Emixorat là thuốc kê đơn được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và dự phòng các trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như khi tiến hành phẫu thuật. Để sử dụng thuốc hiệu quả, việc tìm hiểu thông tin về cách dùng, liều dùng, tác dụng phụ là điều vô cùng cần thiết.
1. Emixorat là thuốc gì?
Thuốc Emixorat có chứa thành phần chính là Cefuroxim (dưới dạng Cefuroxim natri) 1,5g. Đây là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, có khả năng ngăn chặn các tế bào vi khuẩn hình hành, phát triển và phân chia để từ đây phá vỡ thành tế bào, tiêu diệt tận gốc vi khuẩn.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Emixorat
2.1. Chỉ định
Emixorat được chỉ định trong điều trị các trường hợp mắc phải các bệnh lý sau:
- Bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp ở các bệnh viêm phế quản, giãn phế quản, nhiễm trùng ngực sau phẫu thuật, áp-xe phổi và viêm phổi .
- Bệnh nhân nhiễm trùng tai-mũi-họng ở các bệnh viêm xoang, viêm họng và viêm amidan.
- Bệnh nhân nhiễm trùng đường tiểu ở bệnh viêm bàng quang, nhiễm khuẩn nước tiểu không triệu chứng, viêm cầu thận cả thể cấp tính và mãn tính.
- Bệnh nhân nhiễm trùng lậu cầu khi không thể sử dụng Penicillin.
- Người mắc nhiễm trùng sản-phụ khoa, xương khớp, mô mềm, viêm màng não...
- Emixorat còn được sử dụng dự phòng ở người có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như chuẩn bị phẫu thuật bụng, tim, thực quản, vùng chậu, phổi hoặc mạch máu.
2.2. Chống chỉ định
Emixorat chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc Emixorat hoặc các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin.
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi không dùng Emixorat.
3. Liều dùng và cách dùng Emixorat
3.1. Liều dùng
Emixorat điều trị các bệnh lý thông thường
- Người lớn: Dùng thuốc với liều 750mg x 3 lần/ngày, có thể tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng có thể tăng liều lên 1,5g x 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch sau mỗi 6 giờ. Đảm bảo tổng liều hàng ngày từ 3 - 6g/ngày.
- Trẻ em: Dùng thuốc với liều từ 30mg – 100mg/kg cân nặng /ngày, chia thành 3 hoặc 4 liều.
Sử dụng Emixorat điều trị các bệnh lý đặc biệt
- Bệnh lậu: Dùng thuốc với liều 1,5g tiêm bắp.
- Viêm màng não: Người lớn dùng liều 3g mỗi 8 giờ, trẻ em dùng liều 200 mg – 240 mg/kg cân nặng/ngày, chia thành các liều tương đương mỗi 6 – 8 giờ, tiêm tĩnh mạch. Lưu ý khi bệnh có dấu hiệu cải thiện lâm sàng hoặc sau khi dùng thuốc 3 ngày có thể giảm liều xuống 100mg/kg cân nặng/ngày.
Sử dụng Emixora trong điều trị dự phòng
- Khởi mê trong phẫu thuật bụng, khung chậu, và chỉnh hình: Sử dụng liều 1,5 g tiêm tĩnh mạch hoặc bổ sung thêm 2 mũi tiêm bắp 750 mg lúc 8 giờ và 16 giờ sau.
- Khởi mê trong phẫu thuật tim, phổi, thực quản và mạch máu: Sử dụng liều 1,5g tiêm tĩnh mạch và có thể tiếp tục với liều 750 mg tiêm bắp x3 lần/ngày trong 24 đến 48 giờ sau.
Thông tin liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định từ phía bác sĩ khi sử dụng Emixorat.
3.2. Cách dùng Emixorat
Emixorat có thể được chỉ định tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch chậm với cách pha thuốc như sau:
- Sử dụng Emixorat để tiêm bắp: Thêm 3ml nước cất pha tiêm vào lọ 750mg, lắc đều giúp bột thuốc hòa tan trước khi dùng.
- Sử dụng trong tiêm tĩnh mạch: Thêm 6ml nước cất pha tiêm vào lọ 750mg, lắc đều giúp bột thuốc hòa tan trước khi dùng.
- Sử dụng Emixorat tiêm truyền tĩnh mạch chậm (trong 30 phút): Cần tiến hành pha loãng thêm vào lọ 1,5g với 50ml dịch truyền thích hợp.
4. Tác dụng phụ của thuốc Emixorat
Người lớn và trẻ em có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc Emixorat như:
- Sốt cao đột ngột, ớn lạnh, nổi mẩn ngứa khắp người, đau khớp, sưng hạch.
- Tim đập nhanh, đau ngực, động kinh, tiêu chảy, có máu trong nước tiểu/phân, đầu óc không tỉnh táo.
- Da nhợt nhạt, vàng da, nổi ban trên da, bong tróc hoặc đôi khi bầm tím da.
- Khát nước, có cảm giác ăn không ngon, khó thở hoặc tê, sưng cơ.
- Một số trường hợp cảm thấy nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nghẹt mũi, ho, buồn ngủ, ngứa âm đạo,...
Nếu xuất hiện những tác dụng phụ khi dùng thuốc, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế ngay lập tức.
5. Tương tác thuốc
- Emixorat khi dùng với Probenecid liều cao sẽ làm tăng tác dụng của thuốc.
- Dùng Emixorat với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có nguy cơ tăng đọc tính trên thận.
6. Thận trọng khi dùng Emixorat
Thận trọng khi dùng Emixorat trong những trường hợp sau đây:
- Emixorat chỉ phát huy tác dụng và hiệu quả cao trong điều trị nhiễm khuẩn nên không hiệu quả với những bệnh do virus gây ra.
- Trong quá trình dùng thuốc, bạn cần tuân thủ theo đúng liều dùng, không nên ngắt liều hoặc dừng thuốc đột ngột sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc hoặc gây nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về thuốc Emixorat để có cách sử dụng an toàn và hiệu quả. Tùy vào từng bệnh lý mà bạn dùng với liều lượng phù hợp và đừng quên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc trong điều trị bệnh lý mình đang gặp phải.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.