Cephalosporin là nhóm kháng sinh được sử dụng rất rộng rãi tại các cơ sở y tế, một trong số đó là Cefotaxim với sản phẩm có tên thương mại là Imetoxim 1g. Vậy thuốc Imetoxim 1g được chỉ định trong trường hợp nào và lưu ý những gì khi sử dụng?
1. Imetoxim 1g là thuốc gì?
Imetoxim là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược Phẩm Imexpharm với thành phần chính là kháng sinh Cefotaxim hàm lượng 1g. Quy cách đóng gói của sản phẩm trong mỗi hộp bao gồm 1 lọ Imetoxim hàm lượng 1g. Sản phẩm này bào chế ở dạng thuốc bột pha tiêm.
2. Tác dụng của thuốc Imetoxim 1g
Cefotaxim là kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 3 nên có phổ kháng khuẩn rộng. So với các các kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 và 2, Cefotaxim trong Imetoxim có tác dụng lên các loại vi khuẩn Gram âm mạnh hơn và bền hơn với men Beta Lactamase, tuy nhiên tác dụng của thuốc lên các vi khuẩn Gram dương lại yếu hơn các Cephalosporin thế hệ 1.
Phổ kháng khuẩn của thuốc Imetoxim 1g bao hòm các loại vi khuẩn:
- Enterobacter;
- E.coli;
- Serratia;
- Salmonella, Shigella;
- P.mirabilis, P.vulgaris;
- Providencia;
- C.diversus;
- K.pneumoniae, K.oxytoca;
- M.morganii;
- Các chủng liên cầu (Streptococcus) và tụ cầu (Staphylococcus);
- H.influenzae, Haemophilus spp;
- Neisseria;
- B.catarrhalis;
- Peptostreptococcus;
- C.perfringens;
- B.burgdorferi;
- P.multocida;
- A.hydrophila;
- C.diphtheriae.
Tuy nhiên, Imetoxim 1g lại không có tác dụng với các chủng vi khuẩn sau, do chúng có khả năng đề kháng Cefotaxim:
- Enterococcus;
- Listeria;
- Staphylococcus kháng Methicillin;
- P.cepacia;
- X.maltophilia;
- A.baumannii;
- C.difficile;
- Vi khuẩn kỵ khí Gram âm.
3. Chỉ định của thuốc Imetoxim 1g
Thuốc Imetoxim 1g được sử dụng cho các trường hợp sau:
- Các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm như:
- Áp xe não;
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Viêm màng trong tim;
- Viêm màng não (trừ nguyên nhân do L.monocytogenes);
- Viêm phổi, lậu, thương hàn;
- Điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn nặng trong ổ bụng và phải phối hợp với Metronidazol;
- Dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, nội soi hoặc mổ lấy thai.
4. Hướng dẫn sử dụng Imetoxim 1g
Cách sử dụng thuốc Imetoxim 1g cần lưu ý những vấn đề sau:
- Đường dùng: Imetoxim 1g bào chế để sử dụng theo đường tiêm bắp, tiêm mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch;
- Thời gian tiêm tĩnh mạch chậm nên kéo dài từ 3-5 phút còn truyền tĩnh mạch yêu cầu trong thời gian từ 20-60 phút;
- Trước khi sử dụng, dung dịch tiêm của Imetoxim 1g cần được nhân viên y tế kiểm tra bằng cách quan sát sự hiện diện của phân tử lạ hoặc việc có đổi màu hay không. Tuyệt đối không sử dụng lọ thuốc Imetoxim 1g có các phân tử lạ hay có màu bất thường.
Liều dùng của Imetoxim 1g phụ thuộc theo chỉ định của bác sĩ điều trị và có thể tham khảo liều dùng khuyến cáo sau:
- Liều thông thường 2-6g/ngày (tương đương 2-6 lọ Imetoxim 1g), chia làm 2-3 lần. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể tăng liều lên đến 12g/ngày, sử dụng theo đường truyền tĩnh mạch chia làm 3-6 lần;
- Các bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh P.aeruginosa: Liều khuyến cáo là 6g/ngày (tương đương 6 lọ Imetoxim 1g). Ngoài ra, bác sĩ có thể thay thế bằng một Cephalosporin khác có hoạt tính mạnh hơn và phối hợp thêm một nhóm kháng sinh khác như Aminoglycosid;
- Bệnh lậu: Dùng một liều duy nhất Imetoxim 1g;
- Phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật:
- Tiêm 1 lọ Imetoxim 1g trước phẫu thuật khoảng 30-90 phút;
- Với các sản phụ cần mổ lấy thai: Tiêm tĩnh mạch 1 lọ Imetoxim 1g ngay sau thời điểm kẹp cuống nhau, sau đó 6 và 12 giờ tiêm thêm 2 lần với liều tương tự, có thể tiêm bắp hoặc tĩnh mạch;
Liều thuốc Imetoxim cho trẻ em:
- Liều khuyến cáo là 100-150mg/kg/ngày (trẻ sơ sinh: 50mg/kg/ngày) chia làm 2-4 lần sử dụng;
- Có thể tăng liều Imetoxim lên 200mg/kg/ngày (sơ sinh là 100-150mg/kg/ngày) trong trường hợp cần thiết;
Đối với bệnh nhân suy thận, liều Imetoxim cần được điều chỉnh khi độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút:
- Liều đầu tiên (tấn công) tương tự người bình thường, các liều Imetoxim tiếp theo cần giảm 1⁄2 và giữ nguyên số lần dùng trong một ngày;
- Liều tối đa của Imetoxim 1g cho đối tượng này là 2g/ngày.
Thời gian điều trị của thuốc Imetoxim 1g:
- Khi thân nhiệt bệnh nhân nhiễm trùng trở về bình thường hoặc khi đảm bảo chắc chắn đã tiêu diệt hết vi khuẩn thì cần dùng thuốc thêm 3-4 ngày trước khi kết thúc điều trị;
- Thời gian dùng Imetoxim 1g duy trì ít nhất 10 ngày đối với các trường hợp nhiễm khuẩn do liên cầu tan máu Beta nhóm A;
- Một số bệnh lý nhiễm trùng dai dẳng đôi khi đòi hỏi thời gian điều trị bằng thuốc Imetoxim 1g dài hơn, có thể lên đến nhiều tuần.
Cách xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Imetoxim:
- Quên liều: Tình huống này rất khó xảy ra do việc tiêm thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế;
- Trong hoặc sau quá trình điều trị mà bệnh nhân xuất hiện tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy kéo dài có thể gợi ý tình trạng viêm đại tràng giả mạc. Khi đó người bệnh cần phải ngừng sử dụng Imetoxim 1g và thay thế bằng kháng sinh có tác dụng điều trị viêm đại tràng;
- Cách xử lý khi dùng quá liều Imetoxim: Khi có biểu hiện ngộ độc, người bệnh cần được ngừng thuốc và can thiệp bằng các biện pháp phù hợp như thẩm tách màng bụng hay lọc máu để làm giảm nồng độ Cefotaxim máu.
5. Chống chỉ định của thuốc Imetoxim 1g
Imetoxim 1g không được chỉ định cho các trường hợp có tiền sử mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin và với Lidocain (do phải phối hợp với Lidocain để tiêm bắp).
6. Tác dụng không mong muốn của Imetoxim
Trong quá trình sử dụng Imetoxim, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn với tần suất khác nhau như sau:
- Những vấn đề thường gặp khi điều trị bằng Imetoxim 1g:
- Viêm tắc tĩnh mạch tại chỗ tiêm;
- Đau, phản ứng viêm tại vị trí tiêm bắp;
- Tiêu chảy;
- Tác dụng phụ ít gặp khi dùng Imetoxim:
- Thay đổi hệ khuẩn đường ruột, có thể dẫn đến bội nhiễm các loại vi khuẩn kháng thuốc;
- Gây dương tính giả test Coombs do giảm số lượng bạch cầu;
- Tác dụng phụ hiếm gặp của Imetoxim:
- Viêm đại tràng giả mạc;
- Tăng Bilirubin và tăng men gan.
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Imetoxim và xuất hiện bất cứ tác dụng ngoại ý nào, người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được sự hỗ trợ thích hợp.
7. Tương tác thuốc của Imetoxim 1g
Bác sĩ cần thận trọng khi phối hợp Imetoxim 1g với các thuốc sau:
- Colistin: Làm tăng nguy cơ tổn thương thận;
- Azlocillin: Người có tiền sử suy thận tăng nguy cơ mắc biến chứng não và xuất hiện cơn động kinh cục bộ;
- Các Ureido-Penicilin (Azlocillin, Mezlocillin): Việc phối hợp sẽ làm giảm độ thanh thải Cefotaxim ở cả người chức năng thận bình thường lẫn suy thận;
- Cyclosporin: Tăng độc tính trên thận;
- Probenecid: Làm chậm đào thải Cefotaxim ra ngoài.
8. Một số lưu ý khi sử dụng Imetoxim 1g và cách bảo quản
Sử dụng Imetoxim 1g cho đối tượng phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú;
- Đối với thai phụ vẫn chưa các nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng trong giai đoạn nhạy cảm này. Imetoxim 1g có thể đi qua nhau thai trong tam cá nguyệt thứ 2, do đó cần tránh sử dụng, trừ trường hợp thật sự cần thiết;
- Bà mẹ cho con bú: Imetoxim bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Tuy nhiên vẫn có thể dẫn đến thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột ở trẻ bú mẹ, tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi trẻ bị sốt.
Thuốc Imetoxim 1g được chứng minh không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Một số lưu ý đặc biệt khác khi dùng sản phẩm Imetoxim:
- Trước khi điều trị bác sĩ cần khai thác kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh, đặc biệt là dị ứng với kháng sinh Cephalosporin, Penicillin hoặc các thuốc khác;
- Phản ứng dị ứng chéo giữa Penicilin và Cephalosporin đã được ghi nhận, do đó cần thận trọng khi dùng Imetoxim cho người bệnh được xác định dị ứng với Penicilin;
- Người bệnh được chỉ định kết hợp Imetoxim với các thuốc khác có khả năng gây độc thận (như Aminoglycosid) cần được theo dõi và kiểm tra chức năng thận định kỳ;
- Thuốc Imetoxim có thể gây dương tính giả với test Coombs, xét nghiệm đường niệu... Do đó người đang điều trị bằng Imetoxim 1g cần đặc biệt lưu ý khi có chỉ định thực hiện các xét nghiệm trên.
Imetoxim là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược Phẩm Imexpharm với thành phần chính là kháng sinh Cefotaxim hàm lượng 1g. Thuốc được bác sĩ chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Thuốc được sử dụng dưới sự thực hiện của nhân viên y tế nên người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn đó để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.