Thuốc Heptavir có thành phần chính là Lamivudine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Heptavir được chỉ định điều trị viêm gan siêu vi B. Cùng nắm rõ công dụng của thuốc Heptavir và những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc Heptavir là thuốc gì?
Thuốc Heptavir có thành phần chính là Lamivudine hàm lượng 150mg cùng các tá dược khác vừa đủ 1 viên nén.
- Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ x 60 viên
- Dạng bào chế: Viên nén bao phim
- Nhà sản xuất: Hetero Drugs Ltd - Ấn Độ
- Số đăng ký: VN3-198-19
Dược lực học
Lamivudine là thuốc kháng retrovirus, thuộc nhóm dideoxynucleoside, ức chế enzym phiên mã ngược của virus. Thuốc có hoạt tính cạnh tranh với deoxycytidine triphosphate tự nhiên để hợp nhất vào DNA của virus bởi enzym phiên mã ngược, gây kết thúc sớm tổng hợp DNA của virus. Lamivudine có hoạt tính kìm virus HIV type 1 và 2 và cũng có tác dụng ức chế virus viêm gan B ở người bệnh mạn tính.
Dược động học
Lamivudine hấp thu nhanh với sinh khả dụng khoảng 80% sau khi uống. Nửa đời thải trừ trong huyết tương trung bình là 2,5 giờ và khoảng 70% của liều được thải trừ không thay đổi trong nước tiểu.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Heptavir
Thuốc Heptavir được chỉ định sử dụng điều trị những trường hợp:
- Viêm gan siêu vi B mạn tính
- Phối hợp điều trị nhiễm virus HIV
Chống chỉ định sử dụng Heptavir đối với các trường hợp quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong thuốc Heptavir.
3. Liều dùng và cách xử trí
3.1. Liều dùng
Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
- Liều Heptavir khuyến cáo là 100mg x 1 lần/ngày
- Cần ngưng sử dụng thuốc ở bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bình thường khi xảy ra đáp ứng chuyển huyết thanh HbeAg và/hoặc HbsAg.
Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: liều khuyến cáo là 3 mg/kg x 1 lần/ngày (tối đa 100 mg/ngày)
Đối với trường hợp nhiễm HIV:
Người lớn và thiếu niên trên 16 tuổi
Cân nặng ≥ 50 kg: 300 mg Zidovudine và 150 mg Lamivudine, cách 12 giờ một lần.
Cân nặng < 50 kg: 4 mg Zidovudine/kg thể trọng và 2 mg Lamivudine/kg thể trọng, cách 12 giờ một lần.
Thiếu niên 12 tuổi trở lên đến 16 tuổi:
Cân nặng ≥ 50 kg: 300 mg Zidovudine và 150 mg Lamivudine, cách 12 giờ một lần.
Cân nặng < 50 kg: Chưa có tư liệu đầy đủ để chỉ dẫn liều dùng.
Trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: dùng 4 mg Lamivudine/kg, cách 12 giờ một lần, tối đa 300mg Lamivudine mỗi ngày.
Bệnh nhân suy thận: phải giảm liều.
- Độ thanh thải creatinin 30– 49ml/phút: 150 mg, ngày 1 lần
- Độ thanh thải creatinin 15– 29ml/phút: Ngày đầu tiên 150 mg; những ngày sau 100 mg, ngày 1 lần.
- Độ thanh thải creatinin 5– 14ml/phút: Ngày đầu tiên 150 mg; những ngày sau 50 mg, ngày 1 lần.
- Độ thanh thải creatinin < 5ml/phút: Ngày đầu tiên 50 mg; những ngày sau 25 mg, ngày 1 lần.
Đối với trường hợp viêm gan siêu vi B mạn tính:
- Người lớn: dùng 100mg, ngày 1 lần.
- Trẻ em trên 2 tuổi: dùng 3mg/kg, ngày 1 lần; tối đa 100 mg/ngày.
- Bệnh nhân suy thận: cần giảm liều theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Đối với trường hợp nhiễm đồng thời virus viêm gan siêu vi B và HIV: Cần dùng theo liều kháng virus HIV.
3.2. Xử trí khi quên liều, quá liều
Quá liều
Trong các trường hợp dùng quá liều thuốc Heptavir so với quy định và có biểu hiện bất thường, cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Quên liều
Trong quá trình sử dụng thuốc Heptavir, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ, tránh xảy ra tình trạng quên liều làm giảm hiệu quả điều trị. Nếu trường hợp quên liều thuốc Heptavir, hãy sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất (có thể uống thuốc cách 1-2 giờ so với giờ bác sĩ chỉ định). Nhưng nếu thời gian đã quá gần liều tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều tiếp theo đúng như quy định. Người bệnh lưu ý không nên sử dụng gấp đôi liều thuốc Heptavir.
4. Tác dụng phụ của thuốc Heptavir
Trong quá trình sử dụng thuốc Heptavir có thể gặp một số tác dụng phụ cụ thể như sau:
- Thường gặp: Khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, trầm cảm, đau, sốt, rét run, buồn nôn, nôn, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy, tăng amylase, bệnh dây thần kinh ngoại biên, dị cảm, đau cơ, đau khớp, ho, phát ban, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, tăng ALT, AST.
- Ít gặp: Tăng bilirubin huyết, giảm tiểu cầu, viêm tụy.
5. Lưu ý khi dùng thuốc Heptavir
Trong quá trình sử dụng thuốc Heptavir, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Người bệnh có thể bị tái phát viêm gan siêu vi B mãn tính sau khi ngưng sử dụng lamivudin. Vì vậy, nên theo dõi định kỳ trên lâm sàng và đánh giá thử nghiệm chức năng gan trong huyết thanh trong tối thiểu 4 tháng để tìm bằng chứng viêm gan siêu vi tái phát.
- Ở bệnh nhân nhiễm HIV đồng thời, nên duy trì liều lamivudin 150 mg x 2 lần/ngày
- Trẻ em có tiền sử viêm tụy hoặc có yếu tố nguy cơ phát triển viêm tuy: Cần theo dõi chặt chẽ khi dùng Lamivudine kết hợp với Zidovudine. Khi có các dấu hiệu lâm sàng khác thường, cần phải ngưng thuốc ngay lập tức
- Người bị suy chức năng thận, thiếu niên nặng dưới 50kg và trẻ dưới 12 tuổi: Không dùng chế phẩm kết hợp cố định chứa Zidovudine và Lamivudine, vì không thể hiệu chỉnh riêng từng thuốc.
- Lamivudine không chữa khỏi nhiễm HIV. Vì vậy, người bệnh vẫn phải được theo dõi và chăm sóc liên tục.
- Lamivudine không có tác dụng làm giảm nguy cơ lây truyền HIV, vì vậy người bệnh phải dùng bao cao su để bảo vệ bạn tình.
- Phụ nữ mang thai có thể dùng Lamivudine, đặc biệt khi có cơ may bảo vệ khỏi lây nhiễm sang thai nhi. Tuy nhiên khi dùng Lamivudine kết hợp uống (viên Lamivudine và Zidovudine) thì tránh dùng thuốc cho người mang thai.
6. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng thuốc Heptavir là:
- Khi dùng kết hợp với Lamivudine thì nồng độ Zidovudine trong huyết tương tăng lên đáng kể (khoảng 39%)
- Trimethoprim/Sulfamethoxazole làm tăng sinh khả dụng của Lamivudine (44%) thể hiện qua trị số đo diện tích dưới đường cong nồng độ – thời gian (AUC), và làm giảm độ thanh thải qua thận (30%).
- Mặc dù AUC không bị ảnh hưởng nhiều, sự hấp thu Lamivudine bị chậm lại và nồng độ đỉnh huyết tương thấp hơn 40% khi cho người bệnh uống thuốc lúc no so với uống thuốc lúc đói.
Trong quá trình sử dụng thuốc Heptavir, người bệnh cần chú ý làm đúng theo những chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ các lưu ý trước khi dùng để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.