Công dụng thuốc Kaperamid

Thuốc Kaperamid là thuốc không kê đơn, đây cũng là lựa chọn hàng đầu trong trường hợp bị tiêu chảy cấp. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Kaperamid, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Kaperamid trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Kaperamid là gì?

1.1. Thuốc Kaperamid là thuốc gì?

Thuốc Kaperamid thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa có thành phần chính là Loperamide. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang, vỉ 10 viên, hộp 2 vỉ. Thuốc Kaperamid khuyến cáo sử dụng cho cả người lớn và trẻ em.

1.2. Thuốc Kaperamid có tác dụng gì?

Loperamide có nhiều tác dụng như làm giảm tính kích ứng niêm mạc và kích thích gây co thắt ống tiêu hóa; làm giảm nhu động đẩy tới của ruột, kéo dài thời gian lưu thông trong lòng ruột; làm tăng trương lực của cơ thắt hậu môn, vì vậy làm giảm bớt sự gấp gáp trong phản xạ đại tiện không kìm chế được.

Thuốc Kaperamid được sử dụng trong những trường hợp:

  • Giảm triệu chứng của chứng tiêu chảy cấp không đặc hiệu ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên hay tiêu chảy mạn tính do viêm đường ruột.
  • Giảm bớt khối lượng phân cho những bệnh nhân được chỉ định thủ thuật mở thông hồi tràng.
  • Điều trị triệu chứng của đợt tiêu chảy cấp có liên quan đến hội chứng ruột kích thích ở người lớn từ 18 tuổi trở lên đã được bác sĩ chẩn đoán sơ bộ.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Loperamide hay bất kỳ thành phần nào của thuốc Kaperamid
  • Không dùng thuốc cho trẻ em nhỏ hơn 8 tuổi và người cao tuổi.
  • Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng cấp hoặc viêm đại tràng giả mạc do sử dụng kháng sinh phổ rộng.
  • Bệnh nhân mắc chứng lỵ cấp, với đặc điểm sốt cao và có máu trong phân.
  • Người bệnh bị viêm loét đại tràng cấp, viêm ruột do vi trùng xâm lấn.
  • Không dùng để ức chế nhu động ruột.
  • Phải ngưng Kaperamid ngay khi xuất hiện táo bón, tắc ruột, căng chướng bụng.
  • Bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nhiễm trùng do các vi khuẩn có khả năng xâm nhập sâu vào niêm mạc ruột như nhiễm Salmonella, E.coli, Shigella.
  • Bệnh nhân có suy gan nặng.

2. Cách sử dụng của thuốc Kaperamid

2.1. Cách dùng thuốc Kaperamid

  • Thuốc Kaperamid được dùng đường uống, người bệnh có thể uống trước khi ăn hay sau khi ăn đều được.
  • Uống nguyên viên nang Kaperamid với nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội, phá vỡ kết cấu viên thuốc, hoặc trộn thuốc với bất kỳ dung dịch hay hỗn hợp nào.
  • Người bệnh cần dùng đúng theo chỉ dẫn hoặc theo chỉ định của bác sĩ, không uống nhiều hơn liều chỉ định, bởi có thể gia tăng tác dụng phụ hay ít hơn dẫn đến nồng độ Kaperamid trong máu không đủ để phát huy hết tác dụng.

2.2. Liều dùng của thuốc Kaperamid

Tiêu chảy cấp:

Người lớn: liều khởi đầu 4 mg, sau đó uống 2 mg sau mỗi lần đi đại tiện phân lỏng, liều tối đa là 16 mg/ngày;

Trẻ em:

  • Trẻ 8 đến 12 tuổi: ngày đầu tiên 2 mg x 3 lần;
  • Trẻ 6 đến 8 tuổỉ: ngày đầu tiên 2 mg x 2 lần;

Từ ngày thứ hai: cứ 1 mg/10 kg cân nặng sau mỗi lần đi tiêu phân lỏng, tổng liều mỗi ngày không được vượt quá liều của ngày đầu tiên.

Tiêu chảy mãn:

  • Người lớn: 4 - 8 mg/ngày có thể uống 1 lần hoặc chia làm nhiều lần;
  • Trẻ em: không sử dụng thuốc này.

Đối với các trường hợp mắc tiêu chảy cấp do hội chứng ruột kích thích ở người từ 18 tuổi trở lên: Bắt đầu với liều 4mg/1 lần uống. Sau đó sử dụng liều 2mg Kaperamid theo chỉ định của bác sĩ hoặc uống sau khi đi ngoài phân lỏng.

Xử lý khi quên liều: Để đạt được hiệu quả điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp thì người bệnh cần cố gắng để không quên thuốc, nếu lỡ quên một liều thì uống ngay khi nhớ ra. Đặc biệt với chỉ định dùng nhiều lần trong một ngày thì khoảng thời gian giữa 2 liều cách nhau ít nhất 4 giờ. Nếu đã gần đến thời điểm cần uống liều Kaperamid tiếp theo thì không dùng liều bạn đã bỏ lỡ và chờ đến thời gian đúng theo lịch trình của liều tiếp theo. Không dùng liều gấp đôi liều Kaperamid để bù cho liều bạn đã quên.

Xử trí khi quá liều: Triệu chứng: Biểu hiện suy hô hấp và hệ thần kinh trung ương, bụng co cứng, táo bón, buồn nôn và nôn, kích ứng đường tiêu hóa. Tình trạng quá liều thường xảy ra khi liều dùng hàng ngày trên 60 mg loperamid. Ðiều trị: Cần rửa dạ dày, ngay sau đó cho uống khoảng 100g than hoạt bằng đường ống sonde dạ dày. Theo dõi sát các dấu hiệu của suy giảm thần kinh trung ương, nếu có biểu hiện thì cho tiêm 2 mg naloxon đường tĩnh mạch (0,01 mg/kg cho trẻ em), có thể dùng nhắc lại nếu cần thiết, tổng liều tiêm có thể tới 10 mg.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Kaperamid

Lưu ý khi dùng thuốc Kaperamid trong quá trình sử dụng như sau:

  • Không dùng Kaperamid khi đã quá hạn sử dụng trên bao bì, có dấu hiệu nấm mốc, chảy nước hay đổi màu trên viên thuốc.
  • Kaperamid không có tác dụng thay thế các phương pháp bù đắp lượng nước và chất điện giải bị mất ở bệnh nhân tiêu chảy. Vì vậy, với bệnh nhân bị tiêu chảy, cần có biện pháp bù nước và điện giải song song với việc dùng Kaperamid.
  • Ở những bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, nếu trên lâm sàng không có cải thiện trong vòng 48 giờ thì không nên dùng tiếp Kaperamid mà phải xem xét lại nguyên nhân gây tiêu chảy.
  • Bệnh nhân rối loạn chức năng gan cần phải được theo dõi sát các dấu hiệu gây độc thần kinh trung ương (sốt, đau đầu, cứng gáy, rối loạn hành vi).
  • Không sử dụng Kaperamid trong thời gian dài, chỉ sử dụng khi gặp phải tình trạng tiêu chảy cấp do hội chứng ruột kích thích.
  • Bệnh nhân AIDS được chỉ định dùng thuốc Kaperamid để điều trị tiêu chảy phải ngưng thuốc khi có những triệu chứng sớm nhất điển hình như căng chướng bụng.
  • Khi dùng Kaperamid cần theo dõi nhu động ruột, lượng phân, nhiệt độ cơ thể, chướng bụng.
  • Thận trọng khi sử dụng Kaperamid với những bệnh nhân bị rối loạn hấp thụ, người bị rối loạn hấp thu glucose, không hấp thụ được lactose.
  • Thận trọng với những người đang làm các công việc cần sự tập trung như lái xe hay vận hành máy móc: do tác dụng phụ gây đau đầu, buồn ngủ rất hay gặp.
  • Hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng và chỉ sử dụng Kaperamid cho phụ nữ có thai, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ và đang cho con bú khi không có sự lựa chọn thay thế nào an toàn hơn Kaperamid.

4. Tác dụng phụ của thuốc Kaperamid

Tác dụng phụ của thuốc Kaperamid có thể xảy ra trong quá trình sử dụng với tần suất như sau:

Thường gặp: Đau đầu, táo bón, buồn nôn, đầy hơi.

Ít gặp:

  • Hệ thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật.
  • Hệ tiêu hóa: khó chịu ở vùng bụng, đau bụng, khó tiêu, môi khô, đau phần bụng phía trên rốn, nôn.
  • Da: nổi mẩn ngứa.

Rất hiếm gặp: (nếu gặp phải các tác dụng phụ dưới đây cần nhanh chóng đến ngay bệnh viện gần bạn nhất)

  • Hệ miễn dịch: phản ứng tự vệ của cơ thể, các phản ứng quá mẫn (có thể xảy ra cả sốc phản vệ).
  • Hệ thần kinh: giảm nhận thức, rối loạn khiến mất ý thức, rối loạn tăng trương lực cơ (có trường hợp có thể dẫn đến co giật). Rối loạn vận động không điều phối được hoạt động của tay chân.
  • Thị giác: co đồng tử.
  • Hệ tiêu hóa: phình to đại tràng (có thể do nhiễm độc), tắc ruột, căng chướng bụng, tắc ruột có thể dẫn đến liệt ruột.
  • Da và các mô dưới da: có thể xuất hiện hội chứng Steven – Johnson, nổi bỏng rộp, phù mạch, nổi mề đay, ngứa rát da, xuất hiện các ban đỏ đa dạng. Một số trường hợp các các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng làm xảy ra các tình trạng hoại tử da, mô dưới da do nhiễm độc.
  • Rối loạn thận và tiết niệu: bí tiểu.
  • Toàn thân: mệt mỏi, sức khỏe suy giảm..

Chú ý: Các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương như ngủ gật, hôn mê, trầm cảm thường hay gặp với trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Vì vậy, loperamid không được dùng trong điều trị tiêu chảy cho trẻ nhỏ.

5. Tương tác thuốc Kaperamid

Tăng độc tính của Kaperamid:

  • Các thuốc ức chế P – Glycoprotein: Ritonavir, Quindin khi dùng chung với Loperamid sẽ làm giảm hấp thu thuốc dẫn đến tăng nồng độ Loperamid trong huyết tương gây độc cho người dùng.
  • Thuốc ức chế CYPP28C, CYP3A4: Itraconazole khi dùng chúng làm tăng nồng độ Kaperamid trong huyết tương do quá trình chuyển hóa thuốc bị ức chế.
  • Các thuốc ức chế hệ thần kinh, thuốc trầm cảm 3 vòng, phenothiazin gây ra các tương tác làm tăng độc tính của hoạt chất Loperamid.

Giảm hiệu quả tác dụng của Kaperamid:

  • Các thuốc có tính chất dược lực học tương tự như Loperamid và các thuốc làm tăng tốc độ hoạt động của đường tiêu hóa khi dùng chung sẽ khiến Kaperamid mất đi một phần tác dụng.

Thời gian bảo quản thuốc Kaperamid là 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Bảo quản Kaperamid ở nhiệt độ phòng phù hợp từ 15 đến 25 độ C, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hay các vị trí có nguồn nhiệt cao như cạnh bên tivi, máy sưởi hoặc tủ lạnh dễ dẫn đến việc viên thuốc bị biến đổi. Tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt như trong nhà tắm, hay những nơi có độ ẩm cao dưới 70% dễ sản sinh nấm mốc. Nên để thuốc trên cao khỏi tầm với của trẻ nhỏ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe