Hacosamin là thuốc được sử dụng để giảm triệu chứng thoái hoá khớp gối từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, tránh tác dụng phụ xảy ra, người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia có chuyên môn trước khi sử dụng.
1. Sử dụng thuốc Hacosamin có tác dụng gì?
Hacosamin là thuốc có chứa thành phần chính là Glucosamine sulfate. Đây vốn là một loại đường tự nhiên có nhiều trong chất lỏng và các mô đệm của khớp (hay còn được gọi là sụn). Ngoài ra, glucosamine cũng được tìm thấy trong lớp vỏ cứng của một số loại thủy hải sản như tôm, cua, sò, hến.
Bên cạnh đó, những chất này cũng có thể được tạo ra từ phòng thí nghiệm và được sử dụng để bổ sung cho người bị viêm xương khớp, giúp giảm đau hiệu quả.
Tuy nhiên, mặc dù các loại thuốc Glucosamine có khả năng giảm đau đầu gối ở những người viêm xương khớp từ trung bình đến nặng nhưng lại không phát huy hiệu quả cao ở người đau đầu gối nhẹ, đau trong một thời gian dài, thừa cân...
Ngoài ra, một số tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù glucosamin sulfat có khả năng giảm đau hiệu quả hơn so với sử dụng ibuprofen nhưng thời gian tác động lại chậm hơn. Bệnh nhân sẽ cần chờ thời gian từ 4 đến 8 tuần để glucosamine sulfate phát huy được tác dụng tối ưu nhất.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Hacosamin
Với tác dụng trên, thuốc Hacosamin được chỉ định sử dụng trong những trường hợp bệnh nhân bị thoái hoá xương khớp, thoái khớp nguyên phát và thứ phát tại một số vị trí như khớp gối, háng, tay, cột sống, vai. Thuốc cũng phù hợp với những người bị viêm quanh khớp, loãng xương, gãy xương, teo khớp, viêm khớp mãn và cấp tính.
Ngoài ra, bạn cần chú ý Hacosamin chống chỉ định với người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Hacosamin
- Người bị thoái hoá khớp nhẹ và trung bình: Sử dụng thuốc 1 lần/ngày với liều 500mg. Thời gian sử dụng kéo dài khoảng 4 - 12 tuần hoặc lâu hơn tuỳ tình trạng bệnh. Người bệnh có thể nhắc lại 2 - 3 đợt điều trị trong 1 năm khi cần thiết.
- Người bị thoái hóa khớp nặng: Sử dụng thuốc 3 lần x 500mg trong 2 tuần đầu, sau đó giảm xuống còn 500mg/lần x 2 lần/ngày trong 6 tuần tiếp theo.
- Sử dụng liều duy trì: Trong vòng 3 - 4 tháng sau dùng thuốc với liều 500mg/lần x 2 lần/ngày.
Để Hacosamin phát huy hiệu quả tốt nhất, người bệnh hãy dùng thuốc 15 phút trước bữa ăn.
4. Tác dụng phụ thuốc Hacosamin
Thuốc Hacosamin khá an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh vẫn có nguy cơ gặp phải một số vấn đề như: Táo bón, tiêu chảy, buồn ngủ, đau đầu, ợ nóng, buồn nôn, phát ban.
Khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, người bệnh cần ngưng dùng thuốc và nhờ sự tư vấn từ phía bác sĩ.
5. Tương tác thuốc
Hacosamin có thể tương tác với warfarin (Coumadin) làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu nguy hiểm.
Ngoài ra, Hacosamin cũng có nguy cơ giảm hiệu quả của một số thuốc sau:
- Thuốc Acetaminophen (Tylenol).
- Thuốc sử dụng khi hoá trị bao gồm (Adriamycin, Rubex); Etoposide (Etoposide) và teniposide (Vumon).
- Thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường (Amaryl), Glyburide (DiaBeta), pioglitazone (Actos), insulin (NovoLog) và Rosiglitazone (Avandia).
6. Thận trọng khi dùng Hacosamin
- Hacosamin có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin bên bệnh nhân bị tiểu đường hoặc kháng insulin cần gặp bác sĩ để tư vấn trước khi sử dụng.
- Không nên dùng Hacosamin cho phụ nữ có thai hoặc dự định có thai và cho trẻ < 12 tuổi.
- Khi dùng Hacosamin cần theo dõi đường huyết thường xuyên trên bệnh nhân đái tháo đường.
Về cơ bản, trước khi sử dụng Hacosamin người bệnh cần chú ý đến thông tin bào chế, hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Điều này giúp thuốc có thể phát huy tác dụng tốt nhất trong việc cải thiện tình trạng viêm xương khớp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.