Thuốc Fluranex là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa có tác dụng điều trị loét dạ dày cấp tính, loét tá tràng cấp tính, bệnh trào ngược dạ dày – thực quản... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này cần phải có chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn. Vì thế, để sử dụng thuốc một cách hiệu quả và an toàn thì người dùng cần nắm rõ những thông tin về thuốc dưới đây.
1. Công dụng thuốc Fluranex
1.1. Tác dụng thành phần thuốc
Hoạt chất Famotidine có công thức tương tự như histamin nên các thuốc kháng H2-histamin cạnh tranh với histamin ở tế bào thành dạ dày, làm ngăn cản sự tiết dịch vị do các nguyên nhân gây tăng tiết histamin ở dạ dày. Thuốc có tác dụng làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl của dịch vị.
Famotidin làm giảm bài tiết acid dịch vị mà loại acid này được kích thích tăng tiết bởi histamin, gastrin và thuốc cường phó giao cảm, cùng với kích thích dây thần kinh X. Famotidin có khả năng làm giảm tiết acid dịch vị đến khoảng 94% mà ít ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày và sự bài tiết các dịch tiêu hoá khác.
1.2 Chỉ định dùng thuốc Fluranex
Thuốc được dùng để chỉ định điều trị một số bệnh lý ở đường tiêu hóa như là:
- Loét dạ dày cấp tính lành tính và loét tá tràng.
- Dự phòng tái phát loét.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Bệnh lý tăng tiết dịch đường tiêu hóa như: hội chứng Zollinger-Ellison, đa u tuyến nội tiết.
Thuốc Fluranex chống chỉ định với những bệnh nhân quá mẫn với thành phần Famotidin hoặc các thành phần khác có trong công thức thuốc.
2. Cách dùng, liều dùng
Để thuốc Fluranex công dụng được phát huy tối đa, đem lại kết quả điều trị bệnh tốt nhất thì người bệnh cần dùng thuốc đúng cách, đúng liều lượng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
2.1. Cách dùng
Thuốc được bào chế dạng viên nén nhai nên được dùng theo đường uống trực tiếp. Có thể nuốt nguyên viên hoặc nhai viên thuốc cùng với một ít nước đun sôi để nguội hoặc có thể nghiền viên thuốc trộn với thức ăn.
Lưu ý không được dùng thuốc cùng với bia rượu, đồ uống có cồn, nước trà, cà phê, đồ uống có gas, chất kích thích... sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả dùng thuốc và có thể làm gia tăng thêm tác dụng phụ.
2.2. Liều dùng
Liều dùng thuốc Fluranex 10mg tùy thuộc vào từng bệnh lý và diễn tiến của bệnh, cụ thể:
- Loét tá tràng: Uống 40mg/ngày hoặc 20mg x 2 lần/ngày và dùng trong 4 tuần, nếu cần thì 6-8 tuần; Uống liều duy trì 20mg trước khi ngủ.
- Hội chứng Zollinger-Ellison: Uống 20mg/6 giờ, có thể tăng liều khi cần, bệnh nặng có thể uống 160mg/6 giờ.
- Loét dạ dày: Uống 40mg/ngày trước khi ngủ, duy trì trong 4-8 tuần.
- Suy thận: giảm liều 20mg/ngày.
Lưu ý: Liều dùng này chỉ là liều tham khảo, còn liều dùng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định dựa vào tình trạng cụ thể và diễn tiến bệnh của người bệnh. Vì thế, người bệnh cần phải dùng thuốc theo đúng liều dùng được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý tính toán, điều chỉnh hay thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định kiến của bác sĩ.
3. Tác dụng phụ của thuốc Fluranex
Khi sử dụng thuốc Fluranex 10mg, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc đã được ghi nhận như là:
- Tác dụng phụ thường gặp: chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón.
- Tác dụng phụ ít gặp: sốt, suy nhược, mệt mỏi, loạn nhịp tim, enzyme gan bất thường, vàng da ứ mật, chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu ở bụng, khô miệng, choáng phản vệ, phù mạch, phù mặt, phù mắt, phát ban, mày đay, sung huyết kết mạc, đau cơ xương khớp, co giật toàn thân, lú lẫn, ảo giác, kích động, trầm cảm lo âu, suy giảm tình dục, dị cảm, ngủ gà, mất ngủ, co thắt phế quản, ù tai, mất vị giác.
- Hiếm gặp: đánh trống ngực, giảm huyết cầu toàn thể, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, rụng tóc, hoại tử da nhiễm độc, trứng cá, khô da, ngứa, đỏ ửng, liệt dương, vú to ở đàn ông.
Chú ý: Khi gặp phải các tác dụng phụ trên của thuốc hay các dấu hiệu bất thường khác chưa được đề cập đến ở trên. Thì người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết để được tư vấn và hướng dẫn cách xử trí an toàn.
4. Tương tác thuốc
Thuốc Fluranex có thể tương tác với một số loại thuốc khác khi dùng đồng thời và dùng tương tác thuốc là hiệp đồng hay đối kháng thì cũng đều gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc đang dùng.
Do vậy, để tránh tương tác thuốc thì người bệnh cần liệt kê và đưa danh sách các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thậm chí là thảo dược cho bác sĩ điều trị được biêt. Để bác sĩ tư vấn, thay đổi, điều chỉnh liều lượng thuốc, đơn thuốc phù hợp và mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
Một số tương tác thuốc của Fluranex bao gồm:
- Thức ăn sẽ làm tăng nhẹ và thuốc kháng acid sẽ làm giảm nhẹ sinh khả dụng của famotidin nhưng không ảnh hưởng đến tác dụng lâm sàng.
- Famotidin không ức chế chuyển hóa enzym gan cytochrome P450.
5. Lưu ý và thận trọng
Để thuốc Fluranex phát huy được công dụng điều trị bệnh và để sử dụng thuốc an toàn thì người dùng cần lưu ý, thận trọng một số vấn đề sau:
- Thuốc chỉ được dùng khi có chỉ định và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, vì thế không được tùy tiện sử dụng thuốc, cũng như không được tự ý thay đổi, điều chỉnh liều lượng, bỏ dở liệu trình dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Cần phải loại trừ nguy cơ bị u ác tính trước khi điều trị và sử dụng thuốc, vì thuốc có thể làm che lấp các triệu chứng, vậy nên làm muộn chẩn đoán.
- Ở bệnh nhân bị suy thận có độ thanh thải dưới 10mL/phút thì cần giảm liều hoặc tăng thời gian giữa các liều.
- Sau khi điều trị thuốc liên tục 2 tuần mà các triệu chứng vẫn không giảm thì nên ngừng thuốc và tư vấn ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Trên thực nghiệm không thấy thuốc có hại đến thai nhi nhưng phụ nữ mang thai không nên dùng, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
- Thuốc có bài tiết qua sữa mẹ, vì thế người mẹ nếu dùng thuốc thì cần ngưng cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
- Cần thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc nếu đã dùng thuốc vì nó có thể gây tác dụng phụ choáng váng, nhức đầu.
6. Quên liều, quá liều
Quên liều: Nếu quên uống một liều thì dùng ngay khi nhớ ra, còn nếu liều quên gần với thời gian dùng liều kế tiếp thì tiếp tục dùng theo đúng kế hoạch mà bỏ qua liều quên. Không nên uống gộp 2 liều cùng lúc để tránh làm các tác dụng phụ thêm nặng hơn.
Quá liều: Nếu có những biểu hiện nghi ngờ quá liều thì hãy gọi ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách xử trí. Còn trong trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm thì đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế gần đó để được cấp cứu kịp thời.
7. Cách bảo quản thuốc
- Thuốc nên được quản thuốc ở nơi khô ráo với nhiệt độ dưới 30 độ C, tránh ẩm, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào và tránh xa tầm với của trẻ em, vật nuôi trong nhà.
- Cần thu gom và xử lý rác thải y tế, thuốc đã không còn sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất hay công ty xử lý rác thải. Không nên vứt, xả thuốc dưới vòi nước sinh hoạt của gia đình hay vứt vào toilet.
Tất cả thông tin về thuốc Fluranex trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh chuyên sâu. Vì thế, người bệnh hãy thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả nhanh chóng và an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.