Thuốc Hepaprofastopa là thuốc kê đơn, dùng đường truyền tĩnh mạch điều trị các bệnh gan cấp và mãn tính. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Hepaprofastopa, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Hepaprofastopa trong bài viết dưới đây.
1. Hepaprofastopa công dụng là gì?
1.1. Thuốc Hepaprofastopa là thuốc gì?
Thuốc Hepaprofastopa thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, do công ty Meditech Korea Pharm Co., Ltd Hàn Quốc sản xuất, nhập khẩu về Việt Nam bởi Công ty TM Tân Á Châu.
Thuốc có thành phần chính là L-Ornithine-L-Aspartate hàm lượng 500 mg hoặc 5 gam. Với dạng bào chế ống thuỷ tinh màu nâu hàm lượng 500mg, hộp 10 ống x 5ml; hàm lượng 5 gam, hộp 10 ống x 10ml.
Thuốc Hepaprofastopa khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.
1.2. Thuốc Hepaprofastopa có tác dụng gì?
Thuốc Hepaprofastopa là sự kết hợp ổn định của hai loại amino acid nội sinh quan trọng L-Ornithine và L-Aspartate. Hầu hết các bệnh về gan đều là do tình trạng tăng amoniac trong máu, L-Ornithine chuyển amoniac có độc thành urê không có độc và đào thải qua thận, giúp cho gan thực hiện được chức năng bình thường của nó. L-Aspartate thực hiện nhiệm vụ tái tạo tế bào gan.
Do đó, Hepaprofastopa được bác sĩ kê đơn chỉ định trong các trường hợp:
- Trong điều trị chứng tăng amoniac trong máu ở những bệnh nhân bị các bệnh gan cấp hoặc mãn tính như gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan siêu virus.
- Trong điều trị các rối loạn khởi phát của tiền hôn mê gan, hôn mê gan hay bệnh não gan.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính L-Ornithine và L-Aspartate hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Những bệnh nhân bị nhiễm acid lactic huyết, bất dung nạp fructose-sorbitol, ngộ độc methanol và tình trạng thiếu men fructose-1,6-diphosphatase.
- Bệnh nhân suy thận nặng (có mức creatinin trong huyết thanh vượt quá 3 mg/100 ml).
- Tiêm bắp
2. Cách sử dụng của thuốc Hepaprofastopa
2.1. Cách dùng thuốc Hepaprofastopa
- Thuốc Hepaprofastopa dùng đường tiêm truyền tĩnh mạch do thuốc phát huy tác dụng lên đến 82,2 ± 28% sau khi được tiêm truyền tĩnh mạch.
- Có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch nhưng đối với hàm lượng 5 gam thì nên pha truyền (với dung dịch Glucose 5% hoặc Natri clorid 0,9%) do kinh nghiệm trên lâm sàng cho thấy nhiều bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ buồn nôn và nôn sau khi được tiêm chậm tĩnh mạch.
- Dùng thuốc đúng theo đơn hoặc theo y lệnh của bác sĩ
2.2. Liều dùng của thuốc Hepaprofastopa
Đối với loại Hepaprofastopa 500mg: Viêm gan cấp tính hay mãn tính: Tiêm tĩnh mạch chậm 1 hoặc 2 ống một ngày trong tuần đầu tiên, tiếp tục duy trì trong 3 đến 4 tuần tiếp theo nếu triệu chứng không cải thiện. Với những trường hợp nặng, có thể tăng liều lên 4 ống một ngày.
Đối với loại Hepaprofastopa 5 gam:
- Viêm gan mạn tính: Liều khởi đầu từ 10 đến 20 g Hepaprofastopa (tương đương 2 đến 4 ống) mỗi ngày, pha loãng vào dung dịch tiêm truyền.
- Xơ gan: Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ: dùng 5 g (tương đương 1 ống tiêm) Hepaprofastopa mỗi lần, 5 đến 20 g (tương đương 1 đến 4 ống tiêm) mỗi ngày, pha loãng vào dung dịch tiêm truyền.
- Bệnh nhân có triệu chứng từ trung bình đến nặng (bao gồm tiền hôn mê gan và hôn mê gan), dùng 40 gam (tương đương 8 ống tiêm) Hepaprofastopa mỗi ngày, pha loãng vào dung dịch tiêm truyền, truyền chậm. Cân nhắc điều chỉnh liều dùng theo các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
Xử lý khi quên liều:
- Thuốc Hepaprofastopa được thực hiện bởi nhân viên y tế nên việc quên liều sẽ rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu không may bỏ lỡ một liều cần tiêm truyền ngay khi có thể và liều tiếp theo nên cách liều vừa thực hiện khoảng 12 tiếng. Nếu đã quá muộn để thực hiện thuốc trong ngày có thể bỏ qua liều đã bỏ lỡ và tiếp tục liều tiếp theo như lịch trình.
- Không truyền gấp đôi liều sẽ dẫn đến tình trạng viêm gan nặng hơn.
Xử trí khi quá liều:
Việc dùng quá liều cũng sẽ được hạn chế do thuốc được thực hiện bởi nhân viên y tế. Tuy nhiên nếu xảy ra quá liều thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để xử trí kịp thời.
Hiện không có thuốc giải độc đặc trị, các biện pháp áp dụng chủ yếu là điều trị triệu chứng và xử lý tình huống. Cần theo dõi sát bệnh nhân dùng quá liều Hepaprofastopa
3. Lưu ý khi dùng thuốc Hepaprofastopa
- Không dùng thuốc Hepaprofastopa khi đã quá hạn trên bao bì, thuốc đổi màu, có mùi lạ, có cặn lắng, ống bị dập, vỡ. Thuốc đã mở niêm phong cần được sử dụng ngay.
- Dùng thuốc đúng đường tiêm khuyến cáo, không tiêm bắp có thể gây áp xe.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc ở đối tượng trẻ em và người cao tuổi do mức chuyển hoá ở trẻ em chưa hoàn thiện và người già bị suy giảm nhiều. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc cần có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
- Sau mỗi đợt điều trị bệnh nhân cần xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận để đánh giá hiệu quả điều trị và cân nhắc việc có cần thiết phải tiếp tục dùng Hepaprofastopa nữa hay không.
- Những bệnh nhân dùng thuốc với liều cao cần kiểm tra theo dõi sát chỉ số urê huyết và ure niệu.
- Đặc biệt lưu ý bệnh nhân không dùng các chất kích thích trong quá trình điều trị, đặc biệt là bia rượu.
- Kết hợp chế độ ăn uống phù hợp để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
- Thông báo ngay cho bác sĩ bất kỳ dấu hiệu bất thường nào bạn có trong quá trình điều trị với Hepaprofastopa.
- Do chưa có nhiều nghiên cứu an toàn cho việc sử dụng thuốc Hepaprofastopa cho nhóm đối tượng là phụ nữ có thai và cho con bú nên cân nhắc việc sử dụng, chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và cần đánh giá cẩn thận về lợi ích và nguy cơ.
- Thuốc Hepaprofastopa không ảnh hưởng đến việc lái xe hay vận hành máy móc.
4. Tác dụng phụ của thuốc Hepaprofastopa
Về cơ bản Hepaprofastopa hầu như không gây ra các tác dụng phụ. Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất là buồn nôn, nôn hay cảm giác nóng ở thanh quản có thể do tốc độ tiêm truyền không phù hợp hoặc do bệnh nhân quá nhạy cảm.
Xử trí ADR:
- Chủ yếu là thay đổi đường tiêm hoặc ngừng sử dụng thuốc.
- Nếu đang thực hiện tiêm tĩnh mạch Hepaprofastopa bệnh nhân có các dấu hiệu trên cần tiêm chậm lại hoặc chuyển sang pha loãng Hepaprofastopa với dung dịch Glucose 5% hoặc Natri clorid 0,9% để truyền tĩnh mạch.
- Nếu đang thực hiện truyền tĩnh mạch Hepaprofastopa bệnh nhân có các dấu hiệu trên cần giảm tốc độ truyền về tối thiểu, quan sát tình trạng bệnh nhân, có thể dừng một lúc để bệnh nhân ổn định lại và tiếp tục truyền tiếp với tốc độ chậm hơn.
- Với những trường hợp mẫn cảm nặng hoặc có phản ứng dị ứng, cần tiến hành điều trị hỗ trợ (giữ thoáng thoáng đường thở, thở oxygen (nếu cần) và dùng epinephrine, kháng histamin, corticoid...).
5. Cách bảo quản thuốc Hepaprofastopa
- Thời gian bảo quản thuốc Hepaprofastopa là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng phù hợp (dưới 30 độ C), trong bào bì gốc, có chống sốc.
- Không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, hay các vị trí có nguồn nhiệt cao như cạnh bên tủ lạnh, máy sưởi hoặc tivi dễ dẫn đến việc biến đổi thuốc.
- Tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt như trong nhà tắm, tủ lạnh, không đông lạnh thuốc.
- Nên để thuốc trên cao khỏi tầm với của trẻ nhỏ do nguy cơ rơi, vỡ ống thuốc gây nguy hiểm cho trẻ.
Trên đây là những công dụng về thuốc Hepaprofastopa việc nắm rõ thông tin về cách sử dụng, liều dùng sẽ giúp mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.