Fabasofos là thuốc thường được dùng kết hợp với các thuốc kháng Retrovirus khác để điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Ngoài ra, thuốc cũng sử dụng để dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách giảm lượng HIV trong cơ thể của người bệnh để hệ thống miễn dịch có thể hoạt động tốt hơn.
1. Fabasofos công dụng là gì?
Fabasofos thuộc nhóm kháng virus, với hoạt chất chính Efavirenz có công dụng ngăn cản sự nhân lên của HIV-1 nhờ cơ chế ức chế đặc hiệu lên enzyme phiên mã ngược của HIV-1.
Fabasofos làm giảm lượng HIV trong cơ thể của người bệnh để hệ thống miễn dịch có thể hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các biến chứng HIV (bội nhiễm vi khuẩn, ung thư) và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Chỉ định của thuốc Fabasofos
Fabasofos chỉ định dùng trong những trường hợp:
- Dùng phối hợp với các thuốc kháng retrovirus khác trong điều trị nhiễm HIV-1 ở người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
- Phòng ngừa cho những đối tượng sau phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp.
- Phòng ngừa cho những đối tượng sau phơi nhiễm HIV không do nghề nghiệp.
3. Chống chỉ định của thuốc Fabasofos
Fabasofos chống chỉ định dùng trong những trường hợp:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân bị suy gan nặng.
- Phụ nữ có thai.
4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Fabasofos
4.1. Cách sử dụng thuốc Fabasofos
Fabasofos được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, hàm lượng mỗi viên 600mg, dùng đường uống. Khi uống nuốt trọn viên, không được bẻ hay nghiền nát thuốc. Uống thuốc vào lúc đói. Tránh uống thuốc vào bữa ăn có nhiều dầu mỡ vì sẽ làm tăng hấp thu thuốc, gây ra tác dụng không mong muốn.
Nên uống thuốc trước khi đi ngủ để giảm thiểu tác dụng không mong muốn (chóng mặt, đau đầu, ngủ gà). Sau khi sử dụng thuốc nếu không thấy có tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể uống Fabasofos vào một thời điểm thuận lợi trong ngày.
4.2. Liều dùng của thuốc Fabasofos
- Kết hợp Fabasofos với 2 thuốc thuộc nhóm Nucleosid ức chế các enzym sao chép ngược: Stavudin (D4T), Lamivudin (3TC), Efavirenz (EFV) hoặc Zidovudin (ZDV) + 3TC + EFV.
- Người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em ≥ 40kg: 600mg x 1 lần/ngày.
Phòng ngừa cho những đối tượng sau phơi nhiễm do nghề nghiệp:
- Kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác (thường với 2 thuốc thuộc nhóm Nucleosid ức chế các enzym sao chép ngược).
- Uống 600mg, ngày uống 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Phải dùng thuốc sớm trong vòng vài giờ sau khi bị phơi nhiễm và dùng trong 4 tuần.
Phòng ngừa cho những đối tượng sau phơi nhiễm không do nghề nghiệp:
- Kết hợp Fabasofos với 2 thuốc kháng retrovirus khác.
- Uống 600mg, ngày uống 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Phải dùng thuốc sớm trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm và dùng trong 28 ngày.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên: Điều chỉnh liều theo cân nặng
- Cân nặng từ 10 đến 15kg: 200mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
- Cân nặng từ 15 đến 20kg: 250mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
- Cân nặng từ 20 đến 25kg: 300mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
- Cân nặng từ 25 đến 32,5kg: 350mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
- Cân nặng từ 32,5 đến 40 kg: 400 mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
- Cân nặng từ 40kg trở lên: 600mg/lần/ngày, uống kèm các thuốc kháng retrovirus khác.
Trẻ em dưới 3 tuổi:
- Dùng Fabasofos theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Người bệnh suy thận:
- Không cần điều chỉnh liều vì độ thanh thải của thuốc qua thận là không đáng kể.
Người bệnh suy gan:
- Không cần điều chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân suy gan mức độ nhẹ ( Xơ gan Child-Pugh A). Nên làm xét nghiệm men gan định kỳ trong quá trình sử dụng thuốc.
Điều chỉnh liều khi phối hợp:
- Nếu Fabasofos được dùng phối hợp với Voriconazol, liều duy trì Voriconazol phải được tăng lên 400mg mỗi 12 giờ và liều Fabasofos phải được giảm 50%, tức là 300mg x 1 lần/ngày. Khi ngưng điều trị với Voriconazol, nên duy trì liều ban đầu của Fabasofos là 600mg x 1 lần/ngày.
- Nếu Fabasofos được dùng đồng thời với Rifampicin cho bệnh nhân nặng 50kg trở lên, tăng liều Fabasofos đến 800mg/ngày.
Trong trường hợp người bệnh quên một liều thuốc Fabasofos, hãy dùng lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian uống thuốc đã gần sát với liều thuốc kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều Fabasofos kế tiếp vào thời điểm đã chỉ định trong ngày. Người bệnh lưu ý không dùng gấp đôi liều lượng đã chỉ định.
5. Tác dụng không mong muốn của Fabasofos
Tác dụng không mong muốn thường gặp:
- Toàn thân: Mệt mỏi.
- Hệ thần kinh – tâm thần: Trầm cảm, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ hoặc buồn ngủ, kém tập trung, hay mơ, co giật, lo lắng.
- Trên da: Ngứa, phát ban, hồng ban đa dạng.
- Hệ tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, chướng bụng, khó tiêu.
Tác dụng không mong muốn ít gặp:
- Hệ tiết niệu: Sỏi thận, tiểu ra máu.
- Máu: Tăng cholesterol và triglycerid máu.
- Hệ tiêu hóa: Viêm tụy. Trên Gan: tăng men gan ( nhất là ở bệnh nhân bị viêm gan virus).
Tác dụng không mong muốn hiếm gặp:
- Toàn thân: Phản ứng quá mẫn ( ngứa, nổi ban đỏ), hội chứng Steven-Johnson, phù mạch.
- Hệ thần kinh – tâm thần: Đau đầu, lú lẫn, giảm trí nhớ, rối loạn điều hòa vận động, rối loạn cảm giác, bệnh thần kinh ngoại biên, ảo giác, hành vi bất thường.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Fabasofos
Khi sử dụng thuốc Fabasofos, người bệnh cần lưu ý những thông tin dưới đây:
- Nên dùng thận trọng ở bệnh nhân suy gan nặng. Trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi men gan ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nhẹ đến trung bình, đặc biệt ở bệnh nhân viêm gan siêu vi..
- Ngừng sử dụng Fabasofos nếu người bệnh có triệu chứng phát ban da nặng tiến triển, có hoặc không đi kèm với sự tróc vảy, dính lớp màng nhầy.
- Theo dõi xét nghiệm mỡ máu và glucose máu trong suốt quá trình điều trị với Fabasofos.
- Các triệu chứng trên hệ thần kinh bao gồm: Chóng mặt, mất ngủ, buồn ngủ, giảm tập trung thường xuyên gặp phải ở những bệnh nhân dùng Fabasofos. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ các triệu chứng gặp phải nếu xảy ra, để có phương hướng điều trị phù hợp.
- Động kinh: Co giật đã được thấy ở người lớn và trẻ em đang dùng Fabasofos, thường là ở người có tiền sử động kinh và ở người bệnh đang điều trị đồng thời với các thuốc chống co giật khác như Phenobarbital, Phenytoin, Carbamazepin. Những đối tượng này cần thận trọng khi sử dụng thuốc và theo dõi định kỳ nồng độ thuốc trong huyết tương.
- Dùng Fabasofos cùng với thức ăn có thể tăng hấp thu thuốc và dẫn đến tăng tần suất các tác dụng không mong muốn. Khuyến cáo nên uống Fabasofos lúc đói, tốt nhất uống trước khi đi ngủ.
- Bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ nếu gặp các triệu chứng đau nhức khớp, cứng khớp hoặc di chuyển khó khăn. Vì trên những bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển và/ hoặc dùng liệu pháp kết hợp kháng retrovirus thời gian dài có thể gây hoại tử xương.
- Fabasofos không có tác dụng chống lây nhiễm virus HIV từ người mang virus sang người lành khác. Bởi vậy bệnh nhân được điều trị bằng efavirenz vẫn phải áp dụng các biện pháp thích hợp để tránh lây nhiễm virus HIV sang người khác (không cho máu, dùng bao cao su ...).
- Phụ nữ có thai: Fabasofos có thể gây quái thai nếu dùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Phụ nữ có khả năng mang thai không nên dùng Fabasofos cho đến khi khả năng có thai được loại trừ.
- Phụ nữ cho con bú: Fabasofos đã được chứng minh được bài tiết vào sữa mẹ. Vì không thể loại trừ nguy cơ đối với trẻ bú mẹ, nên dừng cho con bú trong khi điều trị với Fabasofos. Phụ nữ bị nhiễm HIV không cho con bú trong bất kỳ trường hợp nào nhằm tránh lây truyền HIV sang con.
- Đối tượng đang lái xe và vận hành máy móc: Fabasofos có thể gây chóng mặt, giảm tập trung và/hoặc ngủ gà. Bệnh nhân nên tránh các công việc nguy hiểm như lái xe hoặc vận hành máy móc khi dùng thuốc Fabasofos.
7. Tương tác của thuốc Fabasofos
Khi sử dụng Fabasofos có thể tương tác với một số thuốc dưới đây:
- Fabasofos có thể cạnh tranh với các thuốc CYP3A4 (Simvastatin và Atorvastatin), do đó có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương và độc tính của Fabasofos và các thuốc này.
- Fabasofos ức chế chuyển hóa của thuốc Terfenadin, Benzodiazepin (Midazolam và Triazolam), dễ gây các tác dụng phụ nặng. Bởi vậy không dùng đồng thời các thuốc trên với Fabasofos.
- Rượu và các thuốc hướng thần làm tăng tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giảm hiệu quả điều trị cũng như tăng tác dụng không mong muốn của Fabasofos.
- Fabasofos ức chế chuyển hóa của Astemizol, Cisaprid, làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim. Chống chỉ định kết hợp Fabasofos với các thuốc này.
- Phenobarbital làm tăng thanh thải Fabasofos, do đó làm giảm nồng độ Fabasofos, giảm hiệu quả của thuốc.
- Rifampicin làm giảm nồng độ Fabasofos, bởi vậy cần tăng liều Fabasofos nếu dùng đồng thời.
- Fabasofos làm giảm mạnh nồng độ Rifabutin. Cần chỉnh liều của Rifabutin nếu dùng đồng thời.
- Fabasofos làm giảm nồng độ và tác dụng của các thuốc tránh thai uống như Ethinylestradiol. Cần dùng biện pháp tránh thai khác khi uống Fabasofos.
- Fabasofos làm giảm nồng độ Indinavir, Amprenavir, Atazanavir. Cần tăng liều Indinavir từ 800mg mỗi 8 giờ một lần lên 1000mg mỗi 8 giờ một lần nếu kết hợp với Fabasofos.
- Fabasofos kết hợp với Ritonavir làm tăng tần suất bị tác dụng phụ (chóng mặt, buồn nôn, dị cảm) và tăng men gan.
- Fabasofos làm giảm nồng độ Saquinavir. Không nên chỉ định dùng Saquinavir là thuốc ức chế protease trong trị liệu phối hợp có Fabasofos.
- Fabasofos làm giảm nồng độ Clarithromycin. Nên chọn thuốc kháng sinh khác thay thế Clarithromycin như Azithromycin.
- Nồng độ trong máu và tác dụng của Warfarin có thể tăng hoặc giảm khi dùng đồng thời với Fabasofos.
- Chế phẩm Hypericum perforatum làm giảm nồng độ Efavirenz xuống dưới mức có tác dụng và làm virus tăng kháng thuốc. Không nên kết hợp các chế phẩm này với Fabasofos.
Với những thông tin về Fabasofos trên, hy vọng người bệnh có thêm kiến thức về cách dùng thuốc an toàn và hiệu quả. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về thuốc Fabasofos, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ dược sĩ để có câu trả lời.