Claforan là một kháng sinh kê đơn dùng đường tiêm. Thuốc chứa thành phần hoạt chất chính là Cefotaxime, một Cephalosporin thế hệ thứ ba thường được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Gram âm và Gram dương nhạy cảm.
1. Claforan là thuốc gì?
Claforan là một loại kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3 được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn Gram âm và Gram dương nhạy cảm.
Claforan chứa thành phần hoạt chất chính là Cefotaxime. Mỗi thành phẩm thuốc gồm một chai hoạt chất và một ống dung môi.
- Chai hoạt chất chứa 1,048g Cefotaxim natri, tương đương 1g Cefotaxim.
- Ống nước cất pha tiêm dung tích 4ml.
Đặc tính kháng khuẩn của Claforan:
Khả năng kháng khuẩn của thuốc này trên vi khuẩn Gram âm mạnh hơn nhiều so với nhóm Cephalosporin thế hệ 1 và 2.
- Các vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh Cefotaxim: S. pyogenes, Streptococcus agalactiae, Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicillin, S. pneumoniae, Borrelia burgdorferi, Haemophilus influenzae, Neisseria gonorrhoeae, Moraxella catarrhalis, N. meningitidis, P. vulgaris, Proteus mirabilis.
- Các vi khuẩn kháng thuốc tự nhiên: Enterococcus spp, Listeria monocytogenes, Staphylococcus aureus kháng methicillin, Acinetobacter b. ji, Pseud aerug Stenotrophi maltophilia, Clostridium difficile, Chlamydia spp, Chlamydophila spp, Legionella pneumophila, Mycoplasma spp, Treponema pallidum.
- Các vi khuẩn kháng thuốc khác: Citrobacter freundii, Enterobacter aerogenes, E. coli, Klebsiella oxytoca, E. cloacae, K. pneumoniae, Serratia marcescens, Morganella morganii, Bacteroides fragilis.
2. Công dụng thuốc Claforan
Claforan được sử dụng để điều trị nhiều loại nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm các dạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Chỉ định sử dụng thuốc Claforan cụ thể như sau:
- Nhiễm khuẩn huyết;
- Viêm nội tâm mạc;
- Viêm màng não (trừ do Listeria monocytogenes);
- Bệnh Lyme (nhất là ở giai đoạn II và III);
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
- Nhiễm khuẩn thận và đường tiểu dưới;
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm;
- Nhiễm khuẩn xương và khớp;
- Nhiễm khuẩn sinh dục;
- Nhiễm khuẩn nặng ở ổ bụng, bao gồm viêm phúc mạc (dùng phối hợp với Metronidazol);
- Dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu ở người có nguy cơ cao nhiễm khuẩn;
Điều trị phối hợp: Trường hợp nhiễm khuẩn nặng nguy hiểm đến tính mạng, Claforan phối hợp với Aminoglycosid được chỉ định không chờ kết quả thử độ nhạy của thuốc. Phải sử dụng riêng 2 loại thuốc này.
3. Cách sử dụng thuốc Claforan
3.1. Một số đối tượng cần lưu ý khi sử dụng Claforan
Không nên sử dụng Claforan cho người bị dị ứng với thuốc này, Cephalosporin, Penicillin hoặc với các kháng sinh beta-lactam khác.
Cũng cho bác sĩ biết nếu bạn mắc:
- Bệnh thận;
- Rối loạn dạ dày-ruột;
- Bệnh tiểu đường;
- Vấn đề về tim.
Không sử dụng Claforan trong thời kỳ cho con bú hoặc ngưng cho bú trong thời gian điều trị với thuốc.
Với phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng kháng sinh này trừ khi lợi ích được cân nhắc lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn của thuốc.
3.2. Liều lượng thuốc Claforan
Liều lượng, số lần và cách dùng thuốc tùy vào mức độ nhiễm khuẩn, độ nhạy của tác nhân gây bệnh và tình trạng riêng của mỗi bệnh nhân.
Với người lớn:
- Bệnh nhiễm khuẩn không biến chứng dùng liều 1g/lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ, dùng đường tiêm tĩnh mạch (IV) hoặc tiêm bắp (IM).
- Bệnh nhiễm khuẩn từ vừa tới nặng dùng liều 1-2g/lần, cách nhau từ 6 đến 8 giờ, tiêm IV hoặc IM.
- Bệnh nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng dùng liều 2g/lần, cách nhau 4 giờ tiêm IV, liều tối đa 12g/ngày.
Với trẻ em:
- Trẻ sơ sinh: Nhỏ hơn 1 tuần tuổi dùng 50mg cho 1kg thể trọng, mỗi 12 giờ/lần. Trẻ từ 1 đến 4 tuần tuổi: 50mg/kg, mỗi 8 giờ/ lần.
- Trẻ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi cân nặng dưới 50kg: 50 - 180mg/kg/ngày, chia làm 4-6 lần đều nhau.
- Trẻ có trọng lượng 50kg hoặc hơn: Dùng liều như người lớn.
Viêm màng não và các nhiễm trùng khác ở hệ thần kinh trung ương:
- Người lớn tiêm tĩnh mạch 2g cách nhau mỗi 6 giờ trong từ 7 đến 21 ngày. Trong 7 ngày cho việc điều trị viêm màng não không có biến chứng gây bởi các chủng Haemophilus influenzae hoặc Neisseria meningitidis. Trong ít nhất 10 đến 14 ngày cho viêm màng não có biến chứng hoặc gây ra bởi Streptococcus pneumoniae và ít nhất 21 ngày đối với viêm màng não do Enterobacteriaceae nhạy cảm (Escherichia coli, Klebsiella).
- Trẻ từ 1 tháng đến 12 tuổi cân nặng dưới 50kg: Dùng liều cao trong khoảng liều từ 50 đến 180mg/kg/ngày.
Điều trị bệnh lậu: Dùng liều tiêm bắp 1g duy nhất. Với bệnh lậu lan tỏa, trẻ trên 12 tuổi và người lớn tiêm tĩnh mạch 1g thuốc mỗi 8 giờ; tiếp tục dùng trong 1-2 ngày sau khi bệnh đã được cải thiện; sau đó có thể đổi sang uống Cefixim ít nhất 7 ngày để bệnh khỏi hoàn toàn.
Đối với dự phòng trong phẫu thuật: Tiêm IV hoặc IM 1g thuốc, trước khi phẫu thuật từ 30 đến 90 phút, có thể lặp lại liều tương tự tùy vào nguy cơ nhiễm trùng.
Với người bị suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút, sau liều tấn công ban đẩu thì giảm liều một nửa nhưng vẫn giữ nguyên số lần dùng thuốc trong ngày; liều tối đa cho 2g mỗi ngày. Ở người có độ thanh thải creatinin CrCl dưới 5 ml/phút, tối đa mỗi ngày dùng 1g, chia thành 2 lần cách 12 giờ.
Thời gian điều trị tùy vào đáp ứng của người bệnh. Nên tiếp tục dùng thuốc từ 3 đến 4 ngày sau khi nhiệt độ cơ thể về lại bình thường. Để điều trị nhiễm khuẩn do Streptococci tan máu beta nhóm A phải tiếp thêm ít nhất 10 ngày. Nhiễm khuẩn đường tiểu mãn tính có khi phải điều trị trong nhiều tuần.
3.3. Claforan được sử dụng như thế nào?
Claforan được tiêm vào cơ (tiêm bắp) hoặc vào tĩnh mạch và phải được trộn với chất lỏng trước khi sử dụng.
Tiêm tĩnh mạch: 1g Claforan hòa trong ít nhất 4 ml nước cất pha tiêm, tiêm chậm trong thời gian 3-5 phút.
Tiêm truyền tĩnh mạch trong trường hợp cần dùng liều cao hơn.
Truyền tĩnh mạch: 1 - 2g Claforan hòa tan trong 50 - 100ml dung dịch tiêm truyền thông dụng (dung dịch muối, dung dịch Ringer, dung dịch Dextrose 5%, dung dịch natri lactat) tiêm trong thời gian khoảng 20 - 30 phút.
Không pha dung dịch natri bicarbonat với Claforan.
Tiêm bắp: Hòa tan 1g Claforan trong 4ml nước cất pha tiêm hoặc dung dịch lidocain 1%; dung dịch được tiêm sâu vào cơ mông. Không nên tiêm hơn 4ml vào mỗi bên, liều 2g chia làm đôi và tiêm vào hai vị trí khác nhau. Nên tiêm tĩnh mạch nếu liều mỗi ngày vượt quá 2g hoặc nếu Claforan được tiêm hơn 2
lần/ngày.
Bảo quản thuốc chưa pha ở nơi khô dưới 30 độ, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp lên thuốc. Sau khi pha có thể bảo quản thuốc trong 12 giờ ở nhiệt độ dưới 25 độ C.
3.4. Quá liều thuốc và cách xử trí
Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm suy nhược, cảm giác lạnh, da nhợt nhạt, môi xanh hoặc co giật. Ngưng thuốc ngay và báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Thuốc kháng sinh Claforan có thể gây tiêu chảy, đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng mới. Nếu bị tiêu chảy ra nước hoặc phân có máu, hãy gọi cho bác sĩ, không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
3.5. Tương tác thuốc
Một số thuốc có thể gây tương tác với Claforan chẳng hạn như:
- Thuốc kháng sinh tiêm khác;
- Thuốc lợi tiểu;
- Probenecid;
- Cyclosporin.
4. Tác dụng phụ của thuốc Claforan
Nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng như phát ban, khó thở, sưng tấy ở mặt/ cổ họng hoặc phản ứng da nghiêm trọng như sốt, đau họng, bỏng rát trong mắt, đau da, phát ban da đỏ hay tím lan rộng , phồng rộp, bong tróc, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Gọi cho bác sĩ ngay nếu thuốc Claforan có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng sau:
- Đau dạ dày nghiêm trọng, đại tiện phân lỏng nước hoặc có máu;
- Bỏng, kích ứng hoặc thay đổi da nơi tiêm;
- Nước tiểu sẫm màu, vàng da/mắt;
- Cơn động kinh;
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi;
- Dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường, da xanh xao, tay chân lạnh.
Các tác dụng phụ thường gặp của Claforan có thể bao gồm:
- Đau, bầm tím, sưng tấy, hoặc kích ứng khác ở nơi tiêm;
- Tiêu chảy;
- Sốt;
- Phát ban, ngứa.
Việc điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh được chỉ định bởi người có chuyên môn, bạn cần thực hiện theo đúng hướng dẫn đã được tư vấn và báo lại cho nhân viên y tế nếu có các dấu hiệu bất thường nghi do dùng thuốc, đặc biệt là những dấu hiệu đã được cảnh báo.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Claforan, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Claforan là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.
Nguồn tham khảo: drugs.com