Thuốc Cloramphenicol là một loại kháng sinh hoạt động theo phương pháp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin cần biết về thuốc Cloramphenicol.
1. Cloramphenicol là thuốc gì?
Cloramphenicol được bào chế dưới dạng viên nén và nang (cloramphenicol) với hàm lượng 250mg. Ngoài ra, còn có dạng nhũ dịch uống (cloramphenicol palmitat) với hàm lượng 150mg/ 5ml và dạng thuốc tiêm (thuốc bột để pha tiêm, thuốc cloramphenicol sucinat natri) 1g/ lọ.
2. Công dụng của Cloramphenicol
Cloramphenicol được chỉ định sử dụng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng nguy kịch do vi khuẩn nhạy cảm do Rickettsia thường hay gặp ở Việt Nam (tên bệnh là sốt mò Scrub typhus) do Haemophilus influenzae.
Thuốc cũng có tác dụng trong điều trị bệnh thương hàn do S. typhi nhạy cảm; áp xe não; viêm xương chũm; bệnh chét chuột; bệnh dịch hạch; bệnh tularaemia; bệnh viêm màng não mủ.
3. Liều dùng Cloramphenicol
Trong trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm mà các kháng sinh khác không có tác dụng thì có thể chỉ định dùng dạng uống, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.
Người lớn và trẻ em sử dụng liều lượng 50mg/ kg/ ngày và chia làm 4 lần sử dụng. Trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Rickettsia liều dùng có thể lên tới 100mg/ kg/ ngày và chia làm nhiều lần dùng. Sau khi có chỉ định lâm sàng phải giảm liều cao ngay. Trẻ nhỏ nhỏ hơn 2 tuần tuổi liều dùng là 25mg/ kg/ ngày, chia làm 4 lần. Trẻ từ 2 tuần tuổi đến 1 tuổi, liều dùng thích hợp là 50mg/ kg/ ngày, chia làm 4 lần.
Dạng pha chế cần sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cloramphenicol
4.1 Cảnh báo khi sử dụng thuốc
Cần cân nhắc những yếu tố sau trước khi quyết định sử dụng Cloramphenicol:
- Yếu tố dị ứng: Thông báo với bác sĩ điều trị về tiền sử dị ứng của bản thân hoặc bất kỳ phản ứng bất thường nào với Cloramphenicol hoặc bất cứ loại thuốc nào khác.
- Sử dụng với người cao tuổi: Hiện chưa có thông tin cụ thể chỉ ra có sự khác biệt khi sử dụng thuốc này ở người cao tuổi so với những nhóm tuổi khác.
- Sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Các nghiên cứu hiện vẫn chưa đầy đủ để xác định mức độ rủi ro khi dùng thuốc này cho phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú. Hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc. Thuốc Cloramphenicol được xếp vào nhóm thuốc C - Nhóm có thể có nguy cơ đối với thai kỳ.
4.2 Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc Cloramphenicol có thể gây ra những tác dụng phụ cho người dùng, tuy nhiên, không phải ai cũng xảy ra phản ứng phụ khi dùng thuốc hoặc có thể chỉ là những tác dụng phụ nhỏ như bị tiêu chảy, cảm thấy buồn nôn hoặc nôn nhẹ. Cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ nếu trong quá trình sử dụng người bệnh gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Có phản ứng dị ứng nặng: Trên da xuất hiện tình trạng phát ban, nổi mề đay, ngứa;
- Gặp khó khăn khi hô hấp, cảm thấy tức ngực
- Bị sưng vùng miệng, mặt, môi, lưỡi
- Rơi vào trạng thái tâm thần không ổn định, lẫn lộn, mê sảng, trầm cảm;
- Tiểu tiện có màu sẫm;
- Đau đầu, sốt, ớn lạnh, nuốt đau họng;
- Vùng tiêm bị đỏ, đau, sưng;
- Trẻ sơ sinh có triệu chứng của Hội chứng xám: Sưng phù bụng, da xanh xao, nhợt nhạt, nôn nhiều, sốc, khó thở, không bú mẹ, phân lỏng và có màu xanh, cơ bắp mềm, nhiệt độ cơ thể thấp;
- Xuất hiện hiện tượng chảy máu bất thường hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân;
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Thị lực bị thay đổi.
5. Tương tác thuốc Cloramphenicol
Tương tác thuốc xảy ra có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc làm tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Trong khuôn khổ bài viết này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Bạn nên cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ biết về các loại thuốc bạn đang sử dụng (thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) trước khi sử dụng thuốc Cloramphenicol. Không được tự ý dùng thuốc, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ hay dược sỹ.
Dùng thuốc Cloramphenicol cùng với những loại thuốc được liệt kê phía dưới dù không được khuyến cáo nhưng có thể cần thiết trong một vài trường hợp. Nếu cả hai loại thuốc được kê cùng nhau, bác sĩ hoặc dược sỹ của bạn có thể thay đổi liều thuốc hoặc tần suất sử dụng một hoặc hai loại thuốc:
- Citalopram;
- Voriconazole.
Những thông tin quan trọng trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về cơ chế hoạt động cũng như cách dùng thuốc Cloramphenicol. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm có chỉ định phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.