Công dụng thuốc Gliclazide 80mg

Thuốc Gliclazide 80mg thuộc nhóm thuốc hormone, nội tiết tố, có thành phần là Gliclazide, viên nén hàm lượng 80mg. Ngoài ra, thuốc Gliclazide còn có dạng viên nén 40mg; viên nén giải phóng kéo dài 30mg và 60mg. Thuốc Gliclazide được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

1. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Gliclazide 80mg

Chỉ định: Gliclazide là 1 hoạt chất chống đái tháo đường sulfonylurea. Thuốc Gliclazide 80mg được chỉ định sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường khởi phát giai đoạn trưởng thành (đái tháo đường tuýp 2).

Chống chỉ định:

  • Người bệnh quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, các sulfonylurea, sulfonamid khác;
  • Bệnh tiểu đường tuýp 1;
  • Tiền hôn mê tiểu đường, hôn mê;
  • Bệnh tiểu đường phức tạp do nhiễm toan hoặc nhiễm ceton;
  • Người bệnh tiểu đường sau chấn thương nặng, đang nhiễm trùng hoặc đang phẫu thuật;
  • Người bệnh suy gan hoặc suy thận nặng: Được khuyến nghị sử dụng insulin thay vì Gliclazide;
  • Người đang điều trị bằng miconazole;
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Gliclazide 80mg

Cách dùng: Thuốc tiểu đường Gliclazide 80mg dùng theo đường uống.

Liều dùng: Tổng liều hằng ngày có thể thay đổi trong khoảng 40 - 320mg. Liều dùng được điều chỉnh theo đáp ứng của bệnh nhân, bắt đầu với 40 - 80mg/ngày, tăng dần cho tới khi đạt mức kiểm soát bệnh thích hợp. 1 liều duy nhất không được vượt quá 160mg. Khi cần dùng liều cao hơn, bệnh nhân có thể sử dụng Gliclazide 2 lần/ngày, theo các bữa ăn chính trong ngày. Ở những bệnh nhân béo phì hoặc những người không đáp ứng đầy đủ với Gliclazide, có thể sẽ cần điều trị bổ sung.

Quá liều: Sử dụng thuốc Gliclazide quá liều có thể gây hạ đường huyết. Cách xử lý cụ thể:

  • Với các triệu chứng hạ đường huyết vừa phải, không có dấu hiệu mất ý thức hoặc thần kinh, cần điều trị bằng cách bổ sung carbohydrate, điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi chế độ ăn. Nên tiếp tục theo dõi cho tới khi xác định bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch;
  • Trường hợp xảy ra phản ứng hạ đường huyết nghiêm trọng (hôn mê, co giật, rối loạn thần kinh), cần được điều trị cấp cứu ngay. Nếu nghi ngờ hôn mê hạ đường huyết, bệnh nhân cần được tiêm tĩnh mạch nhanh 50ml dung dịch glucose đậm đặc (20 - 30%), sau đó truyền dung dịch glucose loãng hơn (10%) với tốc độ duy trì mức đường huyết trên 1g/l. Người bệnh cần được theo dõi đường huyết và sức khỏe chặt chẽ.

Quên liều: Khi bệnh nhân quên liều, cần uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới thời điểm dùng liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch dùng liều kế tiếp như kế hoạch ban đầu.


Thuốc gliclazide 80mg cần được sử dụng chính xác
Thuốc gliclazide 80mg cần được sử dụng chính xác

3. Tác dụng phụ của thuốc Gliclazide 80mg

Khi sử dụng thuốc Gliclazide 80mg, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Hạ đường huyết;
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiêu, táo bón;
  • Rối loạn da và mô dưới da: Phát ban, nổi mề đay, ngứa, ban đỏ, phù mạch, phát ban dát sần, phản ứng bóng nước,...;
  • Rối loạn máu và hệ bạch huyết: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt;
  • Rối loạn gan mật: Tăng men gan hoặc mắc viêm gan;
  • Rối loạn mắt: Rối loạn thị giác thoáng qua (đặc biệt khi bắt đầu điều trị).

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên ngưng sử dụng, thông báo cho bác sĩ để được xử trí, điều trị kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Gliclazide 80mg

Trước khi sử dụng thuốc Gliclazide 80mg, bệnh nhân cần thận trọng:

  • Hạ đường huyết: Chỉ nên chỉ định sử dụng Gliclazide nếu người bệnh có khả năng ăn uống thường xuyên. Bệnh nhân cần ăn 1 lượng carbohydrate thường xuyên vì nguy cơ hạ đường huyết sẽ tăng nếu ăn muộn, tiêu thụ lượng thức ăn quá ít hoặc thức ăn có hàm lượng carbohydrate thấp;
  • Suy gan và suy thận: Dược lực học hoặc dược động học của Gliclazide có thể bị thay đổi ở bệnh nhân suy gan hoặc suy thận nặng;
  • Kiểm soát đường huyết kém: Khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đang điều trị tiểu đường có thể bị ảnh hưởng do sốt, nhiễm trùng, chấn thương, can thiệp phẫu thuật,... Các thuốc điều trị tiểu đường đều thường bị giảm hiệu quả theo thời gian. Điều này có thể do sự tiến triển của bệnh hoặc giảm đáp ứng với việc điều trị;
  • Bệnh nhân dùng đồng thời Gliclazide 80mg và fluoroquinolone có thể bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết;
  • Điều trị Gliclazide cho bệnh nhân thiếu men G6PD có thể gây thiếu máu tan máu;
  • Hiện chưa có nghiên cứu chi tiết về việc sử dụng Gliclazide ở phụ nữ có thai và cho con bú. Vì vậy, tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc này cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Người bệnh gặp vấn đề đường huyết nên thận trọng khi sử dụng Gliclazide 80mg
Người bệnh gặp vấn đề đường huyết nên thận trọng khi sử dụng Gliclazide 80mg

5. Tương tác thuốc Gliclazide 80mg

Một số tương tác thuốc của Gliclazide 80mg gồm:

  • Phenylbutazone (đường toàn thân): Làm tăng tác dụng hạ đường huyết của Gliclazide;
  • Danazol: Danazol có khả năng gây khởi phát tiểu đường, không nên dùng chung với Gliclazide. Nếu dùng chung, cần theo dõi nước tiểu và đường huyết thường xuyên hoặc điều chỉnh liều dùng của thuốc trị tiểu đường;
  • Rượu: Làm tăng phản ứng hạ đường huyết, có thể dẫn đến hôn mê hạ đường huyết;
  • Chlorpromazine (thuốc an thần kinh): Dùng Chlorpromazine liều cao (trên 100mg/ngày) làm tăng nồng độ glucose trong máu;
  • Glucocorticoid (đường toàn thân và tại chỗ): Làm tăng nồng độ glucose trong máu;
  • Ritodrine, salbutamol, terbutaline (IV): Làm tăng nồng độ đường huyết. Vì vậy, bệnh nhân cần theo dõi kỹ đường huyết, có thể chuyển sang dùng insulin;
  • Fluoroquinolones: Khi sử dụng đồng thời Gliclazide và fluoroquinolone, người bệnh cần chú ý theo dõi đường huyết vì có nguy cơ rối loạn đường huyết.

Thuốc Gliclazide 80mg được chỉ định để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về các loại dược phẩm mình đang sử dụng để được hướng dẫn về cách dùng thuốc và liều dùng phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe