Levaster 10 nằm trong danh sách thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới. Levaster 10 có thành phần chính thuộc nhóm thuốc Statin, được sử dụng để ngăn ngừa bệnh tim mạch ở những người có nguy cơ cao và điều trị nồng độ lipid bất thường.
1. Levaster 10 là thuốc gì?
Thuốc Levaster 10 có thành phần là chính Atorvastatin calcium, được sử dụng trong điều trị các bệnh như:
Giảm khả năng tăng cholesterol trong máu: Levaster được chỉ định để giảm nồng độ cholesterol máu toàn phần, cholesterol-LDL và triglyoerid, làm tăng cholesterol-HDL ở người bệnh và rối loạn lipid máu hỗn hợp.
Dự phòng biến cố mạch vành cấp 1: Trên bệnh nhân tăng cholesterol không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt về mạch vành, Levaster có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ phải làm các thủ tục tái tạo mạch vành và giảm nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch.
Xơ vữa động mạch: Ở người bệnh tăng nồng độ cholesterol máu có biểu hiện lâm sàng về bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Levaster có tác dụng làm chậm quá trình phát triển bệnh xơ vữa động mạch và giảm các nguy cơ biến cố mạch vành cấp.
Phòng ngừa bệnh tim mạch:
- Phòng ngừa các cơn đau tim, đột quỵ ở những người có nguy cơ cao như người già, người có thói quen hút thuốc lá, huyết áp cao, HDL-C thấp và gia đình có tiền sử mắc bệnh tim.
- Phòng ngừa thứ phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đau thắt ngực không ổn định và tái thông mạch ở những người đã mắc bệnh mạch vành.
- Nhồi máu cơ tim và ngăn ngừa đột quỵ ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Chống chỉ định:
- Không sử dụng Levaster 10 cho người bệnh mẫn cảm với bất cứ thành phần Atorvastatin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân đang bị bệnh gan hoặc transaminase huyết thanh tăng có chống chỉ định dùng thuốc Levaster 10.
2. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Bệnh nhân cần tuân theo chế độ ăn uống khoa học với chế độ ăn ít cholesterol trước khi điều trị bằng Levaster và phải duy trì chế độ ăn này trong suốt thời gian đó.
- Levaster được dùng theo đường uống, thuốc được dùng với liều duy nhất trong ngày và có thể uống vào bất cứ lúc nào trong ngày, cùng bữa ăn hoặc là sau khi ăn. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của Levaster 10, người bệnh nên uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ.
Liều lượng thuốc:
- Điều chỉnh liều lượng của thuốc Levaster 10 tùy thuộc vào tình trạng và sự đáp ứng của cơ thể người bệnh. Thông thường, liều khởi đầu là 10mg/ lần ngày. Điều chỉnh liều 4 tuần 1 lần nếu thấy cần thiết và nếu cơ thể bệnh nhân dung nạp được. Liều duy trì thường là 10-40 mg/ ngày. Có thể tăng liều nhưng không quá 80 mg/ ngày.
3. Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ hay gặp của thuốc Levaster 10 bao gồm: Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện thường gặp như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng và buồn nôn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ, đau cơ, đau khớp, tăng men gan tạm thời, ban da, viêm mũi, viêm họng, ho, viêm cơ, tiêu cơ vân, suy giảm nhận thức (như mất trí nhớ, lú lẫn, đầu óc không tỉnh táo), tăng đường huyết và tăng HbAIc.
Có bằng chứng cho thấy ở những bệnh nhân dùng atorvastatin liều lượng cao và trong thời gian dài thì tỷ lệ gặp tác dụng phụ như bệnh cơ và đau cơ cao hơn bình thường.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Levaster 10 và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
4. Thận trọng
- Quá trình điều trị bằng thuốc Levaster 10 có thể làm cho nồng độ transaminase trong huyết thanh tăng. Tuy nhiên, nồng độ này sẽ trở về mức bình thường khi giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc.
- Trước khi điều trị với thuốc Levaster 10, cần phải loại trừ các nguyên nhân khác gây tăng cholesterol máu khác như bệnh đái tháo đường kém kiểm soát, hội chứng thận hư, thiểu năng giáp, bệnh gan tắc mật, nghiện rượu hay do dùng một số thuốc khác. Phải định lượng cholesterol toàn phần, cholesterol HDL và triglycerid máu định kỳ, thời gian ít nhất là 4 tuần điều chỉnh liều lượng theo đáp ứng của người bệnh với thuốc.
- Cần thận trọng khi dùng thuốc Levaster 10 ở những người bệnh uống nhiều rượu hoặc có tiền sử bệnh gan, xét nghiệm enzym gan trước khi bắt đầu điều trị bằng statin.
- Phải tạm ngừng hoặc dừng việc điều trị với các thuốc thuộc nhóm statin khi người bệnh có nguy cơ mắc bệnh cơ hoặc ở những người bệnh bị suy thận cấp do tiêu hủy cơ trong những trường hợp nhiễm khuẩn cấp nặng, hạ huyết áp, phẫu thuật và chấn thương lớn, bất thường về chuyển hóa và nội tiết.
- Chỉ sử dụng Levaster 10 cho phụ nữ khi chắc chắn người bệnh không mang thai và chỉ nên sử dụng thuốc trong trường hợp cholesterol trong máu cao mà các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả.
- Trong quá trình điều trị bằng Levaster 10, bệnh nhân cần thông báo khi có các biểu hiện về cơ như đau cơ, cứng cơ và yếu cơ... Khi có các biểu hiện này, bệnh nhân cần làm xét nghiệm CK (creatine kinase) để có các biện pháp can thiệp phù hợp.
- Cẩn trọng sử dụng thuốc Levaster 10 với các bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, nhược giáp, tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh cơ di truyền, tiền sử bị bệnh cơ do sử dụng statin hoặc fibrat trước đó, tiền sử bệnh gan và hoặc uống nhiều rượu, bệnh nhân cao tuổi có những yếu tố nguy cơ bị tiêu cơ vân. Trước khi dùng thuốc cần làm xét nghiệm theo dõi creatine kinase.
- Thời kỳ mang thai: Atorvastatin có thể gây hại cho thai nhi bằng cách ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol và triglycerid huyết thanh - 1 trong các chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Do đó không nên dùng thuốc Levaster 10 khi mang thai.
- Thời kỳ cho con bú: Nghiên cứu chứng minh các thuốc thuộc nhóm statin có thể bài tiết vào sữa mẹ, mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về atorvastatin. Nhưng do nguy cơ làm gián đoạn quá trình chuyển hóa lipid của trẻ đang bú mẹ nên bác sĩ khuyến cáo atorvastatin không thích hợp sử dụng cho trường hợp này.
5. Tương tác thuốc
Tương tác với nhóm thuốc giảm lipid máu: Bao gồm cholestylamin, colestipol thường được phối hợp với Levaster nhằm bổ sung tác dụng cho nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng 2 loại thuốc trên cùng thời điểm có thể làm giảm tính hiệu quả của Levaster 10. Do đó khi sử dụng 2 thuốc này với nhau nên chia thời gian ra và cách nhau ít nhất là khoảng 2 giờ.
Gemfibrozil, các thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat khác, Niacin liều cao, colchicin cùng: Levaster 10 có thể làm tăng nguy cơ tổn thương cơ.
Việc sử dụng đồng thời các thuốc hạ lipid máu và nhóm thuốc statin bao gồm Levaster 10 với các thuốc điều trị HIV và viêm gan siêu viC (HCV) có thể làm tăng nguy cơ gây tổn thương cơ, gây hội chứng tiêu cơ vân, thận hư, nghiêm trọng hơn là dẫn đến bệnh suy thận và có thể gây tử vong. Cụ thể như sau:
- Tránh sử dụng atorvastatin đồng thời với Tipranavir và Ritonavir hoặc Telaprevir.
- Sử dụng thận trọng và nếu cần thiết nên dùng liều atorvastatin thấp nhất khi kết hợp đồng thời Lopinavir và Ritonavir.
- Sử dụng không quá 20 mg atorvastatin/ ngày khi dùng đồng thời với Darunavir, Ritonavir, Fosamprenavir, Fosamprenavir + Ritonavir, Saquinavir + Ritonavir.
- Sử dụng không quá 40 mg atorvastatin ngay khi dùng đồng thời với Nelfinavir.
Khi sử dụng phối hợp Levaster 10 với cyclosporin, erythromycin, gemfibrozil, itraconazol, ketoconazol hoặc với niacin ở liều lớn hơn 1g/ ngày có thể gia tăng khả năng mắc chứng viêm cơ và tiêu cơ vân.
Warfarin: Atorvastatin có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của warfarin khi dùng đồng thời.Vì Vậy, phải xác định thời gian prothrombin trước khi bắt đầu điều trị bằng atorvastatin và theo dõi thường xuyên trong giai đoạn đầu điều trị để điều chỉnh liều lượng warfarin cho thích hợp.
Khi dùng đồng thời Levaster 10 và với các chất ức chế men chuyển angiotensin, các thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu và thuốc chống viêm không steroid mặc dù có sự tương tác thuốc nhưng ảnh hưởng không đáng kể.
Người bệnh không nên dùng nước bưởi để uống, bởi trong bưởi chứa thành phần chất ức chế CYP3A4 trong ruột. Uống nước ép bưởi với Levaster 10 có thể làm tăng Cmax và diện tích dưới đường cong (AUC).
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Levaster 10, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Levaster 10 điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.