Thuốc Lorafast chứa thành phần chính là Loratadin được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 10mg. Hoạt chất này thuộc nhóm kháng histamin thế hệ thứ hai thường được chỉ định trong các bệnh lý liên quan đến dị ứng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích về thuốc Lorafast.
1. Lorafast là thuốc gì?
Hoạt chất Loratadin có trong Lorafast là chất đối kháng chọn lọc với thụ thể H1 ở ngoại vi. Khác với các thuốc nhóm kháng histamin thế hệ thứ nhất, Loratadin thuộc thế hệ thứ hai nên không có tác dụng an thần.
Thuốc Lorafast thường được dùng để giảm các triệu chứng dị cảm do quá trình giải phóng histamin gây ra như viêm mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi trong bệnh lý viêm mũi dị ứng; ngứa kết mạc, chảy nước mắt trong bệnh lý viêm kết mạc dị ứng; ngứa, phát ban trong bệnh mề đay. Tuy nhiên, loratadin không có tác dụng trong các trưởng hợp giải phóng histamin nặng như sốc phản vệ.
Tác dụng của Lorafast chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng chứ không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây bệnh. Do đó, trong việc điều trị các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng bệnh nhân cần sử dụng phối hợp Lorafast với các thuốc khác theo phác đồ hoặc chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
2. Liều dùng và cách dùng Lorafast
Lorafast được dùng theo đường uống với liều khuyến cáo như sau:
- Đối với người từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 10mg/ ngày
- Đối với trẻ từ 2 đến 12 tuổi, nếu có cân nặng trên 30kg thì dùng liều như người lớn. Nếu cân nặng trẻ dưới 30mg thì dùng liều 5mg/ ngày.
- Việc sử dụng Lorafast cho trẻ dưới 2 tuổi chưa chứng minh được độ an toàn.
- Bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút: Dùng Lorafast với liều 10mg/ ngày, 2 ngày dùng 1 lần.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Lorafast
Bệnh nhân sử dụng Lorafast dài ngày có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Khô miệng
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Hắt hơi, khô niêm mạc mũi
- Nhịp tim nhanh
- Chức năng gan bất thường
- Rối loạn kinh nguyệt
Để tránh các tác dụng không đáng có, bệnh nhân nên khởi đầu bằng liều Lorafast thấp nhất có hiệu quả. Nếu gặp phải các triệu chứng kể trên, bệnh nhân có thể ngưng thuốc và đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
4. Quá liều Lorafast và cách xử trí
Nếu sử dụng Lorafast với liều 40 - 180mg, bệnh nhân có nguy cơ đối với quá liều Loratadin với các triệu chứng điển hình như:
- Ở người lớn: Nhức đầu, tim đập nhanh, lờ đờ buồn ngủ
- Ở trẻ em: Đánh trống ngực, biểu hiện ngoại tháp
Trong trường hợp này, nên đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Cách xử trí phổ biến là gây nôn hoặc súc rửa dạ dày cho bệnh nhân để hạn chế quá trình hấp thu loratadin vào cơ thể.
5. Tương tác thuốc của Lorafast
Lorafast được ghi nhận có tương tác thuốc với các thuốc sau:
- Thuốc có khả năng ức chế CYP450, CYP3A4 và CYP2D6 như: erythromycin, quinidin, ketoconazol, fluconazol, cimetidin. Các thuốc này sẽ làm tăng nồng độ loratadin trong huyết tương lên từ 40% đến 60%.
- Thuốc ức chế MAO: Kết hơp Lorafast với các thuốc này có khả năng gây ảnh hưởng đến huyết áp của bệnh nhân.