Công dụng thuốc Lampar

Lampar là thuốc gì? Thuốc Lampar có thành phần chính là Mosaprid citrate, được dùng trong điều trị trào ngược dạ dày – thực quản mãn tính. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích về công dụng thuốc Lampar

1. Công dụng thuốc Lampar

Thuốc Lampar được chỉ định trong các trường hợp điều trị các triệu chứng dạ dày – ruột (buồn nôn, nôn mửa, nóng ruột) có liên quan đến trào ngược dạ dày – thực quản mãn tính. Tuyệt đối không sử dụng trong các trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc Lampar.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Lampar

Bạn hãy luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thuốc Lampar, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng và đường dùng thuốc, cũng như không đưa thuốc này cho người khác ngay cả khi họ có những triệu chứng giống bạn.

Khi dùng thuốc, người bệnh uống cả viên với nước lọc, không nhai hoặc nghiền nát, có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Không uống thuốc Lampar với các dung dịch lỏng khác như cà phê, nước trà, nước chè, đồ uống có cồn, ... vì có thể gây ra tương tác thuốc.

Liều lượng khuyến cáo của Lampar là 1 viên/lần x 3 lần/ngày.

Khi quên liều, người bệnh hãy uống một liều khác ngay khi nhớ ra. Nếu lúc nhớ ra gần với lần uống thuốc Lampar tiếp theo thì bạn hãy bỏ qua và uống liều tiếp theo như kế hoạch. Không uống 2 liều cũng một lúc để bù liều đã quên.

Các riệu chứng quá liều thuốc Lampar bao gồm đau bụng, tiêu chảy. Bạn hãy liên hệ ngay với cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời. Mang theo tất cả những thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược, vitamin, ... Biện pháp điều trị chủ yếu là súc rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và theo dõi cẩn thận tình trạng người bệnh. Lampar liên kết cao với protein huyết tương nên không thể loại bỏ bằng cách thẩm tách.

3. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Lampar

Trong quá trình sử dụng thuốc Lampar, bạn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn, bao gồm:

  • Ít gặp: tăng bạch cầu ái toan, tiêu chảy, phân lỏng, đau bụng, khô miệng, buồn nôn, nôn mửa, tăng ALT, mệt mỏi, tăng chất béo trung tính.
  • Hiếm gặp: phản ứng dị ứng (phù, nổi mề đay), giảm bạch cầu, tăng AST, γ-GTP, bilirubin, đánh trống ngực, nhức đầu, chóng mặt, đãng trí, run.
  • Chưa rõ tần suất: phát ban, tê miệng, lưỡi, môi, viêm gan tối cấp, vàng da, rối loạn chức năng gan.

Bạn nên tự theo dõi sức khỏe bản thân trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nên ngưng thuốc và báo cáo ngay cho bác sĩ.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Lampar

  • Chưa có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc Lampar với phụ nữ có thai. Do đó, cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi quyết định dùng thuốc này ở phụ nữ mang thai và chỉ dùng khi lợi ích điều trị vượt trội hơn rủi ro mà thuốc đem lại.
  • Không biết được rằng Lampar có đi qua sữa mẹ hay không và chưa xác định tính an toàn của thuốc Lampar ở phụ nữ cho con bú. Vì vậy, chỉ dùng thuốc này khi lợi ích đem lại vượt xa nguy cơ mà thuốc có thể gây ra.
  • Chưa có đầy đủ thông tin về ảnh hưởng của thuốc đến khả năng lái xe và điều khiển máy móc. Tuy nhiên, thuốc Lampar có thể gây choáng váng, vì vậy không nên lái xe, điều khiển máy móc hoặc làm việc trên cao.
  • Không nên tiếp tục dùng thuốc nếu điều trị trong vòng 2 tuần mà không cải thiện tình trạng.
  • Lampar có thể gây viêm gan, vàng da, rối loạn chức năng gan. Ngoài ra thuốc còn gây chán ăn, mệt mỏi, cô đặc nước tiểu, vàng mắt. Bạn cần ngưng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ nếu xuất hiện những triệu chứng này.
  • Những người cao tuổi thường có giảm chức năng gan, thận. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc Lampar ở đối tượng này. Khi xảy ra những tác dụng không mong muốn, nên giảm liều.
  • Thuốc Lampar có chứa tinh bột mì, vì vậy không dùng cho bệnh nhân dị ứng với lúa mì.

5. Tương tác thuốc

Hiện tượng tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và tác dụng của thuốc. Vì vậy để tránh tương tác thuốc, bạn cần liệt kê danh sách tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc được kê đơn và không kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng, vitamin, ... để bác sĩ được biết và có những điều chỉnh kịp thời. Các thuốc có thể tương tác với Lampar, bao gồm: thuốc kháng cholinergic (atropine sulfate, butylscopolamine bromide, ...) khi dùng chung với Lampar sẽ làm giảm hiệu quả của Lampar. Vì vậy nên uống các thuốc này cách xa với thuốc Lampar.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe