Thuốc Levocarnitine được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang, hỗn dịch uống hoặc dung dịch thuốc tiêm, có thành phần chính là Levocarnitine. Thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu carnitine toàn thân.
1. Công dụng của thuốc Levocarnitine
Thuốc Levocarnitine được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang 150mg, 300mg; hỗn dịch uống 30%; tiêm tĩnh mạch 200mg/ml (5ml); thậm chí cả hàm lượng Levocarnitine 1000mg.
Levocarnitine là chất dinh dưỡng tự nhiên, có vai trò thiết yếu trong chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Levocarnitine giúp vận chuyển các acid béo đi vào nhà máy năng lượng của tế bào, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình oxy hóa các acid béo, tạo ra nguồn năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Thành phần này rất quan trọng đối với việc cung cấp năng lượng cho nhiều cơ quan trong cơ thể gồm: tim, cơ, gan, các tế bào miễn dịch. Nếu không có Levocarnitine thì các acid béo không thể được đưa tới nơi sản xuất năng lượng, khiến cơ thể bị thiếu năng lượng, chất béo trở nên dư thừa và bị tích tụ lại.
Chỉ định sử dụng thuốc Levocarnitine:
- Điều trị cho tình trạng thiếu carnitine toàn thân (nguyên phát hoặc thứ phát);
- Điều trị cấp tính hoặc mạn tính ở những bệnh nhân bị thiếu hụt carnitine thứ phát do nguyên nhân chuyển hóa bẩm sinh;
- Điều trị thiếu hụt carnitine ở người bệnh mắc bệnh thận giai đoạn cuối cần lọc máu (rối loạn carnitine liên quan tới lọc máu).
Chống chỉ định sử dụng thuốc Levocarnitine:
- Người quá mẫn cảm với hoạt chất, thành phần của thuốc.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Levocarnitine
Ở người lớn:
- Dạng viên nén: Dùng 990mg x 2 - 3 lần/ngày tùy theo đáp ứng lâm sàng;
- Dạng hỗn dịch uống: Ban đầu dùng 1g mỗi ngày, chia làm 2 - 3 lần (mỗi liều dùng cách nhau 3 - 4 giờ). Sau đó, nên tăng liều từ từ trong khi đánh giá về khả năng dung nạp và đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Phạm vi liều dùng khuyến cáo cho người bệnh 50kg là 1 - 3g/ngày, chia làm 2 - 3 lần (mỗi liều sử dụng cách nhau 3 - 4 giờ);
- Dạng tiêm truyền:
- Dùng liều bolus trong 2 - 3 phút hoặc truyền. Liều dùng nên sử dụng sau mỗi 3 - 4 giờ, không bao giờ ít hơn 6 giờ/lần (ví dụ 4 liều/ngày);
- Bệnh nhân thẩm phân máu: Dùng 1 liều bolus trong 2 - 3 phút vào đường trở về tĩnh mạch sau mỗi lần thực hiện thẩm phân máu.
Ở trẻ em:
- Dạng uống: Với trẻ em dưới 18 tuổi, ban đầu dùng liều 50mg/kg/ngày, chia làm 2 - 3 lần (dùng mỗi liều cách nhau từ 3 - 4 giờ), tăng liều dần dần trong khi thực hiện đánh giá sự dung nạp và đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Phạm vi liều dùng là 50 - 100mg/kg/ngày, tổng liều tối đa là 3g/ngày. Liều dùng chính xác sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Thận trọng khi tăng liều Levocarnitine, chỉ khi các cân nhắc về lâm sàng/cận lâm sàng cho thấy việc tăng liều sẽ có lợi;
- Dạng tiêm:
- Thiếu carnitine: Có thể không pha loãng (200mg/mL) khi tiêm đường tĩnh mạch trong 2 - 3 phút hoặc pha loãng hơn nữa, dùng như truyền IV;
- Bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối khi chạy thận nhân tạo: Có thể không pha loãng (200mg/mL) khi tiêm đẩy vào đường trở về của tĩnh mạch trong 2 - 3 phút;
- Độc tính của Acid Valproic: Có thể truyền tĩnh mạch không pha loãng (200mg/mL) trong 2 - 3 phút hoặc pha loãng hơn nữa truyền IV.
Ở đối tượng khác:
- Bệnh nhân suy thận: Không cần thay đổi liều lượng. Tuy nhiên, hiệu quả và độ an toàn của carnitine đường uống chưa được đánh giá ở người bệnh suy thận. Việc sử dụng thuốc liều cao đường uống cho người bệnh suy giảm chức năng thận nghiêm trọng hoặc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối đang lọc máu có thể dẫn tới nguy cơ tích tụ các chất chuyển hóa có khả năng gây độc;
- Bệnh nhân suy gan: Không cần thay đổi liều lượng.
Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Levocarnitine, người bệnh nên dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch.
Quá liều: Không có báo cáo về độc tính do sử dụng Levocarnitine quá liều. Nếu có triệu chứng, người bệnh sẽ được điều trị bằng chăm sóc hỗ trợ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Levocarnitine
Khi sử dụng thuốc Levocarnitine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Buồn nôn và ói mửa thoáng qua, tiêu chảy, đau quặn bụng, mồ hôi có mùi tanh. Người bệnh chạy thận nhân tạo mãn tính có thể bị đau đầu, tiêu chảy, phản ứng tại chỗ tiêm, hội chứng cúm, viêm họng, nôn, đau bụng, tăng huyết áp, nhiễm trùng, chóng mặt, hạ huyết áp, đau ngực, ho nhiều, tăng calci huyết, chấn thương do tai nạn;
- Ít gặp: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, phù ngoại vi, bệnh mạch máu, ECG bất thường, rung nhĩ, lệ thuộc thuốc, chóng mặt, trầm cảm, phát ban da, giảm cân, rối loạn tuyến cận giáp, tăng cân, rối loạn tiêu hóa, đại tiện phân đen, chán ăn, xuất huyết, phản ứng quá mẫn, giảm thị lực, bệnh ở mắt, suy thận, viêm phế quản,...;
- Hiếm gặp: Phản vệ, đau quặn bụng, co thắt phế quản, phù mặt, phù thanh quản, co giật, mày đay, nhược cơ (bệnh nhân tăng ure huyết).
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Levocarnitine
Trước và trong khi sử dụng thuốc Levocarnitine, người bệnh cần lưu ý:
- Sử dụng Levocarnitine cho người bệnh tiểu đường đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết (dạng uống) hoặc insulin có thể dẫn tới hạ đường huyết. Nên theo dõi nồng độ đường huyết ở các đối tượng này để điều chỉnh ngay khi cần;
- Với dạng bào chế dung dịch uống 30%, thuốc Levocarnitine có chứa đường sucrose. Điều này cần được xem xét cho người bệnh tiểu đường hoặc người đang theo chế độ ăn kiêng giảm calo;
- Tính an toàn và hiệu quả của Levocarnitine đường uống chưa được đánh giá ở người bệnh suy thận. Sử dụng mãn tính Levocarnitine đường uống ở người có chức năng thận bị tổn thương nghiêm trọng hoặc người bệnh thận giai đoạn cuối đang lọc máu có thể dẫn tới tích tụ các chất chuyển hóa có khả năng gây độc, trimethylamine và trimethylamine-N-oxide (do các chất chuyển hóa này được bài tiết qua nước tiểu);
- Người có các vấn đề di truyền hiếm gặp như kém hấp thu glucose - galactose, không dung nạp fructose hoặc suy sucrase-isomaltase không nên sử dụng thuốc Levocarnitine;
- Rất hiếm có báo cáo về INR tăng lên ở người bệnh được điều trị đồng thời với Levocarnitine và thuốc coumarinic;
- Không có kinh nghiệm sử dụng thuốc Levocarnitine ở phụ nữ mang thai bị thiếu hụt carnitine toàn thân nguyên phát;
- Việc bổ sung Levocarnitine cho các bà mẹ cho con bú chưa được nghiên cứu;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Levocarnitine ở người lái xe, vận hành máy móc.
5. Tương tác thuốc Levocarnitine
Tương tác thuốc có thể thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc làm gia tăng ảnh hưởng của tác dụng phụ. Một số tương tác thuốc của Levocarnitine là: Levocarnitine có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của thuốc kháng vitamin K (ví dụ warfarin).
Thuốc Levocarnitine là chất hỗ trợ dinh dưỡng, sử dụng để ngăn ngừa, điều trị tình trạng carnitine trong máu thấp. Khi dùng thuốc, người bệnh nên làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ đối diện với các tác dụng phụ nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.