Thuốc Ketoprofen 75 là viên nang dùng đường uống 75mg. Đây là thuốc chống viêm không steroid, điều trị các dạng viêm khớp dạng thấp, bệnh cơ xương, đau vai gáy, viêm cột sống dính khớp,...
1. Tác dụng của thuốc Ketoprofen 75
Thuốc Ketoprofen được bào chế dưới dạng dạng viên nang dùng đường uống 50mg, 75mg; viên nang phóng thích kéo dài đường uống 100mg, 150mg và 200mg. Ngoài ra, thuốc còn có dạng thuốc đạn nạp trực tràng, bột pha tiêm bắp, gel,... Bài viết đề cập tới dạng thuốc dùng đường uống
Tác dụng của thuốc: Ketoprofen là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), được sử dụng để giảm đau, chống viêm và hạ sốt trong nhiều trường hợp. Thuốc có tác dụng giảm đau, sưng và cứng khớp do viêm khớp. Thuốc tác động bằng cách ngăn cản cơ thể sản sinh các chất tự nhiên gây viêm. Ngoài ra, thuốc Ketoprofen còn được sử dụng để điều trị các cơn gút cấp tính. Trong điều trị viêm khớp dạng thấp và thoái hóa xương khớp, thuốc thường dùng để giảm đau hơn là chống viêm.
Do vậy, thuốc Ketoprofen chỉ giúp giảm đau, cứng khớp vào buổi sáng đau lúc nghỉ, cải thiện vận động. Thuốc không làm ngừng bệnh lâu dài hoặc điều trị khỏi bệnh. Trong lâm sàng, thuốc Ketoprofen rất hiệu quả trong giảm đau sau phẫu thuật.
Lưu ý: Một số tác dụng khác của thuốc không được đề cập nhưng có thể được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ketoprofen 75
2.1 Cách dùng thuốc
Uống thuốc Ketoprofen 3 - 4 lần/ngày với 1 ly nước đầy (240ml) hoặc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên nằm nghỉ trong ít nhất 10 phút sau khi uống thuốc. Nếu thấy khó chịu ở dạ dày khi dùng thuốc, bạn nên uống thuốc cùng thức ăn, sữa hoặc một loại thuốc kháng axit khác. Đồng thời, không dùng thuốc Ketoprofen dạng giải phóng chậm để điều trị đau; không phối hợp thuốc loại thường và loại giải phóng chậm.
*Lưu ý khi dùng thuốc:
- Để giảm nguy cơ chảy máu dạ dày và các tác dụng phụ khác, bệnh nhân nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất có thể. Người bệnh cũng không nên tự ý tăng liều, kéo dài thời gian sử dụng thuốc hơn so với chỉ định;
- Thuốc giảm đau có tác dụng tốt nhất nếu dùng khi cơn đau vừa xảy ra. Nếu sử dụng thuốc khi đã bị đau dữ dội thì thuốc có thể không phát huy được hiệu quả như mong muốn;
- Nếu sử dụng thuốc Ketoprofen 75 để trị chứng đau nửa đầu mà cơn đau không thuyên giảm hoặc càng đau hơn sau liều đầu tiên, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ;
- Đối với một số bệnh như viêm khớp, có thể mất tới 2 tuần sử dụng thuốc Ketoprofen theo chỉ định cho đến khi thuốc phát huy hoàn toàn hiệu quả;
- Nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh trở nên tệ hơn, gặp các triệu chứng mới,... thì nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.
2.2 Liều dùng thuốc
Liều dùng thuốc dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh và khả năng đáp ứng với việc điều trị. Liều dùng để điều trị một số bệnh lý như sau:
- Liều dùng cho người bị viêm xương khớp:
- Với dạng viên nang Ketoprofen, bệnh nhân sử dụng viên 75mg uống 3 lần/ngày hoặc viên 50mg uống 4 lần/ngày. Liều dùng tối đa là 300mg/ngày;
- Với dạng viên nang Ketoprofen phóng thích kéo dài, người bệnh sử dụng viên 20mg uống 1 lần/ngày;
- Liều dùng cho người bị viêm khớp dạng thấp:
- Với dạng viên nang Ketoprofen, bệnh nhân sử dụng viên 75mg uống 3 lần/ngày hoặc viên 50mg uống 4 lần/ngày. Liều dùng tối đa là 300mg/ngày;
- Với dạng viên nang Ketoprofen phóng thích kéo dài, người bệnh sử dụng viên 20mg uống 1 lần/ngày;
- Liều dùng cho người bị gút cấp tính: Với dạng viên nang Ketoprofen, người bệnh dùng 100mg, uống 1 lần. Sau đó, dùng tiếp 50mg uống mỗi 6 giờ cho tới khi hết cơn gút cấp tính. Thường dùng thuốc 2 - 3 ngày là được;
- Liều dùng cho người bị đau nhức: Với dạng viên nang Ketoprofen, bệnh nhân dùng 25 - 50mg, uống mỗi 6 - 8 giờ. Người bệnh có thể tăng liều tới tối đa 75mg;
- Liều dùng cho người bị sốt: Với dạng viên nang Ketoprofen, bệnh nhân dùng 12,5mg mỗi 4 - 6 giờ. Bệnh nhân có thể uống liều bổ sung nếu không thấy hạ sốt trong vòng 1 giờ. Liều tối đa hằng ngày không quá 75mg;
- Liều dùng cho người bị đau bụng kinh: Với dạng viên nang Ketoprofen, người bệnh dùng 25 - 50mg, uống mỗi 6 - 8 giờ khi cần để giảm đau. Liều dùng cần điều chỉnh với khả năng đáp ứng của bệnh nhân, không vượt quá 300mg/24 giờ.
*Lưu ý: Liều dùng thuốc Ketoprofen cho trẻ em chưa được nghiên cứu và quyết định. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc.
Quá liều: Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bệnh nhân nên gọi cấp cứu ngay hoặc tới trung tâm y tế gần nhất. Các triệu chứng dùng thuốc Ketoprofen quá liều gồm: Thiếu năng lượng, buồn ngủ, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, thở nông, co giật, hôn mê,...
Quên liều: Nếu quên 1 liều, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt. Trường hợp đã gần với liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp vào đúng thời điểm được chỉ định.
3. Tác dụng phụ của thuốc Ketoprofen 75
Người bệnh nên ngưng dùng thuốc Ketoprofen và đến bệnh viện ngay lập tức nếu có các tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Phản ứng dị ứng: Phát ban, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở;
- Đau ngực, nói lắp, suy hô hấp, mất thăng bằng, gặp các vấn đề về thị lực;
- Phân màu đen lẫn máu hoặc phân hắc ín, ho ra máu, chất nôn có màu giống bã cà phê;
- Lẫn lộn và run rẩy;
- Tiểu tiện ít hơn bình thường hoặc không tiểu được;
- Buồn nôn, sốt nhẹ, chán ăn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, vàng da, vàng mắt, phân màu đất sét;
- Sốt, đau họng, đau đầu, bong tróc da, phát ban da đỏ;
- Tê, đau, yếu cơ, bầm tím da, ngứa dữ dội.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các tác dụng phụ ít nghiêm trọng như: Táo bón, đầy hơi, ợ nóng, đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, căng thẳng, đau đầu, ngứa da, phát ban, khô miệng, mờ mắt, tăng tiết mồ hôi, chảy nước mũi, ù tai,...
4. Thận trọng khi dùng thuốc Ketoprofen
Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần:
- Báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với thuốc Ketoprofen, aspirin, các thuốc NSAID khác, các thành phần hoạt tính trong thuốc Ketoprofen hoặc các loại dị ứng khác;
- Báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng hoặc có kế hoạch dùng;
- Thông báo cho bác sĩ nếu bạn từng mắc bệnh hen suyễn, nghẹt mũi, chảy nước mũi, bị polyp mũi, thiếu máu, mắc vấn đề về chảy máu, sưng bàn tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc mắc bệnh gan, bệnh thận, tiền sử nhồi máu cơ tim, bệnh tim, tăng huyết áp, loét dạ dày hoặc chảy máu dạ dày, tiền sử đột quỵ, phẫu thuật tim;
- Báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai (đặc biệt là trong các tháng cuối của thai kỳ, dự định có thai hoặc đang cho con bú. Nếu có thai trong thời gian dùng thuốc Ketoprofen, người bệnh nên xin ý kiến của bác sĩ;
- Nếu chuẩn bị phẫu thuật, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc Ketoprofen.
5. Tương tác thuốc Ketoprofen
Bệnh nhân nên liệt kê các loại thuốc mình đang dùng rồi báo cho bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc, ngừng hoặc thay đổi liều dùng, thời gian dùng thuốc nếu chưa được bác sĩ cho phép. Đặc biệt lưu ý:
- Báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng một số loại thuốc chống trầm cảm như: Citalopram, duloxetine, escitalopram, fluoxetine, fluvoxamine, venlafaxine, paroxetine, sertraline,... vì khi kết hợp với Ketoprofen dễ gây bầm tím hoặc chảy máu;
- Báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng một trong các loại thuốc như: Cyclosporine; Liti; Methotrexate; Probenecid; thuốc chống đông máu như warfarin; thuốc chống tập kết tiểu cầu như clopidogrel, dipyridamole, ticlopidine; steroid; aspirin hoặc các thuốc NSAID như diclofenac, fenoprofen, flurbiprofen, ibuprofen, indomethacin, ketorolac, axit mefenamic, meloxicam, nabumetone, naproxen, piroxicam,...
Thuốc Ketoprofen 75 và các dạng bào chế khác được sử dụng để điều trị cho các tình trạng viêm khớp dạng thấp, chấn thương, đau vai gáy, viêm cột sống dính khớp, bệnh cơ xương,... Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể, chi tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.