Thuốc Frantamol là một loại thuốc được dùng để giảm các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể trong một số trường hợp. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau để có thể phù hợp sử dụng cho nhiều đối tượng.
1. Thuốc Frantamol tác dụng gì?
Frantamol có thành phần chính là Paracetamol hay acetaminophen được bào chế dưới nhiều dạng như sau:
- Thuốc hạ sốt Frantamol trẻ em: Được bào chế dưới dạng gói bột, với hàm lượng paracetamol phù hợp để dùng cho trẻ em như Frantamol trẻ em 80mg, 150mg và 250mg.
- Thuốc Frantamol cảm cúm: thuốc Frantamol cảm cúm có thành phần chính là paracetamol 500 mg, cafein 25mg, phenylephrine HCl 5mg. Được dùng để giảm các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ bắp, sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang do cảm cúm hoặc viêm xoang do dị ứng với thời tiết.
Paracetamol là thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau chống viêm nhưng chủ yếu có tác dụng giảm đau và hạ nhiệt, không tác động lên sự ngưng tập tiểu cầu và phản ứng viêm như các thuốc khác thuộc nhóm NSAID. Với liều ngang nhau thì paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt tương tự aspirin. Paracetamol làm giảm thân nhiệt người có nhiệt độ cao hơn bình thường nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Tác động hạ sốt là do thuốc tác dụng lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, bằng cách giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Frantamol
Thuốc Frantamol được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Điều trị các chứng đau từ nhẹ đến vừa như đau đầu, đau nhức cơ, đau lưng, đau do viêm khớp, đau răng và đau bụng kinh.
- Hạ sốt trong những trường hợp như do thấp khớp, cảm lạnh, cảm cúm và sốt do tình trạng các nhiễm trùng đường hô hấp.
- Riêng đối với thuốc Frantamol cảm cúm được dùng để giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, sốt, đau nhức do cảm cúm, cảm lạnh hay viêm mũi xoang dị ứng. Do phenylephrine có trong thuốc là một loại thuốc cường giao cảm có tác dụng giảm phù nề mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi.
Không sử dụng thuốc hạ sốt Frantamol cho các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh gan hay bệnh thận nặng.
- Người bị thiếu máu nhiều
- Người bệnh bị thiếu hụt men glucose-6-phosphat dehydrogenasse(G6PD).
- Đối với thuốc Frantamol cảm cúm thêm chống chỉ định với bệnh tim, bệnh phổi, cao huyết áp, đau thắt ngực, huyết khối mạch vành, cường giáp, tiểu đường, đang dùng thuốc IMAO hay đã dùng IMAO trong khoảng thời gian 3 tuần trước, đang lên cơn hen cấp, bệnh phì đại tuyến tiền liệt, mắc bệnh glocom góc hẹp, trẻ em dưới 12 tuổi.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Frantamol
Cách dùng: Tùy dạng bào chế mà có cách sử dụng thuốc phù hợp. Đối với dạng viên dùng bằng cách uống trực tiếp với nước, dạng gói bột thì pha với nước vừa đủ rồi uống.
Liều dùng thuốc:
- Hạ sốt và giảm đau: Dùng với liều 10 đến 15mg/kg cân nặng. Dùng cách nhau ít nhất 4- 6 giờ cho mỗi lần dùng nếu cần thiết. Một ngày không dùng quá 5 lần uống.
- Đối với thuốc Frantamol cảm cúm dùng Người lớn dùng liều 1-2 viên/lần, ngày từ 2-3 lần. Trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên/lần, ngày 2-3 lần.
Xử lý quá liều thuốc: Quá liều Paracetamol có thể xảy ra khi bạn lạm dụng thuốc, dùng thuốc với hàm lượng cao trong một lần, dùng các đường khác nhau với cùng thành phần để hạ sốt và có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn, đau bụng xuất hiện sau dùng thuốc từ 2 đến 3 giờ. Nặng hơn, có thể gây ra Methemoglobin máu (biểu hiện là xanh tím da và niêm mạc), rối loạn ý thức, lú lẫn, hôn mê và gây suy giảm chức năng gan không phục hồi nếu như không được xử trí kịp thời. Khi có tình trạng dùng quá liều xảy ra cần báo ngay cho nhân viên y tế để có những can thiệp kịp thời. Nếu có thể bạn nên sử dụng N-acetylcystein làm chất giải độc. Khi việc xử trí muộn được xác định là sau khi uống thuốc quá 36 giờ, thì gan đã có nguy cơ bị tổn thương sẽ khó hồi phục;
4. Những tác dụng phụ khi dùng thuốc Frantamol
Khi dùng thuốc hạ sốt Frantamol có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
Tác dụng phụ ít gặp:
- Phát ban trên da, mày đay;
- Buồn nôn và nôn;
- Giảm số lượng bạch cầu trung tính và giảm toàn thể huyết cầu; gây giảm tiểu cầu; giảm hồng cầu (thiếu máu);
- Độc tính trên thận khi lạm dụng dài ngày.
Nói chung nếu dùng thuốc hạ sốt Frantamol thông thường khá lành tính nếu như bạn dùng đúng cách và đúng liều lượng chỉ định. Nhưng nếu thấy các phản ứng phụ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý.
Ngoài ra, nếu dùng thuốc Fratamol cảm cúm có thể gây ra tác dụng phụ khác do phenylephrine gây ra như nhịp tim chậm, tăng huyết áp, bồn chồn, khó ngủ, lo âu, mệt mỏi, choáng váng...
5. Những lưu ý khi dùng thuốc Frantamol
Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả bạn cần lưu ý những điều sau:
- Khi dùng thuốc cần chú ý tới tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc, các bệnh lý đi kèm để tránh tác dụng không mong muốn xảy ra;
- Nên thận trọng khi sử dụng thuốc trong trường hợp sau: Thiếu máu mạn tính; người mắc bệnh lý gan, thận; người cao tuổi, nghiện rượu bởi vì Paracetamol và rượu đều có thể hại đối với gan.
- Thuốc Frantamol có nhiều dạng khác nhau, bạn nên lựa chọn dùng đúng liều và đúng loại. Tránh dùng thuốc Frantamol cảm cúm trong các trường hợp hạ sốt và giảm đau thông thường
- Thời kỳ mang thai chỉ nên sử dụng Paracetamol cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết, luôn cân nhắc lợi ích cho mẹ và nguy cơ cho thai. Nói chung nó an toàn với đối tượng này nhưng hiện chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu hết nguy cơ gây hại cho thai nhi, nên không lạm dụng khi mang thai. Đối với phụ nữ cho con bú đã có nghiên cứu ở người mẹ dùng Paracetamol, người ta chưa nhận thấy có tác dụng do thuốc không mong muốn ở trẻ bú mẹ, nên có thể dùng được, nhưng vẫn luôn cân nhắc kỹ trước khi dùng.
- Đây là thuốc điều trị triệu chứng, cho nên bạn vẫn cần tìm nguyên nhân gây bệnh mới có thể cải thiện được tình trạng bệnh. Dùng trong trường hợp sốt nên chú ý không nên lạm dụng dùng thuốc quá 3 ngày mà không tìm nguyên nhân, nếu giảm đau thì không dùng thuốc quá 10 ngày nếu không được chỉ định của bác sĩ.
- Không dùng thuốc có thành phần tương tự để hạ sốt hay các thuốc hạ sốt khác khi đang dùng Frantamol vì có thể gây hạ nhiệt nghiêm trọng. Đã có nhiều người cho trẻ uống thuốc nhưng không thấy hạ sốt, sau đó lại dùng thêm thuốc đường đặt hậu môn cùng lúc để hạ sốt. Đây là trường hợp chống chỉ định tuyệt đối, vì làm tăng hàm lượng thuốc sẽ gây nguy hại đến sức khỏe nhất là nguy cơ quá liều ở trẻ.
- Nếu bị sốt ngoài dùng thuốc bạn nên dùng thêm các biện pháp vật lý để tăng hiệu quả hạ sốt, để giúp giảm lượng thuốc đưa vào cơ thể.
- Tương tác thuốc có thể xảy ra như khi dùng paracetamol với các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới gan như barbiturat, isoniazid... khi phối hợp có thể tăng nguy cơ gây độc cho gan.
- Không dùng thuốc Frantamol khi đã có những dấu hiệu thuốc hư hỏng và quá hạn sử dụng. Bạn nên bảo quản thuốc ở những nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Trên đây là những thông tin về thuốc Frantamol, bạn nên dùng đúng để đảm bảo an toàn cho bạn và cho trẻ. Mặc dù an toàn nhưng nguy cơ ảnh hưởng tới cơ thể vẫn có, nên chú ý những lưu ý khi dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.