Thuốc Cinoxacin là một kháng sinh đường uống nhóm Quinolon có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn Gram âm hiếu khí. Vậy Cinoxacin là thuốc gì và được sử dụng như thế nào?
1. Cinoxacin là thuốc gì?
Cinoxacin là một kháng sinh nhóm Quinolon được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiểu. Thuốc không có tác dụng đối với các bệnh nhiễm virus hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn khác.
Thuốc Cinoxacin chỉ có sẵn với đơn thuốc của bác sĩ. Thuốc này được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu ban đầu và nhiễm trùng đường tiểu tái phát ở người lớn do các vi khuẩn nhạy cảm sau đây gây ra: Proteus mirabilis, Escherichia coli, Proteus vulgaris , các loài Klebsiella ( gồm cả K.pneumoniae) và các loài Enterobacter.
2. Thuốc Cinoxacin hoạt động như thế nào?
Thuốc Cinoxacin là một chất kháng khuẩn tổng hợp có hoạt tính in vitro chống lại nhiều vi khuẩn hiếu khí gram âm, đặc biệt là các chủng thuộc họ Enterobacteriaceae. Cinoxacin ức chế tổng hợp axit deoxyribonucleic (DNA) của vi khuẩn, diệt khuẩn và hoạt động trên toàn bộ phạm vi pH nước tiểu. Đề kháng chéo với Axit nalidixic đã được chứng minh.
Cơ chế hoạt động: Có bằng chứng cho thấy Cinoxacin liên kết mạnh mẽ, nhưng có thể đảo ngược với DNA, can thiệp vào quá trình tổng hợp RNA và với quá trình tổng hợp protein. Cinoxacin dường như cũng ức chế DNA gyrase một enzyme cần cho quá trình phân tách DNA được sao chép thích hợp. Thông qua việc ức chế enzym này, quá trình sao chép DNA, phân chia tế bào bị ức chế.
Sự hấp thụ thuốc Cinoxacin: Thuốc này hấp thu nhanh sau khi uống. Mặc dù việc ăn uống đồng thời có thể làm chậm quá trình hấp thu thuốc, nhưng tổng mức hấp thu thuốc không bị ảnh hưởng.
3. Sử dụng Cinoxacin như thế nào?
Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng với thuốc này hoặc kháng sinh nhóm Quinolon khác. Vì Cinoxacin đã được chứng minh là gây ra các vấn đề về phát triển xương ở động vật non, nên việc sử dụng Cinoxacin không được khuyến cáo ở trẻ em dưới 18 tuổi.
Các vấn đề y tế từng hoặc đang mắc khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng Cinoxacin. Hãy chắc chắn rằng bạn nói với bác sĩ của bạn nếu bạn có tiền sử:
- Rối loạn não và tủy sống
- Co giật
- Viêm gân - làm nặng hơn tình trạng bệnh
- Bệnh thận vì có thể tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ
Liều dùng thuốc Cinoxacin khác nhau ở những bệnh nhân khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng, số lần dùng, thời gian dùng phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bạn.
Liều lượng dưới đây mang tính chất tham khảo, với dạng bào chế viên nang của Cinoxacin:
- Để dự phòng nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn uống 250mg thuốc trước khi ngủ trong tối đa 5 tháng.
- Để điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn dùng liều 250mg mỗi 6 giờ; hoặc 500 mg mỗi 12 giờ một lần trong từ 7-14 ngày.
Kiểm tra lại với bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện trong vòng vài ngày hoặc nặng hơn.
Cân nhắc lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc này cho mẹ bầu hoặc người đang trong thời kỳ cho con bú.
Thận trọng khi sử dụng thuốc này cho những người lái xe, vận hành máy móc, hoặc đang phải thực hiện một số công việc nguy hiểm cần độ tập trung cao.
Thuốc Cinoxacin có thể khiến một số người trở nên nhạy cảm với ánh sáng mặt trời hơn bình thường (da cháy nắng nặng, phát ban da, mẩn đỏ, ngứa, đổi màu, thị lực thay đổi). Nếu có thể, sau khi dùng Cinoxacin hãy:
- Hạn chế tối đa việc để da của bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời
- Mặc áo quần bảo hộ
- Thoa kem chống nắng
Nếu bị các phản ứng nghiêm trọng với ánh nắng mặt trời, hãy đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Nếu bỏ lỡ một liều thuốc này, hãy uống nó sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nếu gần đến lúc dùng liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đó và uống thuốc như lịch thường lệ. Không tăng gấp hai liều dùng.
Trong trường hợp quá liều Cinoxacin có thể xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, ói mửa, chán ăn, tiêu chảy, đau vùng thượng vị, mức độ đau thượng vị và tiêu chảy phụ thuộc vào liều đã uống. Ngoài ra, một số triệu chứng như: mất ngủ, sợ ánh sáng, đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, ù tai cũng được báo gặp trên một số bệnh nhân.
Giữ thuốc của bạn xa tầm tay trẻ em, trong bao bì kín ở nơi thoáng mát, tránh ẩm, tránh nhiệt và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
4. Một số tương tác thuốc của Cinoxacin
Tương tác thuốc là sự tác động qua lại giữa các thuốc, với Cinoxacin một số tương tác có thể xảy ra với các thuốc khác như:
- Acarbose: Hiệu quả điều trị của Acarbose có thể được tăng lên khi sử dụng kết hợp với Cinoxacin
- Aceclofenac: có thể làm tăng các hoạt động điều hòa thần kinh của Cinoxacin.
- Acemetacin: có thể làm tăng các hoạt động điều hòa thần kinh của Cinoxacin.
- Acenocoumarol: Hiệu quả điều trị của Acenocoumarol có thể được tăng lên khi sử dụng kết hợp với Cinoxacin.
- Acetaminophen: Sự chuyển hóa của Acetaminophen có thể bị giảm khi kết hợp với Cinoxacin.
- Axit acetylsalicylic: có thể làm tăng các hoạt động điều hòa thần kinh của Cinoxacin.
- Acyclovir: Sự chuyển hóa của Acyclovir có thể bị giảm khi kết hợp với Cinoxacin.
- Albendazole: Sự chuyển hóa của Albendazole có thể bị giảm khi kết hợp với Cinoxacin.
- Alimemazine: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kéo dài QTc có thể tăng lên khi Alimemazine được kết hợp với Cinoxacin.
- Nhôm hydroxit có thể làm giảm hấp thu Cinoxacin, dẫn đến giảm nồng độ trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả.
- Amoxicillin: Nồng độ trong huyết thanh của Cinoxacin có thể được tăng lên khi nó được kết hợp với Amoxicillin.
- Azithromycin: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kéo dài QTc có thể tăng lên khi Azithromycin được kết hợp với Cinoxacin.
- Atropine: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của kéo dài QTc có thể tăng lên khi Atropine được kết hợp với Cinoxacin.
5. Các tác dụng phụ của thuốc Cinoxacin
Không phải tất cả các tác dụng phụ đều có thể xảy ra và chúng cũng có những tần suất xuất hiện khác nhau:
Tác dụng phụ ít phổ biến:
- Da phát ban, mẩn đỏ ngứa, sưng tấy
Phổ biến hơn:
- Tiêu chảy
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn
- Co thăt dạ dày
- Nôn mửa
Hiếm gặp:
- Đi cầu phân đen
- Chảy máu nướu răng
- Máu trong nước tiểu/phân
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Da tăng độ nhạy cảm với ánh nắng
- Bầm tím hoặc chảy máu bất thường
Tỷ lệ mắc phải không xác định:
- Đau xương
- Đau lưng dưới/đau ở một bên
- Viêm, sưng, đau ở chân, vai hoặc tay
- Đau, sưng khớp
- Co giật
Những tác dụng phụ khác không được liệt kê ở đây cũng có thể xảy ra, nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khác, hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ của bạn để được tư vấn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: drugs.com