Huhylase có thành phần chính là Hyaluronidase - 1 loại enzym phân hủy axit hyaluronic, được sử dụng để tăng sự hấp thu thuốc vào mô và giảm tổn thương mô, tăng tính thấm thấu của các thuốc khác trong quá trình tiêm bắp hoặc tiêm, truyền dưới da...
1. Huhylase là thuốc gì?
Huhylase được sản xuất với thành phần chính là Hyaluronidase, được bác sĩ chỉ định sử dụng để:
- Tăng tốc độ thẩm thấu của thuốc khác khi tiêm thuốc dưới da, tiêm bắp, tăng thấm dịch truyền dưới da.
- Tăng tính thẩm thấu của thuốc mê trong phẫu thuật mắt như đục thủy tinh thể.
- Điều trị bệnh xương khớp và bệnh gout.
- Thay thế cho thuốc Diodon dùng để tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thay thế cho tiêm tĩnh mạch trong chụp X-quang bể thận.
- Khuếch tán những thuốc kích ứng tại chỗ.
- Thúc đẩy tiêu dịch thừa và máu do thoát mạch ở mô.
2. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng: Thuốc Huhylase được sản xuất dưới dạng bột đông khô pha tiêm, dùng để pha với các dung dịch khác tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Khi sử dụng thuốc tiêm, người bệnh nên tuân thủ đúng theo liều lượng đã được chỉ định, tránh trường hợp tiêm quá liều có thể dẫn tới sốc thuốc.
Liều lượng thuốc khuyến cáo:
- Tiêm truyền dưới da: Dùng liều lượng 150 dvqt/ ml hyaluronidase hòa tan trong 1 ml nước cất tiêm hoặc dung dịch natri clorid 0,9% để tiêm.
- Gây tê và gây tê trong nhãn khoa: Sử dụng liều lượng là 150-1500 dvqt hyaluronidase được hoà trộn với thuốc tê dùng để gây tê. Trong gây tê nhãn khoa khuyến cáo liều lượng 15 dvqt hyaluronidase/ ml dung dịch thuốc tê.
- Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp cùng thuốc khác: Áp dụng liều lượng thuốc là 1500 dvqt hyaluronidase vào dung dịch thuốc tiêm để tiêm.
- Trong điều trị thoát mạch: Sử dụng liều thuốc là 150-1500 dvqt hyaluronidase hòa tan vào 1 ml nước cất tiêm hoặc 1 ml dung dịch natri clorid 0,9%, để tiêm vào vùng thoát mạch. Lưu ý: Để có hiệu quả thì người bệnh nên dùng thuốc càng sớm càng tốt.
- Trong điều trị u máu: Trộn dung dịch 150-1500 dvqt hyaluronidase vào 1 ml nước cất tiêm hoặc 1 ml dung dịch natri clorid 0,9%, để tiêm vào vùng có u máu.
Chống chỉ định:
- Không sử dụng thuốc với bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với thành phần Hyaluronidase.
- Không dùng thuốc trực tiếp trên giác mạc.
- Không dùng thuốc Hyaluronidase để làm giảm sưng do bị súc vật cắn hoặc bị côn trùng đốt.
- Không sử dụng thuốc để gây tê trong trường hợp chuyển dạ sớm không rõ nguyên nhân.
3. Tác dụng phụ
Phản ứng nhẹ thường gặp của thuốc Huhylase bao gồm: Phát ban đỏ, mẩn ngứa, phản ứng quá mẫn, dị ứng, nổi mề đay, mụn nhọt, tiêu chảy, mệt mỏi và chán ăn.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác của thuốc Huhylase bao gồm: Thủng nhãn cầu hoặc thuốc thấm vào dây thần kinh thị giác gây suy giảm hệ thần kinh trung ương.
Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Huhylase và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
4. Tương tác thuốc
Huhylase có thể xảy ra phản ứng tương tác nếu dùng đồng thời với:
- Axit acetylsalicylic;
- Thuốc Betamethasone;
- Thuốc Brompheniramine
- Thuốc Amitriptyline;
- Thuốc Antazoline;
- Thuốc Aripiprazole;
- Thuốc Articaine;
- Thuốc Benzocaine;
- Rượu benzyl;
- Thuốc Butamben và Butacaine;
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Huhylasel, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Huhylase là thuốc kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng.