Thuốc Heparigen thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá có thành phần chính là L- Ornithine- L- Aspartate thường được dùng để giải độc, bài tiết nito, thúc đẩy sự phát triển cơ bắp, đặc biệt có tác dụng tăng cường chức năng gan, tái tạo tế bào gan, kích thích quá trình sản sinh tế bào mới thay thế cho tế bào cũ bị tổn thương.
1. Heparigen là thuốc gì?
Thuốc Heparigen có thành phần chính là L- Ornithine- L- Aspartate (LOLA), dạng muối bền của hai amino acid ornithine và aspartic acid được chỉ định trong các bệnh gan cấp và mãn tính như xơ gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, kết hợp với amoniac máu, đặc biệt là trong các biến chứng về thần kinh (bệnh não gan). LOLA có tác dụng kích thích tổng hợp vòng ure và glutamine có vai trò quan trọng trong cơ chế giải độc amoniac, loại trừ amoniac ngoài gan từ các mô giúp bảo vệ tế bào gan. Ngoài ra, Heparigen còn tạo ra năng lượng dưới dạng ATP từ đó cải thiện cân bằng năng lượng của gan bệnh. Từ những công dụng trên mà thuốc Heparigen thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Hỗ trợ điều trị tăng amoniac trong máu bằng cách thải nito ra ngoài, nhất là ở các tình trạng viêm gan, xơ gan, não gan
- Điều trị suy tế bào gan khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi, ngứa ngáy khó chịu
- Điều trị tiền hôn mê gan và hôn mê gan
Một số chống chỉ định của thuốc Heparigen gồm có:
- Bệnh nhân mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc Heparigen
- Bệnh nhân suy thận
- Bệnh nhân nhiễm acid lactic, nhiễm độc methanol, không dung nạp fructose- sorbitol, thiếu men fructose 1,6- diphosphatase
2. Liều sử dụng của thuốc Heparigen
Thuốc Heparigen được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền nên bệnh nhân sử dụng thuốc bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm, thuốc Heparigen có thể hoà trong bất cứ dịch truyền khác. Liều sử dụng của Heparigen tùy thuộc vào mục tiêu điều trị và đối tượng bệnh lý, cụ thể như sau:
- Người lớn (>12 tuổi) bị viêm gan cấp: 1-2 ống (500mg/5ml)/ngày
- Người lớn (>12 tuổi) bị viêm gan mạn tính hoặc xơ gan: 2-4 ống/ngày
- Có thể tăng liều tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh
- Rối loạn tiền hôn mê gan và hôn mê gan: 8 ống/24 giờ với tốc độ truyền tối đa 5 g/giờ không dùng quá 6 ống trong 500 ml dịch truyền
- Ở dạng tiêm: có thể tiêm tĩnh mạch chậm 2 ống (500mg/5ml)/ngày trong giai đoạn đầu, liều có thể tiếp diễn liên tục trong 3-4 tuần, kết hợp với dạng uống hoặc tiêm truyền trong trường hợp nặng.
3. Tác dụng phụ của thuốc Heparigen
Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Heparigen có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Cảm giác bỏng rát ở thanh quản hoặc buồn nôn
Nguy cơ sốc phản vệ khi dùng thuốc theo đường tiêm tĩnh mạch: khó thở, hoảng hốt, phù thanh quản, suy tim, tay chân lạnh hoặc truỵ mạch
4. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Heparigen
Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Heparigen gồm có:
- Theo dõi nồng độ thuốc và nồng độ ure trong nước tiểu và máu ở những người sử dụng Heparigen liều cao
- Hết sức chú ý đến tình trạng sốc phản vệ khi tiêm truyền tĩnh mạch
- Không dùng thuốc hết hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng
- Chú ý cẩn thận khi cắt ống thuốc vì có thể có những mảnh thuỷ tinh rất nhỏ rơi vào dung dịch
- Đặc biệt lưu ý trường hợp sử dụng Heparigen trên bệnh nhân trong thai kỳ hoặc cho con bú, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét lợi ích thuốc mang lại so với tác hại tiềm tàng
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh bụi bặm, ẩm mốc
Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu rõ về các thuốc hay thực phẩm chức năng mang tính tương tác với thuốc, tuy nhiên vẫn nên cẩn thận với các đồ ăn dùng kèm theo.
Thuốc Heparigen thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá có thành phần chính là L- Ornithine- L- Aspartate thường được dùng để giải độc, bài tiết nito, thúc đẩy sự phát triển cơ bắp, đặc biệt có tác dụng tăng cường chức năng gan, tái tạo tế bào gan, kích thích quá trình sản sinh tế bào mới thay thế cho tế bào cũ bị tổn thương. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.