Thuốc Euzimnat là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ II. Thuốc có thành phần chính là Cefuroxime, hàm lượng 500mg có tác dụng chống nhiễm khuẩn điều trị các trường hợp viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, viêm bể thận,... Để hiểu chi tiết về công dụng thuốc cũng như chỉ định và cách dùng thuốc Euzimnat như thế nào? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Tác dụng thuốc Euzimnat
Hoạt chất Cefuroxim trong thuốc là kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng, thuộc nhóm cephalosporin, có hoạt tính kháng khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích thiết yếu. Thuốc có hoạt tính kháng khuẩn hữu hiệu, chống lại nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, kể cả các chủng tiết beta - lactamase/cephalosporinase của cả vi khuẩn gram dương và gram âm và đặc biệt rất bền với nhiều enzym beta - lactamase của vi khuẩn gram âm.
Sau khi uống thuốc, Euzimnat được hấp thu qua đường tiêu hóa và nhanh chóng bị thủy phân ở niêm mạc ruột và trong máu để phóng thích dược chất Cefuroxime vào hệ tuần hoàn.
Thuốc Euzimnat hấp thu tốt nhất khi được uống trong bữa ăn, hoặc ngay sau bữa ăn và có thời gian bán hủy trong huyết thanh từ 1 đến 1,5 giờ.
Thuốc không bị chuyển hóa và được đào thải bởi quá trình lọc ở cầu thận và sự thải ở ống thận.
Thuốc Euzimnat được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Viêm tai giữa
- Viêm xoang
- Viêm amidan
- Viêm thanh quản
- Viêm họng
- Viêm phổi
- Viêm phế quản cấp
- Đợt cấp viêm phế quản mãn tính.
- Viêm bể thận, viêm bàng quang
- Viêm niệu đạo
- Ðinh nhọt
- Viêm da mủ, chốc lở
- Sốt thương hàn
- Bệnh lậu
- Viêm niệu đạo cấp do lậu cấp
- Viêm cổ tử cung
Chống chỉ định dùng thuốc Euzimnat cho người bệnh có dị ứng với thành phần cefuroxime hay nhóm Cephalosporin hoặc tá dược khác có trong thuốc.
2. Liều lượng - Cách dùng thuốc Euzimnat
2.1. Cách dùng
Nên dùng thuốc Euzimnat theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc được dùng theo đợt từ 5-10 ngày, sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh, nếu không đỡ hoặc nặng hơn cần báo bác sĩ để điều chỉnh thuốc.
Thuốc Euzimnat nên uống trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn.
2.2. Liều dùng
Liều dùng cho người lớn:
- Với hầu hết nhiễm khuẩn: uống liều 250mg x 2 lần/ngày.
- Sốt thương hàn: uống liều 500 mg x 2 lần/ngày.
- Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu - sinh dục: Uống liều 125mg x 2 lần/ngày.
- Nhiễm khuẩn hô hấp dưới từ nhẹ đến trung bình: Uống liều 250mg/lần x 2 lần/ngày.
- Nhiễm khuẩn hô hấp nặng hoặc nghi ngờ viêm phổi: Uống liều 500mg/lần x 2 lần/ngày.
- Viêm bể thận: Uống liều 250mg/lần x 2 lần/ngày.
- Lậu không biến chứng: Uống liều đơn 1g.
- Bệnh Lyme giai đoạn đầu: Uống liều 500mg x 2 lần/ngày, liệu trình dùng trong thời gian 20 ngày.
Liều dùng cho trẻ em:
- Trường hợp nhiễm khuẩn: Uống liều 125mg/lần x 2 lần/ngày, tối đa dùng liều 250mg/lần.
- Sốt thương hàn: Uống liều 250mg/lần x 2 lần/ngày.
- Viêm tai giữa hoặc nhiễm khuẩn nghiêm trọng: Uống liều 250mg/lần x 2 lần/ngày.
Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, liều dùng cụ thể còn tùy vào thể trạng cơ thể bệnh nhân, tuổi tác, cân nặng, tình trạng bệnh mà liều dùng có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với bệnh nhân.
3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Euzimnat
Khi dùng thuốc Euzimnat có thể gặp các tác dụng phụ dưới đây:
- Ban đỏ
- Hoại tử da do nhiễm độc
- Phát ban da, sẩn
- Ngứa, mề đay
- Sốt
- Tiêu chảy, buồn nôn, nôn
- Tăng bạch cầu ái toan
- Tăng men gan
- Viêm ruột giả mạc
- Giảm bạch cầu, tiểu cầu.
4. Quá liều/ quên liều thuốc Euzimnat
Khi dùng quá liều thuốc Euzimnat bạn có thể gặp các triệu chứng: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, và ỉa chảy, phản ứng mạnh hơn gây tăng kích thích thần kinh cơ và xuất hiện cơn co giật, đặc biệt là ở bệnh nhân có suy thận.
Xử trí quá liều: Trước hết cần làm đó là bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch. Nếu thấy nguy cơ có các cơn co giật, ngừng ngay sử dụng thuốc Euzimnat và sử dụng biện pháp chống co giật khi có chỉ định về lâm sàng. Cuối cùng là thẩm tách máu giúp có thể loại bỏ thuốc khỏi máu, nhưng phần lớn việc điều trị khi quá liều thuốc là hỗ trợ hoặc giải quyết triệu chứng. Lưu ý: Đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc do sự tương tác của chúng với nhau.
Khi quên liều thuốc Euzimnat bạn cần bổ sung ngay lập tức khi nhớ ra. Nếu thời gian đã gần đến liều tiếp thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng thuốc đúng lịch trình. Lưu ý: Bệnh nhân không được phép tự ý bù liều cho liều đã quên.
5. Tương tác thuốc Euzimnat với thuốc khác
Cần chú ý các tương tác thuốc sau với Euzimnat để tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng:
- Thuốc Ranitidin, natri bicarbonat khi phối hợp với Euzimnat làm giảm tác dụng diệt khuẩn của thuốc.
- Thuốc kháng acid hoặc thuốc phong bế H2 khi dùng đồng thời cùng Euzimnat sẽ làm tăng acid dịch vị dạ dày. Vì vậy, bác sĩ khuyên nên dùng Euzimnat sau 2 tiếng.
- Probenecid liều cao khi kết hợp với Euzimnat làm giảm độ thanh thải thuốc ở thận.
- Aminoglycosid tương tác với Euzimnat làm tăng độc tính của thuốc ở thận.
Euzimnat là thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn: viêm mũi xoang, viêm phổi, viêm đường tiết niệu,.... Để đảm bảo sử dụng thuốc Euzimnat một cách an toàn, đúng chỉ định và đúng liều lượng bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể gặp các tác dụng phụ, tương tác thuốc nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.