Cycloserine là thuốc được kê đơn phổ biến trong điều trị bệnh lao đã có kháng thuốc. Trong một viên thuốc Cycloserine chứa thành phần chính là Cycloserine với hàm lượng 250mg. Đây là thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh cần tuân thủ các chỉ định từ bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị. Đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về dòng thuốc trị bệnh lao này.
1. Cycloserine là thuốc gì?
Thành phần Cycloserine trong thuốc là một kháng sinh phân lập từ vi khuẩn thuộc chi Streptomyces là vi khuẩn Streptomyces garyphalus hoặc Streptomyces orchidaceus.
Thuốc Cycloserine hoạt động theo cơ chế ngăn cản vi khuẩn tổng hợp vỏ tế bào bằng cách ức chế các phản ứng tham tổng hợp vỏ tế bào có D-alanin tham gia. Cycloserine có khả năng này do công thức cấu tạo của Cycloserine tương đồng với acid amin D-alanin, từ đó ức chế cạnh tranh với D-alanin trong phản ứng tổng hợp vỏ tế bào.
Trong môi trường in vitro không có D-alanin, các chủng vi khuẩn thuộc chi Nocardia, chi Enterococcus, chi Chlamydia, tụ cầu vàng, vi khuẩn E.coli cũng bị ức chế bởi Cycloserine.
Mặc dù các chủng gây bệnh lao Mycobacterium tuberculosis đáp ứng rất nhạy cảm với Cycloserine, tuy nhiên nếu điều trị đơn độc bằng Cycloserine thì các chủng vi khuẩn này kháng thuốc rất nhanh. Hiện nay, trong điều trị lâm sàng cũng như trong điều kiện nghiên cứu phòng thí nghiệm, đã ghi nhận hiện tượng vi khuẩn lao kháng Cycloserine tự nhiên và cả mắc phải. Để khắc phục tình trạng này, người ta thường sử dụng kết hợp các thuốc điều trị bệnh lao khác với Cycloserine, sự phối hợp đó có thể điều trị được các ca bệnh lao kháng thuốc.
Tuy nhiên, hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc, đặc biệt là vi khuẩn lao kháng thuốc đang ngày càng trở nên trầm trọng trên thế giới, gây nên nhiều khó khăn trong phòng và điều trị bệnh, nên Cycloserine được sử dụng rất hạn chế. Cycloserine chỉ được chỉ định cho trường hợp bệnh lao kháng thuốc để hạn chế tối đa tình trạng này.
2. Thuốc Cycloserine có tác dụng gì?
Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc Cycloserine trong các trường hợp sau:
- Chữa bệnh lao đã có kháng thuốc khi sử dụng được dùng kết hợp với các loại thuốc điều trị bệnh lao khác như Streptomycin, Ethambutol, Rifampicin,...
- Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Mặt khác, thuốc chống chỉ định kê đơn cho các đối tượng sau:
- Người bệnh mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng
- Những người mắc phải các chứng bệnh liên quan đến thần kinh như: trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu,...
- Người bệnh mắc chứng nghiện rượu hoặc từng nghiện rượu đã được điều trị.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Cycloserine
3.1. Cách dùng
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang nên người bệnh được khuyến cáo sử dụng thuốc bằng đường uống. Thuốc không phụ thuộc vào thức ăn cho nên bạn có thể dùng thuốc chung hoặc không chung với thức ăn. Tuy nhiên khi uống thuốc bạn cần uống nguyên viên, không bẻ đôi hay nghiền nát. Uống thuốc với nhiều nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội.
Thời gian sử dụng thuốc là 2 lần/ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vì đây thuộc nhóm thuốc kháng sinh nên bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh uống thuốc cách thời gian đều nhau nhằm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Do vật, bạn cần dùng thuốc vào những thời điểm giống nhau mỗi ngày.
Luôn tuân thủ các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Việc tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng thuốc quá sớm có thể khiến vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn dẫn đến tái nhiễm trùng. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc điều trị.
3.2. Liều lượng
Mỗi người bệnh sẽ được kê đơn thuốc khác nhau. Dựa vào tình trạng sức khỏe, cân nặng của người bệnh cũng như mục đích điều trị bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, bất cứ bệnh nhân nào cũng không được uống nhiều hơn 1000 mg mỗi ngày. Người bệnh có thể tham khảo liều dùng khuyến cáo sau đây:
- Đối với người lớn sẽ được chỉ định liều khởi đầu là 250mg/lần. Sau 2 tuần, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều để duy trì nồng độ thuốc trong máu dưới 30 microgam/ml. Đa số dùng liều 500 mg/ngày cho tới 1 g/ngày chia thành nhiều liều nhỏ bằng nhau. Liều cao hơn 1g/ngày không được khuyến cáo.
- Đối với người lớn và trẻ em từ 15 tuổi trở lên, có thể dùng liều 10 - 15 mg/kg (cho tới 1 g/ngày) mỗi ngày chia làm 2 lần.
- Trẻ em dưới 15 tuổi chưa xác định được liều tối ưu. Cho nên để đảm bảo an toàn, bác sĩ có thể chỉ định liều khởi đầu 10 mg/kg thể trọng một ngày. Sau đó điều chỉnh liều theo nồng độ thuốc trong máu và đáp ứng của thuốc.
- Người bệnh mắc bệnh suy thận và có độ thanh thải creatinin < 50 ml/phút thường không được kê đơn cycloresine.
Nếu bệnh nhân quên dùng 1 liều thuốc Cycloserine , hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua và dùng liều sau đúng như dự kiến;
Sử dụng thuốc Cycloserine quá liều có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như: Đau đầu, chóng mặt, lú lẫn, ngủ gà, tăng kích thích, dị cảm, loạn vận ngôn và tâm thần, thậm chí là co giật, và hôn mê. Bệnh nhân nên chủ động báo với bác sĩ nếu nhận thấy mình sử dụng quá liều lượng được khuyến cáo.
Trong trường hợp quá liều, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp như: gây nôn và/hoặc rửa dạ dày. Bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp dùng than hoạt và thuốc xổ 4 giờ một lần cho đến khi tình trạng ổn định. Nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng co giật sẽ sử dụng thuốc chống co giật. Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc quá liều dẫn đến ngộ độc thần kinh được chỉ định dùng 200 - 300 mg pyridoxin hydroclorid hàng ngày chia nhiều lần.
4. Tác dụng phụ của Cycloserine
Các tác dụng ngoại ý do thuốc Cycloserine gây ra sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Một số phản ứng phụ thường gặp như: Đau đầu, hoa mắt, lo âu, chóng mặt, ngủ gà, run rẩy, co giật, trầm cảm...
- Các tác dụng phụ ít gặp hơn đã được ghi nhận như: thay đổi tâm thần, thay đổi nhân cách, kích thích, hung dữ...
- Tác dụng phụ không mong muốn hiếm gặp như: Ban đỏ, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, thiếu máu nguyên hồng cầu nhiễm sắt, giảm hấp thu calci, magnesi...
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của Cycloserine. Người bệnh có thể xuất hiện các phản ứng phụ khác trong quá trình điều trị bằng thuốc này. Do đó khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ do thuốc gây nên, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ.
5. Tương tác thuốc Cycloserine
Tương tác thuốc là tình trạng thường gặp khi các thuốc điều trị kết hợp với nhau. Kết quả của quá trình này sẽ làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh. Thuốc Cycloserine cũng vậy. Dưới đây là một số thuốc có thể gây tương tác với Cycloserine như: isoniazid và ethionamid, pyridoxin...
6. Thận trọng khi dùng thuốc Cycloserine
- Đối với người bệnh được kê liều dùng 500 mg cycloresine mỗi ngày cần được theo dõi trong 2 tuần đầu điều trị.
- Người bệnh cần được xét nghiệm gan, thận và huyết học thường xuyên trong quá trình dùng thuốc.
- Cycloserine chỉ được kê đơn trong trường hợp nhiễm khuẩn chứ không đạt hiệu quả đối với các bệnh do nhiễm virus.
- Tránh việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết và theo liều lượng của bác sĩ.
- Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm.
Bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc về công dụng của thuốc Cycloserine. Hy vọng sẽ giúp độc giả sử dụng thuốc an toàn, tăng hiệu quả điều trị bệnh và hạn chế các rủi ro khi dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.