Công dụng thuốc Fabazixin

Thuốc Fabazixin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Azithromycin. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, da và mô mềm, đường tình dục,...

1. Thuốc Fabazixin có tác dụng gì?

Thuốc Fabazixin là thuốc gì? Thuốc Fabazixin có thành phần chính là Azithromycin 500mg. Azithromycin là 1 kháng sinh bán tổng hợp loại azalide (phân nhóm của macrolid). Thuốc có tác dụng diệt khuẩn mạnh với cơ chế gắn vào ribosom của vi khuẩn gây bệnh để ngăn cản quá trình tổng hợp protein của chúng. Azithromycin có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng tốt cả trên các chủng vi khuẩn gram dương và gram âm.

Chỉ định sử dụng thuốc Fabazixin:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phổi, viêm phế quản cấp;
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: Viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm yết hầu, viêm tai giữa;
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm;
  • Điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục do Neisseria gonorrhoeae hoặc Chlamydia trachomatis.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Fabazixin:

  • Người bị quá mẫn với thành phần Azithromycin hoặc các thuốc nhóm macrolid.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Fabazixin

Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc 1 giờ trước bữa ăn hoặc uống vào lúc 2 giờ sau khi ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn:
    • Liều thông thường: Ngày đầu tiên dùng 1 liều 500mg, 4 ngày tiếp theo dùng 1 liều 250mg/ngày;
    • Điều trị bệnh lây qua đường sinh dục như viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung do nhiễm Chlamydia trachomatis: Dùng 1 liều duy nhất 1g;
  • Trẻ em: Ngày đầu tiên dùng liều 10mg/kg, sau đó dùng liều 5mg/kg/ngày từ ngày thứ 2 - ngày thứ 5, hoặc dùng liều 10mg/kg/ngày x 3 ngày;
  • Người cao tuổi: Liều dùng giống như người lớn.

Quá liều: Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều do dùng thuốc Fabazixin, người bệnh nên báo cho bác sĩ và nhập viện ngay để được kiểm tra, xử trí sớm.

Quên liều: Trong trường hợp quên 1 liều khi đang dùng thuốc Fabazixin, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu thời gian đã gần với liều kế tiếp thì bạn bỏ qua liều đã quên mà dùng liều tiếp theo vào thời điểm đã được quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Fabazixin

Khi sử dụng thuốc Fabazixin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau bụng, co cứng cơ bụng, buồn nôn, ói mửa, đầy hơi, tiêu chảy,... Khi gặp các tác dụng phụ do thuốc, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Fabazixin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Fabazixin:

  • Nên điều chỉnh liều dùng thuốc Fabazixin ở bệnh nhân suy thận có ClCr dưới 40ml/phút;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Fabazixin ở bệnh nhân suy gan;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Fabazixin ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú, chỉ sử dụng khi lợi ích lớn hơn rủi ro và đã được bác sĩ cho phép.

5. Tương tác thuốc Fabazixin

Khi sử dụng cùng lúc 1 hoặc nhiều thuốc với Fabazixin dễ xảy ra nguy cơ tương tác thuốc, dẫn tới hiện tượng hiệp đồng hoặc đối kháng tác dụng. Một số tương tác thuốc của Fabazixin gồm:

  • Không sử dụng thuốc Fabazixin cùng với các dẫn chất nấm cựa gà;
  • Uống thuốc Fabazixin cách ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi sử dụng thuốc kháng acid;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Fabazixin đồng thời với cyclosporin hoặc digoxin.

Trong quá trình sử dụng thuốc Fabazixin, người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ để được can thiệp xử trí ngay.

Tóm lại, thuốc Fabazixin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Azithromycin. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp, da và mô mềm, đường tình dục,...Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe