Công dụng thuốc Fucothepharm

Thuốc Fucothepharm được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là Fluconazol. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh nấm Candida và một số tình trạng nhiễm nấm khác.

1. Thuốc Fucothepharm có tác dụng gì?

Thuốc Fucothepharm có tác dụng gì? 1 viên thuốc Fucothepharm có chứa 150mg Fluconazol và các tá dược khác. Fluconazol thuộc nhóm thuốc tổng hợp triazol chống nấm mới, có tác dụng chống nấm nhờ khả năng làm biến đổi màng tế bào, tăng tính thấm màng tế bào, làm thoát các yếu tố thiết yếu (như amino acid, kali) và làm giảm nhập các phân tử tiền chất (như purin và pyrimidin tiền chất của DNA). Thuốc Fluconazol tác động bằng cách ức chế cytochrom P450 14 alpha demethylase, giúp ngăn chặn tổng hợp ergosterol (sterol chủ yếu ở màng tế bào nấm).

Fluconazol và các triazol chống nấm khác như itraconazol có ái lực mạnh đối với enzyme P450 của nấm, có ái lực yếu với enzyme P450 của động vật có vú. Đây cũng là các thuốc ức chế đặc hiệu hệ thống cytochrome P450 của nấm hơn so với các dẫn chất imidazol khác như ketoconazol. Fluconazol không có tác dụng kháng khuẩn.

Chỉ định sử dụng thuốc Fucothepharm:

  • Điều trị các bệnh nhiễm nấm Candida ở miệng - họng, thực quản, âm đạo - âm hộ và bệnh nhiễm nấm Candida toàn thân nghiêm trọng khác (nhiễm Candida đường niệu, màng bụng, phổi, máu và nhiễm Candida phát tán);
  • Điều trị viêm màng não do Cryptococcus neoformans, bệnh nấm gây ra bởi Blastomyces, Histoplasma và Coccidioides immitis;
  • Dự phòng nhiễm nấm Candida cho bệnh nhân ghép tủy xương đang điều trị bằng tia xạ hoặc hóa chất;
  • Dự phòng các bệnh nhiễm nấm trầm trọng như nhiễm nấm Candida, Cryptococcus, Histoplasma và Coccidioides immitis ở người nhiễm HIV.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Fucothepharm:

  • Người bị quá mẫn với Fluconazol hoặc thành phần khác của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Fucothepharm

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Nhiễm nấm Candida âm đạo: Dùng liều 1 viên/lần. Với trường hợp hay tái phát thì dùng liều 1 viên/tháng x 4 - 12 tháng;
  • Nấm da (nấm chân, nấm thân, nấm da đầu, nấm bẹn, nhiễm Candida da): Dùng liều 1 viên/lần/tuần x 2 - 4 tuần. Bệnh nhân bị nấm chân có thể cần phải điều trị tới 6 tuần;
  • Lang ben: Dùng liều 2 viên/lần/tuần x 2 - 3 tuần;
  • Nấm móng: Dùng liều 1 viên/lần/tuần x 3 - 6 tháng đối với nấm móng tay, 6 - 12 tháng đối với nấm móng chân;
  • Viêm màng não do nấm cryptococcus: Dùng liều khởi đầu 2 viên/lần trong ngày đầu tiên, sau đó dùng liều 1 - 2 viên/ngày x 6 - 8 tuần.

Liều dùng cho bệnh nhân suy thận: Tùy chỉnh theo độ thanh thải creatinin:

  • Clcr > 50ml/phút: Không phải thay đổi liều dùng thuốc;
  • Clcr 11 - 50ml/phút: Dùng bằng 1⁄2 liều thông thường;
  • Bệnh nhân thẩm tách máu: Dùng liều thông thường sau mỗi lần thẩm tách. Nên dùng Fluconazol sau khi thẩm tách máu xong vì mỗi lần thẩm tách kéo dài 3 giờ sẽ làm giảm khoảng 50% nồng độ thuốc trong huyết tương;
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc trong liệu pháp dùng 1 liều duy nhất để trị nấm âm hộ - âm đạo.

Quá liều: Nếu chẩn đoán lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện quá liều khi dùng thuốc Fucothepharm thì cần đưa người bệnh nhập viện ngay để được giám sát cẩn thận trong ít nhất 24 giờ. Bác sĩ sẽ theo dõi về các dấu hiệu lâm sàng, nồng độ kali huyết, làm các xét nghiệm về gan, thận. Nếu có bằng chứng tổn thương gan hoặc thận thì bệnh nhân sẽ được nằm viện cho tới khi không còn dấu hiệu nguy hiểm.

Trong 8 giờ đầu sau khi dùng thuốc, nếu không có biểu hiện quá liều hoặc triệu chứng lâm sàng khác không giải thích được thì người bệnh sẽ không cần giám sát tích cực nữa. Nên theo dõi tình trạng hô hấp, tuần hoàn cho tới khi bệnh nhân tỉnh táo, thở bình thường, mọi thứ ổn định. Với trường hợp quá liều nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được thẩm tách máu.

3. Tác dụng phụ của thuốc Fucothepharm

Tác dụng phụ xảy ra ở khoảng 5 - 30% bệnh nhân dùng thuốc Fluconazol 7 ngày hoặc lâu hơn. Tỷ lệ phải ngừng thuốc do tác dụng phụ là khoảng 1 - 2,8%. Với phụ nữ dùng 1 liều duy nhất để trị nấm Candida âm hộ - âm đạo thì tỷ lệ gặp tác dụng phụ là 26 - 31%. Ngoài ra, các tác dụng phụ cũng thường gặp ở bệnh nhân nhiễm HIV hơn so với người không bị nhiễm.

Khi sử dụng thuốc Fucothepharm, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy;
  • Ít gặp: Tăng nhẹ nhất thời transaminase và bilirubin huyết thanh, nổi ban, ngứa da;
  • Hiếm gặp: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, tăng cao nồng độ transaminase trong huyết thanh, da bị tróc vảy (thường gặp ở người bệnh AIDS và ung thư), hội chứng Stevens - Johnson, sốt, phù, tiểu ít, tràn dịch màng phổi, hạ kali máu, hạ huyết áp, phản vệ,...

Bệnh nhân nên ngay lập tức thông báo cho bác sĩ về các tác dụng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc Fucothepharm để có hướng xử trí thích hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Fucothepharm

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Fucothepharm:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Fucothepharm ở người bị suy giảm chức năng thận hoặc gan;
  • Đến nay còn chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng Fluconazol ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đã có thông báo về nguy cơ dị dạng bẩm sinh ở nhiều bộ phận của trẻ ở những bà mẹ dùng Fluconazol liều cao (400 - 800mg/ngày) để điều trị nấm do Coccidioides immitis trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, chỉ nên dùng thuốc Fluconazol cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ, đã được bác sĩ cho phép;
  • Fluconazol tiết vào sữa mẹ với nồng độ tương tự như trong huyết tương nên bà mẹ đang cho con bú không nên sử dụng loại thuốc này.

5. Tương tác thuốc Fucothepharm

Một số tương tác thuốc của Fucothepharm gồm:

  • Sử dụng đồng thời Fluconazol (200mg/ngày) với rifabutin (300mg/ngày) và rifampicin cho bệnh nhân nhiễm HIV sẽ làm gia tăng nồng độ của rifabutin và chất chuyển hóa chính trong huyết tương;
  • Sử dụng đồng thời Fluconazol với zidovudin sẽ gây trở ngại tới chuyển hóa và thanh thải của zidovudin. Fluconazol có thể làm tăng AUC, nồng độ đỉnh huyết tương và nửa đời thải trừ cuối của zidovudin ở bệnh nhân nhiễm HIV;
  • Dùng đồng thời Fluconazol với các thuốc chống đông nhóm coumarin như warfarin sẽ làm tăng thời gian prothrombin. Do đó, cần theo dõi thời gian prothrombin cẩn thận khi dùng đồng thời 2 loại thuốc này;
  • Sử dụng đồng thời Fluconazol với cyclosporin có thể làm gia tăng nồng độ cyclosporin trong huyết tương, đặc biệt ở bệnh nhân ghép thận. Do đó, nên theo dõi cẩn thận nồng độ cyclosporin trong huyết tương ở bệnh nhân đang dùng cả Fluconazol, cần điều chỉnh liều dùng cyclosporin cho thích hợp;
  • Khi dùng đồng thời, Fluconazol có thể làm gia tăng nồng độ astemizol trong huyết tương, gây ra các tai biến tim mạch nguy hiểm như loạn nhịp tim, ngừng tim, đánh trống ngực, ngất xỉu và tử vong;
  • Dùng đồng thời Fluconazol với cisaprid có thể làm gia tăng nồng độ cisaprid trong huyết tương. Bệnh nhân nên được theo dõi cẩn thận nếu sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này;
  • Dùng đồng thời Fluconazol và phenytoin sẽ làm tăng nồng độ phenytoin trong huyết tương và tăng AUC của phenytoin, dẫn tới ngộ độc phenytoin. Do đó, nên hết sức thận trọng khi sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này;
  • Dùng đồng thời Fluconazol với các thuốc chống đái tháo đường sulfonylurea như tolbutamid, glipizid hoặc glyburid có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương và giảm chuyển hóa các loại thuốc chống tiểu đường;
  • Khi dùng đồng thời, Fluconazol có thể làm tăng nồng độ theophylin trong huyết thanh và dẫn tới ngộ độc. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi nồng độ theophylin và dùng thuốc hết sức thận trọng để tránh liều gây độc của theophylin.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Fucothepharm, để tránh tương tác thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc mình đang dùng, các bệnh lý mình đã/đang mắc phải. Đồng thời, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc, không tự ý thay đổi liều dùng, cách dùng, thời gian sử dụng,... để tránh nguy cơ gặp phải biến cố nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe