Cravit 1.5% là 1 loại kháng sinh nhỏ mắt, thường được chỉ định trong các nhiễm khuẩn ở vùng mắt do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
1. Cravit 1.5% là thuốc gì?
- Cravit 1.5% có thành phần chính là Levofloxacin hydrat và 1 số tá dược gồm Glycerin đậm đặc, acid hydrocloric loãng, natri hydroxyd và nước.
- Thành phần Levofloxacin hydrat là kháng sinh nhóm Fluoroquinolon - đồng phân của hỗn hợp racemic ofloxacin, có hoạt tính kháng khuẩn mạnh gấp 2 lần ofloxacin. Cravit 1.5% thường được chỉ định để giảm các triệu chứng viêm trong các bệnh lý ở mắt như: Viêm bờ mi, viêm túi lệ, chắp, viêm sụn mi, viêm giác mạc, viêm kết mạc,... và để dự phòng sử dụng trước và sau khi phẫu thuật vùng mắt.
- Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự tổng hợp enzyme DNA gyrase topoisomerase II và topoisomerase IV (là enzym đóng vai trò trong sự tổng hợp DNA) do đó vi khuẩn không thể tổng hợp nhân tế bào để sinh sản. Thuốc có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm ở mắt như: Staphylococcus, Streptococcus, Streptococcus pneumoniae, Enterobacter và Haemophilus influenzae,...
- Sau khi nhỏ mắt, nồng độ thuốc đạt cao nhất ở giác mạc sau 15 phút, đạt đỉnh trong huyết tương sau khoảng 26 phút.
2. Chỉ định của thuốc Cravit 1.5%
Cravit 1.5% được chỉ định trong các bệnh lý sau:
- Các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, viêm túi lệ, viêm bờ mi, viêm sụn mi và chắp.
- Dự phòng nhiễm khuẩn trước và sau các phẫu thuật vùng mắt.
3. Chống chỉ định của thuốc Cravit 1.5%
- Không sử dụng thuốc Cravit 1.5% ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Levofloxacin, kháng sinh nhóm quinolon hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Cravit 1.5%:
- Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và tránh nguy cơ kháng thuốc, cần xác định chính xác bệnh lý nhiễm khuẩn của mắt là do các chủng vi khuẩn nhạy cảm với thành phần của thuốc gây nên.
- Chưa chứng minh được hiệu quả của thuốc đối với chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus đề kháng methicillin (MRSA). Vì vậy, nếu kháng sinh đồ dương tính với chủng MRSA thì nên dùng ngay kháng sinh nhạy cảm với chủng này.
- Thành phần Levofloxacin của thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên hàm lượng thuốc có thể không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ, phụ nữ cho con bú có thể sử dụng Cravit 1.5%.
- Phụ nữ có thai cần cân nhắc lợi ích trước khi dùng thuốc do chưa đủ bằng chứng về độ an toàn của thuốc cho thai nhi và bà mẹ.
4. Tương tác thuốc của Cravit 1.5%
- Chưa có đầy đủ các nghiên cứu về tương tác thuốc của Cravit 1.5% đối với các thuốc điều trị khác. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cần thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc đang điều trị để đề phòng các tác dụng không mong muốn khi xảy ra tương tác.
- Nếu phải dùng nhiều hơn 2 loại thuốc nhỏ mắt thì phải nhỏ cách xa nhau ít nhất 5 phút để tránh các tương tác.
5. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
- Cravit 1.5% được bào chế dưới dạng dung dịch thuốc nhỏ mắt, chỉ dùng để nhỏ mắt, không uống hay dùng thuốc để bôi và rửa.
- Khi nhỏ mắt, không để đầu lọ thuốc tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt hoặc các bề mặt khác.
- Không sử dụng cùng 1 lọ thuốc cho nhiều bệnh nhân dù các triệu chứng bệnh là giống nhau.
Liều dùng:
- Ở người lớn: Liều thông thường 1 giọt/ lần x 3 lần/ngày.
- Chưa chứng minh được tính an toàn của thuốc trên trẻ em, vì vậy trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, trẻ thiếu cân không nên dùng thuốc.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thể trạng bệnh nhân và tình trang bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định liều dùng khác nhau.
6. Tác dụng phụ của thuốc Cravit 1.5%
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Cravit 1.5% gồm:
- Kích ứng ở mắt, ngứa đỏ mắt, viêm mi mắt, phù mi mắt.
- Rối loạn vị giác.
- Nổi mề đay.
- Phát ban, phản ứng phản vệ (hiếm).
Tóm lại, Cravit 1.5% là một loại kháng sinh nhỏ mắt có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm vùng mắt. Thuốc tương đối an toàn, dễ sử dụng và hiệu quả diệt khuẩn cao. Tuy nhiên, tránh lạm dụng thuốc quá mức sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc ở các chủng vi khuẩn nhạy cảm và các tác dụng không mong muốn cho cơ thể. Lưu ý, Cravit 1.5% là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.