiểu (đặc biệt là nhóm thiazid), Digoxin, Cyclosporin làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu, tăng độc tính trên thận ở người già.
- Mebisulfatrim làm giảm đào thải, tăng tác dụng của các thuốc methotrexate, Indomethacin khi dùng chung.
- Phối hợp với Pyrimethamine làm tăng nguy cơ mắc chứng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
- Mebisulfatrim làm kéo dài thời gian prothrombin khi sử dụng chung với Warfarin, giảm hiệu quả của các thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc tránh thai.
- Các thuốc Amantadine, Zidovudine, Azathioprine, Rifampicin, Procainamide khi dùng chung với Mebisulfatrim có thể tăng nồng độ của cả hai trong huyết tương từ đó tăng nguy cơ độc cho tế bào.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Mebisulfatrim được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Uống trực tiếp với nước, tránh nghiền nát, bẻ vụn viên thuốc.
- Sử dụng thuốc liên tục từ 5 - 10 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng:
- Bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu: Uống 1 - 2 viên (480mg)/ lần x ngày 2 lần.
- Bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp: Uống 1 - 2 viên (480mg)/ lần, ngày 2 - 3 lần.
- Lỵ trực khuẩn: Uống 1 - 2 viên (480mg)/ lần x ngày 2 lần.
6. Tác dụng phụ của thuốc Mebisulfatrim
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Mebisulfatrim
- Tác dụng phụ thường gặp:
- Sốt.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Ngứa, phát ban.
- Viêm lưỡi.
- Tác dụng phụ ít gặp
- Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính.
- Ban xuất huyết, nổi mày đay.
- Tăng men gan.
- Tác dụng phụ hiếm gặp
- Ù tai.
- Hồng ban đa dạng.
- Hội chứng Stevens – Johnson.
- Hội chứng Lyell.
- Thiếu máu tan huyết.
- Phản ứng phản vệ.
- Viêm màng não.
Tóm lại, Mebisulfatrim là một loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng, được kê đơn bắt buộc bởi bác sĩ trong các bệnh lý nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục,... Thuốc gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cho cơ thể khi sử dụng sai chỉ định, vì vậy không lạm dụng thuốc khi không cần thiết.